Xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo ở Ninh Bình

14:46' - 19/07/2019
BNEWS Giảm nghèo, nâng cao mức sống của người dân cả về vật chất và tinh thần là mục tiêu trong xây dựng nông thôn mới ở Ninh Bình.
Có khoảng 50% số xã trong cả nước đạt tiêu chuẩn nông thôn mới. Ảnh minh họa: TTXVN

Sau gần 10 năm thực hiện, đến nay, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (2010 - 2019) ở Ninh Bình đã đem lại diện mạo đổi thay cho nông thôn, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

* Thay đổi từng ngày

Năm 2010, khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, Ninh Bình là địa phương có xuất phát điểm thấp, bình quân chỉ đạt 5 tiêu chí/xã, thậm chí có xã mới đạt 1-2 tiêu chí. Cơ sở hạ tầng gần như thiếu, yếu và xuống cấp.

Sau gần 10 năm thực hiện Chương trình, đến nay, toàn tỉnh đã có 89/118 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 75%), bình quân toàn tỉnh đạt 17,7 tiêu chí/xã (tăng 12,7 tiêu chí/xã so với năm 2010), không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí.

Xây dựng nông thôn mới đã thực sự trở thành phong trào thi đua rộng lớn, có sức lan tỏa, huy động được nhiều nguồn lực đầu tư. Đến nay, tổng nguồn lực huy động cho chương trình đã đạt 32.820 tỷ đồng.

Bộ mặt nông thôn thay đổi toàn diện, từng bước phát triển theo quy hoạch với 100% số xã đã hoàn thành quy hoạch chung, quy hoạch phát triển sản xuất, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, nâng cao.

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Ninh Bình đã có nhiều cách làm sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Ninh Bình được đánh giá là một trong những tỉnh dẫn đầu toàn quốc về xây dựng nông thôn mới.

Đến nay, toàn tỉnh đã cấp 205.344 tấn xi măng, làm được 12.920 tuyến đường giao thông với tổng chiều dài trên 1.544 km. Cùng với đó là hàng trăm công trình trường học, trạm y tế xã, chợ, nước sinh hoạt nông thôn, trụ sở làm việc, nhà văn hóa… được nâng cấp và xây mới.

Cơ cấu kinh tế nông thôn cũng chuyển dịch nhanh hơn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nông nghiệp dần phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, tích tụ ruộng đất… Giá trị sản xuất cao gần gấp đôi, từ 65 triệu đồng/ha (2010) lên 125 triệu đồng/ha (2019).

Đặc biệt, việc dồn điền đổi thửa được quan tâm thực hiện, gắn với chỉnh trang đồng ruộng, tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, thuận lợi cho nông dân, từ đó nâng cao thu nhập.

Đến nay, toàn tỉnh có 97 xã hoàn thành dồn điền, đổi thửa với diện tích thực hiện trên 38.461 ha.

Ông Trần Văn Hà - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, quá trình xây dựng nông thôn mới ở Ninh Bình đang ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất hơn. Một trong những thành công lớn nhất của tỉnh là huy động tối đa nguồn lực để phối hợp đầu tư xây dựng cơ bản, từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn, phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất thiết yếu của người dân, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Việc nâng cao thu nhập cho người dân góp phần giảm nghèo bền vững.

* Đời sống được nâng cao

Những năm qua, xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Ninh Bình đã góp phần giảm nghèo và giảm nghèo bền bững. Thông qua các chương trình, dự án, nguồn vốn để hỗ trợ phát triển sản xuất nông lâm ngư nghiệp, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi từ chương trình xây dựng nông thôn mới, diện mạo và đời sống của người nông dân đã thay đổi từng ngày.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị và đông đảo nhân dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Sau gần 10 năm thực hiện, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, công tác giảm nghèo ở Ninh Bình đã góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân từ 16 triệu đồng/người/năm (2010) lên 41 triệu đồng/người/năm (2018).

Bên cạnh đó, xây dựng nông thôn mới cũng tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận một cách tốt nhất đến các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo bình quân của tỉnh từ 12,39 -9,16% (năm 2010) xuống còn 3,63 - 5,0% (năm 2018).

Trong năm 2018, tỉnh Ninh Bình có 4.113 hộ thoát nghèo, 6.506 hộ thoát khỏi cận nghèo trở thành hộ có mức sống trung bình trở lên. Bên cạnh việc tranh thủ sự đầu tư của Trung ương và tăng cường huy động vốn từ ngân sách địa phương, tỉnh cũng tích cực huy động sự đóng góp của các doanh nghiệp, sự tham gia xã hội hóa của cộng đồng.

Ông Phạm Ngọc Phúc, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Bình cho biết, thời gian qua, tỉnh Ninh Bình đã tăng cường lồng ghép các chương trình, dự án xây dựng nông thôn mới với công tác giảm nghèo nhằm tạo điều kiện đẩy mạnh phát triển sản xuất hàng hóa, nâng mức thu nhập cho hộ nghèo.

Các phong trào giúp đỡ hộ nghèo, xây dựng các mô hình sản xuất, tổ chức dạy nghề và thực hiện chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi đã mang lại hiệu quả rõ nét.Đến nay, đời sống của nhân dân từng bước được nâng cao.

Với mục tiêu xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo, trong thời gian tới, tỉnh Ninh Bình tiếp tục lồng ghép thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững với chương trình xây dựng nông thôn mới, triển khai các chính sách giảm nghèo chung và huy động các nguồn lực khác nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Đồng thời tiếp tục chú trọng đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu nhằm tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục