Xây dựng hệ sinh thái mạnh để tạo đội ngũ nhân lực chất lượng

15:49' - 22/09/2021
BNEWS Đội ngũ nhân lực chất lượng là năng lực nội tại quan trọng nên Việt Nam rất cần một chiến lược bài bản, chuyên nghiệp để xây dựng hệ sinh thái vững mạnh nhằm tạo dựng đội ngũ nhân lực chất lượng.
Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Bích Lâm, Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Trong năng lực nội tại của nền kinh tế, đội ngũ nhân lực chất lượng là năng lực nội tại quan trọng nên Việt Nam rất cần một chiến lược bài bản, chuyên nghiệp để xây dựng hệ sinh thái vững mạnh nhằm tạo dựng đội ngũ nhân lực chất lượng; đặc biệt là xây dựng hệ sinh thái cho đào tạo, thu hút và sử dụng nhân tài. Để hiểu rõ hơn về nội dung này, Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê xung quanh nội dung này.

Phóng viên: Xin ông cho biết những điểm sáng của đội ngũ nhân lực Việt Nam hiện nay?

Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm: Việt Nam đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, tỷ lệ dân số từ 15 - 64 tuổi chiếm 67,8%; lực lượng lao động dồi dào với trên 3/4 dân số từ 15 tuổi trở lên tham gia lực lượng lao động. Lực lượng lao động thành thị có tốc độ tăng nhanh hơn khu vực nông thôn. Tỷ lệ lao động có việc làm năm 2020 chiếm 97,7% là mức khá cao so với các nước phát triển. Mức độ phát triển con người ngày càng cải thiện, chỉ số phát triển con người của Việt Nam tăng từ 0,683 (năm 2015) lên 0,702 (năm 2020).

Cơ cấu lao động theo khu vực kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Theo đó, năm 2015, tỷ trọng lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm 43,56% trong tổng số lao động có việc làm thì đến năm 2020 tỷ lệ này đã giảm xuống còn 33,06%.

Cùng với đó, đội ngũ nhân lực nghiên cứu khoa học đã có bước phát triển đáng kể về số lượng, chiếm khoảng 0,3% trong tổng số lao động đang làm việc của nền kinh tế, đóng góp thiết thực cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Khoa học kỹ thuật và công nghệ đã dần thâm nhập vào hoạt động sản xuất, giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh của một số sản phẩm, hàng hoá và dịch vụ.

Đội ngũ nhân lực giáo dục đào tạo cơ bản đủ về số lượng, đạt chuẩn và trên chuẩn đào tạo, nghề nghiệp ở nhiều mức độ. Ngành giáo dục và đào tạo cũng đã triển khai nhiều chương trình đào tạo chất lượng cao, góp phần tích cực trong quá trình hội nhập quốc tế của đất nước…

Phóng viên: Mặc dù, đội ngũ nhân lực chất lượng cao của Việt Nam đã phát triển khá mạnh, tuy nhiên lực lượng lao động chất lượng thấp còn chiếm khá cao. Vậy, những hạn chế, bất cập của nhân lực Việt Nam hiện nay là gì, thưa ông?

Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm: Hiện nay, tỷ lệ lực lượng lao động chất lượng thấp còn chiếm khá cao. Chẳng hạn, năm 2020, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo có chứng chỉ ở mức 23,6%; trên 60% việc làm thuộc khu vực nông nghiệp và phi chính thức với năng suất lao động thấp. Kỷ luật lao động của người Việt Nam nhìn chung kém, thiếu các kỹ năng mềm, thiếu khả năng hợp tác và gánh chịu rủi do, ngại phát huy sáng kiến và chia sẻ kinh nghiệm.

Mặc dù, cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực nhưng so với các nước trong khu vực, chuyển dịch cơ cấu lao động của nước ta còn khá chậm. Lao động trong ngành dịch vụ có tính “huyết mạch” của nền kinh tế như: tài chính, ngân hàng chiếm tỷ trọng rất thấp, ở mức 0,8% năm 2020.

Chất lượng của đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ còn hạn chế, thiếu các nhà khoa học giỏi, đầu ngành và thiếu chuyên gia trong các lĩnh vực công nghệ cao. Nhân lực khoa học và công nghệ phân bố không đều, một bộ phận sử dụng nhiều thời gian cho công tác quản lý. Tinh thần hợp tác nghiên cứu và kỹ năng làm việc nhóm còn yếu, khó hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh và các nhóm nghiên cứu liên ngành hoạt động lâu dài, bền vững.

Đặc biệt, chất lượng của hệ thống giáo dục và đào tạo đáng để cho các nhà quản lý và hoạt động trong lĩnh vực này nghiêm túc suy nghĩ. Năm 2020, Ngân hàng Thế giới xếp hạng 1.000 trường đại học theo ba bảng xếp hạng uy tín Webometrics, QS và THE, Việt Nam đứng cuối cùng sau cả Philippines, Indonesia, Malaysia và Thái Lan.

Không những thế, năng lực và trình độ đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy hành chính chưa đáp ứng đòi hỏi của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế; trách nhiệm công vụ còn kém, lề lối làm việc còn trì trệ, chậm đổi mới…

Để phát triển đất nước, Việt Nam rất cần một chiến lược bài bản, chuyên nghiệp, cụ thể và đột phá để xây dựng hệ sinh thái vững mạnh nhằm tạo dựng đội ngũ nhân lực chất lượng; đặc biệt, xây dựng hệ sinh thái cho đào tạo, thu hút và sử dụng nhân tài.

Phóng viên: Thực tế cho thấy, lực lượng trí thức tài năng sẽ quyết định đến sự phát triển, vị thế của quốc gia trên trường quốc tế. Ông có thể chỉ ra cách thức đào tạo và thu hút nhân tài của một số quốc gia?

Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm: Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang làm thế giới thay đổi mạnh mẽ, nhanh chóng, nhiều ngành công nghiệp sử dụng công nghệ mới sẽ xuất hiện và gia tăng về số lượng. Từ đó, tạo nên cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các quốc gia để giành giật những tài năng tốt nhất ở bất cứ nơi nào họ tìm thấy.

Như tôi thấy, lãnh đạo của các quốc gia và Tổng giám đốc điều hành của các tập đoàn nhận thức sâu sắc một thực tế rằng lực lượng trí thức tài năng sẽ quyết định đến sự phát triển, vị thế của quốc gia trên trường quốc tế. Chính phủ các nước đã có chiến lược và chính sách thu hút tài năng với những ưu đãi dồi dào mang dấu ấn riêng về tiền lương, điều kiện làm việc, sự hỗ trợ bổ sung và các lợi ích khác.

Để tạo dựng và phát triển đội ngũ nhân lực xuất sắc, hiệu quả hàng đầu thế giới, Chính phủ Mỹ qua tất cả các nhiệm kỳ tổng thống luôn xác định “Nhân lực là trung tâm của mọi sự phát triển”. Chính phủ tập trung thực thi với mức độ ưu tiên chiến lược đào tạo và thu hút nhân tài từ khắp các châu lục và coi đó là chiến lược sống còn xuyên suốt lịch sử phát triển đất nước. Mỹ đặc biệt coi trọng giáo dục đại học trong đào tạo và bồi dưỡng phát triển nhân tài và thực hiện có hệ thống, được luật hoá.

Chính phủ Mỹ thành lập hệ thống gồm các cơ quan quản lý nhân lực nhằm thu hút, tuyển dụng, giữ chân những sinh viên tài năng hàng đầu từ các trường đại học, đặc biệt luôn tôn vinh lực lượng lao động đẳng cấp thế giới đến làm việc tại Mỹ.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng có chính sách đào tạo và thu hút nhân tài và Trung Quốc thực hiện rất nhiều chính sách kinh tế, xã hội trọng điểm và một trong những chính sách trọng điểm được đề ra ngay từ đầu đó là đào tạo và thu hút nhân tài.

Singapore cũng được đánh giá là quốc gia có chính sách thu hút nhân tài nước ngoài bài bản, rõ ràng nhất thế giới. Chính phủ Singapore xác định nhân tài là yếu tố then chốt quyết định khả năng cạnh tranh và phát triển của đất nước. Chính phủ đã tạo dựng niềm tin người tài luôn có vị trí cao với mức lương tương xứng với giá trị chất xám; đồng thời, Chính phủ sẵn sàng chào đón nhân tài ngoại vào bộ máy nhà nước.

Phóng viên: Bên cạnh tập trung đào tạo và sử dụng đội ngũ trí thức trong nước, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm và chào đón đội ngũ trí thức là người Việt Nam ở nước ngoài. Vậy, ông có thể cho biết, Việt Nam đã có chính sách gì để thu hút và sử dụng các trí thức tài năng?

Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm: Hiện nay, nước ta có khoảng 4,5 triệu người đang sống, lao động và học tập ở nước ngoài, khoảng từ 3-3,5 triệu người trong độ tuổi lao động; trong đó, những người có trình độ cao chiếm khoảng từ 10-15% dân số cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài, tương đương từ 450-600 nghìn người.

Hiện, khoảng 25% người Việt tại Mỹ có trình độ đại học hoặc trên đại học; trí thức người Việt tại Pháp có khoảng 40 nghìn người; tại Australia và Canada mỗi nước có trên 30 nghìn người; tại Nga và Đông Âu có khoảng 10 nghìn người. Tại Nhật có tới 80 nghìn du học sinh người Việt Nam, tăng 15 lần trong 9 năm qua. Trong đó số, nghiên cứu sinh bậc tiến sĩ ước tính lên tới 3 nghìn người và có ít nhất 1 nghìn người đã lấy bằng tiến sĩ, đang nghiên cứu trình độ sau tiến sĩ.

Tuy nhiên, hiện nay chính sách thu hút, đãi ngộ nhân tài của Việt Nam chưa tạo thành động lực để phát huy hiệu quả năng lực sáng tạo của đội ngũ trí thức khoa học có trình độ cao, tài năng trẻ. Cùng với đó, Việt Nam chưa có chính sách thoả đáng để thu hút và sử dụng các trí thức tài năng là người Việt Nam ở nước ngoài tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tại Việt Nam.

Phóng viên: Để đào tạo, thu hút, trọng dụng và sử dụng nhân tài, theo ông, Việt Nam cần thực hiện những giải pháp gì?

Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm: Theo tôi, trước mắt, Chính phủ khẩn trương hoàn thiện thể chế về phát triển, quản lý, sử dụng hiệu quả đội ngũ nhân lực của đất nước. Cụ thể hoá luật pháp, cơ chế, chính sách về giáo dục, đào tạo; giáo dục nghề nghiệp; lao động tiền lương; thị trường lao động; tuyển dụng công chức.

Cùng với đó, nghiên cứu thành lập Uỷ ban Quốc gia về cải cách và đổi mới giáo dục, đào tạo, giáo dục nghề nghiệp nhằm thực hiện thành công chủ trương giáo dục là quốc sách hàng đầu của đất nước; đồng thời, đổi mới và phát triển giáo dục, đào tạo, giáo dục nghề nghiệp phải đi đôi và gắn kết chặt chẽ với phát triển khoa học và công nghệ, với nhu cầu của thị trường lao động.

Bên cạnh đó, đổi mới quản lý, sử dụng đánh giá và đào tạo lại đội ngũ nhân lực. Đặc biệt là đổi mới căn bản và toàn diện chính sách tuyển dụng, đánh giá, sử dụng và đề bạt đội ngũ nhân lực trong bộ máy nhà nước.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì nghiên cứu đổi mới chế độ tiền lương theo nguyên tắc thị trường; xây dựng và thực hiện chế độ đãi ngộ tương xứng với kết quả công việc, trình độ và năng lực của người lao động…

Bên cạnh đó, nhân rộng chính sách và kinh nghiệm thu hút nhân tài người Việt Nam ở nước ngoài của các tập đoàn kinh tế như trường hợp của Vingroup. Đặc biệt các tập đoàn kinh tế Nhà nước có tiềm lực tài chính cần tích cực thực hiện chủ trương thu hút nhân tài hàng đầu thế giới. Chính phủ cũng lập danh sách các chuyên gia, nhà khoa học là người Việt Nam ở nước ngoài và công bố rộng rãi đến các cơ quan, doanh nghiệp trong nước để thu hút, mời hợp tác trong các lĩnh vực phù hợp.

Thành công trong việc đào tạo, thu hút và sử dụng nhân tài của Mỹ; kinh nghiệm trong ngăn chặn chảy máu chất xám, thu hút nhân tài của Trung Quốc; chiến lược thu hút nhân tài bài bản và chuyên nghiệp của Singapore là những mô hình tốt, những bài học kinh nghiệm hay cho Việt Nam cũng như các nước đang phát triển.

Hy vọng trong một, hai thập kỷ tới, Việt Nam thực sự có đội ngũ nhân lực có tính chuyên nghiệp, năng lực, trình độ và kỹ năng cao. Cùng đó, có đội ngũ nhân tài hùng hậu, trí tuệ để xây dựng một nước Việt Nam hùng cường phồn vinh, có vị thế cao trên trường quốc tế.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục