Xây dựng cảng Cái Mép -Thị Vải thành cảng trung chuyển lớn nhất cả nước

14:56' - 15/05/2024
BNEWS Bà Rịa-Vũng Tàu cần thúc đẩy các thủ tục đầu tư, khai thác trung tâm logistics Cái Mép Hạ một cách hiệu quả, đảm bảo cho Cái Mép-Thị Vải trở thành một trung tâm kết nối.

Ngày 15/5, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đối với Đề án “Tiếp tục phát triển, hiện đại hóa cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép-Thị Vải thành cảng trung chuyển lớn nhất cả nước, có tầm cỡ khu vực châu Á và thế giới”.

 

Sự kiện có sự tham dự của lãnh đạo Tổng cục Hải quan, Cục Hàng hải, Cục Xuất, nhập khẩu (Bộ Công Thương), Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, các hiệp hội, nhà khoa học và doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Mai Ngọc Thuận, Tổ trưởng Tổ nghiên cứu Đề án cho biết, Thủ tướng Chính phủ quy hoạch Vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 trong đó khẳng định vai trò của cụm cảng Cái Mép-Thị Vải không chỉ là cảng cửa ngõ của vùng Đông Nam Bộ, của cả nước mà còn là cảng biển đặc biệt cấp quốc gia. Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đặt cụm cảng Cái Mép-Thị Vải vào vị thế trên để xây dựng Đề án.

Tại Hội thảo, Tổng thư ký Hiệp hội Cảng biển Việt Nam Hồ Kim Lân cho rằng, Bà Rịa-Vũng Tàu nên là đầu mối chính để phối hợp với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh khác trong vùng tổ chức thực hiện các chức năng nhiệm vụ quản trị phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế biển cho toàn vùng Đông Nam Bộ theo cơ chế phân quyền cụ thể của Trung ương.

Bà Nguyễn Thị Thảo Nhi, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thanh Bình Phú Mỹ cho rằng, cần cân đối về cơ cấu hàng hóa. Thực tế, lượng hàng container các cảng khu vực Cái Mép trong năm 2023 chỉ đạt khoảng 60% công suất (4,6 triệu TEU) nhưng các cảng hàng tổng hợp, hàng rời tại khu vực Thị Vải đều đã đạt và thậm chí là vượt công suất thiết kế. Điều này dẫn đến các cảng vốn quy hoạch là cảng container như SITV, SP-PSA đã chuyển sang khai thác hàng tổng hợp và cảng SSIT sử dụng một phần hạ tầng để khai thác hàng tổng hợp song song với khai thác hàng container.

Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan Đào Văn Tám chỉ rõ, hiện trạng các bến cảng tại khu vực Cái Mép-Thị Vải bị chia nhỏ, hẹp dẫn đến bất cập là mỗi bến tại cùng một thời điểm chỉ có thể tiếp nhận được 1 tàu mẹ làm hàng. Điều này cần được khắc phục trong Đề án. Ngoài ra, việc bố trí nhiều cổng ra vào cũng gây khó khăn cho công tác quản lý hải quan do phải bố trí thêm nhiều nhân lực, số lượng máy móc, trang thiết bị phục vụ kiểm tra, giám sát hải quan cũng tăng lên.

Tại Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Hoàng Hồng Giang đề nghị tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cần thúc đẩy các thủ tục đầu tư, khai thác trung tâm logistics Cái Mép Hạ một cách hiệu quả, đảm bảo cho Cái Mép-Thị Vải trở thành một trung tâm kết nối không chỉ trong phạm vi quốc gia Việt Nam mà còn của khu vực Đông Nam Á và quốc tế.

Bên cạnh đó, Đề án cần bổ sung nghiên cứu chi tiết về thị trường vận tải toàn cầu, thị phần vận tải của từng hãng tàu trên thế giới và các cảng biển đã được các hãng tàu lựa chọn làm bản doanh trung chuyển, phân phối hàng hóa. Đồng thời, Đề án cần nghiên cứu cụ thể các chính sách mà các quốc gia lân cận, có điều kiện tương tự Việt Nam đã áp dụng để thu hút các hãng tàu, làm cơ sở xây dựng chiến lược cạnh tranh thu hút hàng trung chuyển hiệu quả, bền vững.

Ngoài ra, Đề án cần nghiên cứu, đề xuất giải pháp tăng cường điều phối vĩ mô để đảm bảo phối hợp liên vùng, liên ngành trong phát triển cảng biển nói chung và cảng trung chuyển quốc tế nói riêng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục