Xây dựng Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư

15:39' - 08/07/2024
BNEWS Dự thảo Nghị định có bố cục gồm: 6 chương, 83 điều, quy định về hành vi vi phạm hành chính trong đấu thầu, lĩnh vực đầu tư, lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã...

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành xây dựng Nghị định dự thảo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.

Việc xây dựng Nghị định nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay, đặc biệt là gần đây số văn bản liên quan đến kế hoạch và đầu tư với nhiều quy định được sửa đổi bổ sung như quy định tại Luật Đấu thầu, Luật Hợp tác xã; các nội dung thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao tại Quyết định số 941/QĐ-TTg ngày 05/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt giai đoạn 2021 - 2025…

 

Bên cạnh đó, quy định về việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư tại Điều 81 của Nghị định số 122/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư chưa có cách hiểu thống nhất giữa các địa phương; chưa cập nhật các nội dung mới liên quan đến hoạt động đầu tư trong khu công nghiệp, khu kinh tế quy định tại Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế; chưa quy định hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam theo quy định tại Nghị định số 80/2020/NĐ-CP ngày 08/7/2020 của Chính phủ.

Dự thảo Nghị định có bố cục gồm: 6 chương, 83 điều, quy định về hành vi vi phạm hành chính trong đấu thầu, lĩnh vực đầu tư, lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và hình thức xử phạt, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả; quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính; điều khoản thi hành.

Để hoàn thiện dự thảo Nghị định, mới đây, tại cuộc họp lấy ý kiến các bộ, ngành, Thứ trưởng Trần Duy Đông đề nghị đại diện các bộ, ngành đóng góp ý kiến đảm bảo phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành, sự thống nhất với các văn bản khác có liên quan và đáp ứng yêu cầu thực tiễn; đồng thời, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thi hành quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, tạo cơ sở pháp lý, áp dụng thống nhất trong công tác xử phạt vi phạm hành chính của toàn ngành.

Đại diện các bộ, ngành cũng như các đơn vị liên quan thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ của đơn vị chủ trì trong quá trình xây dựng Dự thảo nhằm bảo đảm phù hợp với thực tiễn, nâng cao tính minh bạch, khả thi. Dự thảo Nghị định kế thừa, phát triển những quy định còn phù hợp của Nghị định số 122/2021/NĐ-CP; bổ sung những quy định mới để khắc phục những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tế.

Bên cạnh các nội dung mang tính kỹ thuật, các ý kiến đóng góp của các bộ, ngành cũng đã tập trung vào các nội dung cụ thể của dự thảo Nghị định như: hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quy hoạch; vấn đề liên quan đến phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố; các nội dung liên quan đến thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đầu tư sử dụng vốn đầu tư công có cấu phần xây dựng theo quy định của Chính phủ; vi phạm về quản lý, thực hiện chương trình, dự án, phi dự án sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, nước ngoài dành cho Việt Nam;…

Trên cơ sở các ý kiến góp ý, Thứ trưởng Trần Duy Đông đề nghị đơn vị được giao chủ trì xây dựng (Thanh tra Bộ) nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến xác đáng, bổ sung, hoàn thiện Dự thảo, đảm bảo hồ sơ xây dựng đúng kỹ thuật, quy định; bổ sung báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 122/2021/NĐ-CP; bám sát lộ trình sửa đổi Nghị định số 118/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Cùng với đó, tiếp tục rà soát các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư; trong đó, có đầu tư trong nước, đầu tư nước ngoài, đầu tư theo phương thức đối tác công tư, đầu tư công, đăng ký doanh nghiệp, quy hoạch… theo nguyên tắc không đi ngược lại với quan điểm cải cách hành chính của Chính phủ, không gây khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục