Xây dựng vùng chuyên canh chuối chất lượng cao

05:16' - 04/01/2021
BNEWS Với lợi thế đất bồi ven sông thuận lợi cho việc trồng chuối, Hà Nội xác định đây là một trong những cây chủ lực hướng tới xuất khẩu, tạo giá trị cao cho nông dân.
Thời gian tới, các giống chuối nuôi cấy mô sẽ được đưa vào sản xuất kết hợp ứng dụng công nghệ cao nhằm xây dựng vùng trồng chuối chất lượng cao của Thủ đô.

Hiện nay, tổng diện tích trồng chuối toàn thành phố Hà Nội đạt 3.294 ha, tập trung chủ yếu ở xã Vân Nam (huyện Phúc Thọ), Kim Sơn (huyện Gia Lâm), Chu Minh (huyện Ba Vì)... Hiện nay, hơn 70% diện tích trồng chuối của Hà Nội là các giống chuối nuôi cấy mô; trong đó, 300 ha trồng chuối nuôi cấy mô ứng dụng công nghệ cao và vùng trồng chuối này đủ điều kiện xuất khẩu sang một số quốc gia như: Hàn Quốc, Nhật Bản…

Theo lãnh đạo huyện Gia Lâm, giống chuối tiêu xanh nuôi cấy mô Nam Mỹ khá phù hợp với đồng đất Kim Sơn nên năng suất, chất lượng cao hơn các vùng khác. Giống chuối này cho thu nhập từ 300-350 triệu đồng/ha/năm cao hơn so với các vùng trồng chuối thông thường.

Trong khi đó, tại xã Vân Nam (huyện Phúc Thọ) là một trong những vùng trồng chuối nhiều nhất của Hà Nội, có 120 ha trồng chuối trong tổng diện tích đất nông nghiệp là 240 ha, đem lại thu nhập cho bà con trung bình từ 120-140 triệu đồng/ha/năm.

Ông Doãn Văn Thắng, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Vân Nam cho biết, năm 2012, sau khi dồn điền đổi thửa, hợp tác xã trồng thí điểm 2 ha chuối tiêu hồng. Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao, hợp tác xã vận động người dân mở rộng diện tích. Xã hiện có hơn 10 ha trồng chuối nuôi cấy mô. Loại chuối cấy mô này cho hiệu quả kinh tế cao gấp đôi so với giống chuối truyền thống, từ 250 - 300 triệu đồng/ha/năm.

Tại xã Thuần Mỹ, với hơn 100 ha trồng chuối cho sản lượng đạt hơn 1.000 tấn quả/năm. Để hỗ trợ đầu ra, Hợp tác xã nông nghiệp Thuần Mỹ liên kết với doanh nghiệp xây dựng mô hình chuối sấy dẻo.

Anh Phạm Văn Dũng, xã viên Hợp tác xã nông nghiệp Thuần Mỹ cho biết, thời gian tới, hợp tác xã tiếp tục xây dựng thêm lò sấy, hoàn thiện công nghệ, sớm đưa sản phẩm chuối sấy Thuần Mỹ trở thành đặc sản của huyện Ba Vì.

Tuy nhiên, quy mô trồng chuối của thành phố Hà Nội vẫn còn manh mún, phân tán nên việc đầu tư, bảo quản chất lượng sản phẩm, bao tiêu sản phẩm gặp khó khăn, hiệu quả không cao. Quy trình canh tác chưa đồng bộ dẫn đến quy cách sản phẩm không đồng đều. Việc thu hoạch, vận chuyển, đóng gói, bảo quản chưa đúng cách dẫn đến tỷ lệ sản phẩm bị hư hỏng cao từ 25-30%.

Năng suất chuối của Hà Nội đạt 25,86 tấn/ha, song vẫn thấp so với nhiều địa phương khác. Sản phẩm tiêu thụ chủ yếu tại thị trường nội địa và chợ truyền thống, với khoảng 90% tổng sản lượng. Về số lượng công ty, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này cũng rất hạn chế.

Bà Hoàng Thị Hòa, Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội cho biết, việc thâm canh chuối trên địa bàn Hà Nội mới đạt 120-200 triệu đồng/ha/ năm. Nếu nông dân đẩy mạnh ứng dụng công nghệ đồng bộ vào quy trình sản xuất, thu hoạch, chế biến, bảo quản… theo hướng VietGAP hoặc bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu thì loại cây trồng này có thể đạt 300-350 triệu đồng/ ha/năm, lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng/ha/năm.

Về chiến lược cho cây chuối, Hà Nội đặt mục tiêu giai đoạn 2021-2025, sản lượng chuối xuất khẩu đạt từ 10% đến 30% tổng sản lượng thu hoạch, trung bình 20-30 nghìn tấn/năm; trong đó, khoảng 60% xuất khẩu chính ngạch.

Đặc biệt, với xu hướng phát triển kinh tế xanh, bên cạnh sử dụng quả, thân chuối còn làm ra sợi chuối để sản xuất ra nhiều loại sản phẩm như: thủ công mỹ nghệ, giấy các loại, đến những vật liệu cao cấp trong công nghiệp ô tô, du thuyền,… có giá trị gia tăng lớn, là nguồn nguyên liệu sạch được thị trường châu Âu ưa chuộng.

Nắm bắt xu hướng này, ông Bùi Khánh Dũng, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Musa Pacta đã đưa công nghệ ép thân chuối lấy sợi vào sản xuất, và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho các hợp tác xã, các tổ chức, cá nhân, hay nông hộ; từ đó vừa tạo công ăn việc làm có thu nhập ổn định vừa đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn.

Ông Nguyễn Đức Tuấn, Chủ tịch Hợp tác xã Thương mại và dịch vụ nông nghiệp Khai Thái tại huyện Phú Xuyên đánh giá: “Xu thế của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng là hướng đến phát triển bền vững, thân thiện với môi trường và hạn chế sử dụng đồ nhựa, đó chính là mảnh đất màu mỡ để các sản phẩm của sợi chuối đến với thị trường quốc tế”.

Việt Nam hiện có khoảng 150.000 ha chuối lấy quả ở quy mô trang trại, nông trại. Nếu tính cả diện tích nhỏ lẻ của các gia đình, các giống chuối trồng không lấy quả như chuối lá, chuối hột, chuối rừng, diện tích cây chuối ở nước ta trên 200.000 ha. Diện tích này có thể cung cấp lượng sợi khoảng 200.000 tấn/năm, có thể đem lại doanh thu khoảng 700 triệu USD nếu tính theo giá sợi chuối thô thấp nhất trên thị trường quốc tế hiện nay, khoảng 3,5 USD/kg.

Thời gian tới, ngành nông nghiệp Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng vùng chuyên canh tập trung theo hướng VietGAP, chất lượng cao, hợp thị hiếu từng thị trường; hỗ trợ các đơn vị đầu tư công nghệ chế biến sản phẩm như: chuối sấy, thạch kẹo, nước chuối ép, sợi chuối… nhằm đa dạng loại hình, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và thế giới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục