Xây dựng sự tin cậy giữa hải quan - doanh nghiệp

16:06' - 21/06/2018
BNEWS Ngày 21/6, tại Hà Nội đã diễn ra tọa đàm “Hải quan - Doanh nghiệp: Kết nối - Chia sẻ - Đồng hành”.

Tại tọa đàm Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành cho biết, Tổng cục Hải quan đã hình thành bộ máy tổ chức về phát triển quan hệ đối tác, trở thành công việc thường xuyên của cơ quan hải quan các cấp. Hoạt động đối tác đã tích cực tham gia xây dựng sự hiểu biết đồng thuận, đồng hành giữa cơ quan hải quan và cộng đồng doanh nghiệp.

Quan hệ đối tác giữa hải quan và doanh nghiệp. Ảnh: Thùy Dương/BNEWS/TTXVN

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, cơ quan hải quan các cấp đã quan tâm nhiều hơn đến việc tổ chức các hội nghị doanh nghiệp theo chuyên đề, tập trung đi vào các vấn đề thời sự mà doanh nghiệp quan tâm.

Các cuộc đối thoại từng bước được chuyển biến về cách thức tổ chức, nội dung đối thoại, để thực sự trở thành công cục hữu ích trong giải quyết các bất đồng giữa các bên. Các cuộc tham vấn giữa hải quan - doanh nghiệp được tổ chức đi vào các nội dung cụ thể, hướng đến các nhóm đối tượng cụ thể với sự tham gia của các bên liên quan. Kết quả tham vấn được thông tin đầy đủ đến các bên liên quan, từ đó xây dựng sự tin cậy trong hoạt động tham vấn.

Cùng với việc thúc đẩy và tăng cường hoạt động quan hệ đối tác với cộng đồng doanh nghiệp, trong những năm qua Tổng cục Hải quan đặc biệt quan tâm thiết lập quan hệ đối tác thường xuyên với hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp chủ động, tích cực và sẵn sàng hợp tác với cơ quan hải quan để xây dựng lực lượng nòng cốt trong phát triển quan hệ đối tác với cộng đồng doanh nghiệp.

Tính đến nay, cơ quan hải quan đã ký văn bản thỏa thuận hợp tác với 232 doanh nghiệp để xây dựng đối tác thường xuyên làm lực lượng nòng cốt trong hoạt động đối tác hải quan - doanh nghiệp; đã ký 1.701 văn bản cam kết với doanh nghiệp trong hỗ trợ, giám sát thực thi pháp luật với các doanh nghiệp; 52 văn bản thỏa thuận hợp tác với hiệp hội doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và uất khẩu thủy sản Việt Nam, đối với doanh nghiệp ngành hải quan thực sự là đối tác. “Chúng tôi luôn được ngành hải quan mời tham gia góp ý, sửa đổi khi ban hành các văn bản mới”, ông Nguyễn Hoài Nam cho biết.

Đồng tình với quan điểm này, Tổng Thư ký Diễn đàn Kinh tế tư nhân (VPSF) Đào Huy Giám cũng chia sẻ nhận thức của ngành hải quan đã có nhiều chuyển đổi, từ cơ quan quản lý sang phục vụ, đồng hành. Một trong những tiến bộ vượt bậc theo vị này là 65% hàng hóa thuộc luồng xanh. Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn, tỷ lệ 65% này chưa thể bằng lòng.

Cùng quan điểm, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng, tỷ lệ hàng hóa thuộc luồng xanh cần phải tăng cường. Ở Nhật Bản, tỷ lệ hàng hóa thuộc luồng xanh có thể lên tới 90%. “Chúng tôi mong ngành hải quan nâng cao hơn tỷ trọng hàng hóa thuộc luồng xanh,” Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản kiến nghị.

Để quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp trong thời gian tới ngày càng hiệu quả, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành mong muốn cộng đồng doanh nghiệp tích cực, chủ động tham gia hợp tác với cơ quan hải quan trên tinh thần trách nhiệm, xây dựng và đóng góp cho cơ quan hải quan.

Trong đó, doanh nghiệp và các hiệp hội doanh nghiệp cần tăng cường kết nối và chia sẻ với cơ quan hải quan qua các kênh thông tin hiện có, tích cực đóng góp ý kiến, hiến kế các giải pháp cho cơ quan hải quan. Qua đó, thiết lập được cơ chế trao đổi thông tin và giao ban định kỳ để kịp thời nắm bắt và xử lý các vấn đề phát sinh và đề xuất các giải pháp.

Đồng thời, các hiệp hội doanh nghiệp cũng cần tích cực phối hợp thông tin, tuyên truyền đến cộng đồng doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp hiểu hơn về công việc, vai trò, trách nhiệm, những nỗ lực của cơ quan hải quan trong công cuộc cải cách, hiện đại hóa đã và đang đem lại những lợi ích thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp, để từ đó xây dựng sự hiểu biết, đồng thuận và đồng hành giữa Hải quan - Doanh nghiệp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục