Xây dựng kịch bản nguồn nước trên 13 lưu vực sông

14:52' - 04/01/2024
BNEWS Năm 2024, Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) sẽ hoàn thành 90-100% quy trình vận hành đối với các hồ chứa lớn, quan trọng; hoàn thành việc cắm mốc hàng lang bảo vệ nguồn nước.

Đồng thời hoàn thành xây dựng kịch bản nguồn nước trên 13 lưu vực sông để công bố kịch bản nguồn nước vào đầu năm 2025.

 

Theo Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh, Cục Quản lý Tài nguyên nước tập trung xây dựng Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Ba, Cả, Trà Khúc, Vu Gia - Thu Bồn, Kôn - Hà Thanh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tiếp tục thực hiện Đề án tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia; đẩy mạnh tăng cường hệ thống giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, giám sát việc vận hành hệ thống liên hồ chứa, vận hành duy trì dòng chảy tối thiểu của các hồ chứa thủy điện... bằng công nghệ tự động, trực tuyến. Cùng với đó, hoàn chỉnh việc xây dựng hệ thống giám sát tài nguyên nước, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước tự động, trực tuyến.

Đồng thời, Cục Quản lý Tài nguyên nước sẽ tăng cường giám sát, chỉ đạo việc vận hành các hồ chứa lớn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình vận hành liên hồ chứa trên 11 lưu vực sông quan trọng đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Đồng thời, khẩn trương nghiên cứu xây dựng hoàn thiện các quy trình vận hành liên hồ chứa theo thời gian thực bảo đảm an toàn công trình hạ du, tối ưu hóa việc sử dụng nguồn nước cho các mục đích sử dụng; triển khai xây dựng hệ thống công cụ hỗ trợ ra quyết định việc điều hòa, phân phối tài nguyên nước trên các lưu vực sông lớn, quan trọng.

Ngoài ra, Cục Quản lý Tài nguyên nước triển khai các quy hoạch tổng hợp lưu vực sông đã được phê duyệt; các chương trình, đề án phục hồi theo hướng xã hội hóa, huy động tối đa các nguồn lực nhằm làm sống lại các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm, đặc biệt là các sông chảy qua khu đô thị lớn, quan trọng. Cục cũng tăng cường tìm kiếm, thăm dò, khai thác nước để cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho người dân ở các vùng khan hiếm nước ngọt, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Cục Quản lý Tài nguyên nước cũng thực hiện Đề án “Đánh giá tổng thể tác động và giải pháp ứng phó đối với việc các nước phát triển thủy điện trên dòng chính, chuyển nước sông Mê Công”; bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập và ngăn chặn suy giảm tài nguyên nước; đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia thượng nguồn và các tổ chức quốc tế trong việc bảo vệ và sử dụng hiệu quả tài nguyên nước ở các lưu vực sông xuyên biên giới, đặc biệt là sông Hồng và sông Mê Công.

Năm 2023, ngành Quản lý tài nguyên nước đã tập trung triển khai thực hiện Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và lập quy hoạch tổng hợp các lưu vực sông; thực hiện đề án tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia; tăng cường thực hiện công tác quản lý, thẩm định và hậu kiểm hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả thải vào nguồn nước và hành nghề khoan nước dưới đất.

Cùng với đó, các đơn vị trong ngành cũng thực hiện giám sát việc vận hành các hồ chứa theo quy trình vận hành liên hồ. Đến nay, tất cả các hồ chứa đã được kết nối, cung cấp thông tin, dữ liệu hàng ngày; 90% hồ chứa thủy điện lớn được theo dõi, giám sát trực tuyến vận hành; thực hiện phân bổ nguồn nước hợp lý cho các mục đích sử dụng nước.

Ngành thực hiện lập hành lang bảo vệ nguồn nước, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; thực hiện điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước; chủ động nghiên cứu đề xuất giải pháp tổng thể thực hiện chủ trương, chính sách trong quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn nước sông Mê Công; đẩy mạnh các hoạt động hợp tác về quản lý nguồn nước xuyên biên giới thông qua cơ chế hợp tác Ủy hội Mê Công quốc tế và các cơ chế hợp tác tiểu vùng khác.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục