Xe quá tải "cày nát" đường gom cao tốc, cơ quan chức năng nói gì?

15:47' - 17/11/2020
BNEWS Ngay sau khi báo chí và nhà đầu tư phản ánh cũng như qua nắm bắt thông tin từ việc quản lý nhà nước trên tuyến, Cục Quản lý đường bộ I tổ chức cân xe trên tuyến; do đó đã xử lý được một số xe quá tải.
Liên quan đến tuyến đường gom trị giá 60 tỷ đồng qua địa phận tỉnh Bắc Giang thuộc Dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn chưa kịp bàn giao đã bị cày nát bởi xe quá tải trọng, trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Đặng Đình Quang, Chi cục trưởng Chi cục 1.5 – Cục Quản lý đường bộ I (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, ngay sau khi báo chí và nhà đầu tư phản ánh cũng như qua nắm bắt thông tin từ việc quản lý nhà nước trên tuyến, đơn vị đã báo cáo Cục Quản lý đường bộ I tổ chức cân xe trên tuyến; do đó đã xử lý được một số xe quá tải.

“Tuy nhiên, sau khi cơ quan chức năng rút đi thì tình trạng xe quá tải lại tái diễn, đặc biệt là về ban đêm. Mặt khác, trong quá trình tổ chức cân và thanh tra trên tuyến, lực lượng chức năng rất khó khăn trong việc kiểm tra xử lý do lái xe không chấp hành. Đặc biệt trong quá trình kiểm tra, đoàn kiểm tra đi đến đâu cũng có lực lượng theo dõi sẵn sàng báo cho lái xe dừng không di chuyển trên tuyến nữa. Vì vậy, để việc xử lý xe quá tải trên tuyến này rất cần sự tham gia của lực lượng công an và chính quyền địa phương”, ông Đặng Đình Quang cho hay.

Về phía chủ đầu tư, ông Đặng Tiến Thắng, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn cho biết: “Chúng tôi quá mệt mỏi vì phải bỏ tiền ra sửa chữa rồi lại chứng kiến tuyến đường gom (đoạn đi qua địa bàn tỉnh Bắc Giang) của cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn tiếp tục bị cày phá ngày đêm bởi các đoàn xe quá tải trọng.

Ông Đặng Tiến Thắng cho hay, tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn (dự án thành phần 1) đã được đưa vào khai thác từ tháng 9/2019. Trên cơ sở đề xuất của UBND tỉnh Bắc Giang, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi đó đã thống nhất bổ sung vào dự án một số hạng mục; trong đó có các tuyến đường gom dân sinh.

Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, đường gom cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn bao gồm đoạn Km89+100 đến Km93+858, kết nối cụm công nghiệp Hương Sơn với Quốc lộ 37 và đoạn đường gom từ Km99+500 đến Km109+160, kết nối từ Đường tỉnh295, cụm công nghiệp Tân Hưng với Quốc lộ 31

Theo thiết kế ban đầu, các đoạn đường gom này chỉ gồm một lớp cấp phối đá dăm, mặt đường láng nhựa. Trước nhu cầu khai thác thực tế, chủ đầu tư đã thống nhất cùng chính quyền địa phương điều chỉnh thiết kế, tăng thêm 1 lớp cấp phối đá dăm và độ dày của bê tông nhựa để tăng cường kết cấu của đường với tổng chi phí khoảng 60 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết cấu mặt và nền đường mới cũng chỉ cho phép các xe có tải trọng dưới 20 tấn thông qua.

Ngay từ khi đường gom đang trong quá trình thi công, đã xuất hiện tình trạng xe quá tải khai thác đất ở khu vực xã Xương Lâm (huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) tự ý đi vào công trường khiến quá trình thực hiện dự án gặp nhiều khó khăn. Chủ đầu tư và nhà thầu đã nhiều lần nhắc nhở nhưng không có kết quả.

Sau rất nhiều nỗ lực để vừa làm vừa sửa chữa các đoạn hư hỏng bị xe quá tải phá, đến nay, tuyến đường gom kết nối cụm công nghiệp Hương Sơn và Tân Hưng, đường tỉnh lộ, huyện lộ như đường vượt Tỉnh lộ 295, đường Đại Lâm - An Hà và các đường gom dân sinh thuộc dự án tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đã đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và đã đưa vào sử dụng. Công ty cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn đã liên hệ làm việc với UBND huyện Lạng Giang về việc tiếp nhận các hạng mục công trình đã hoàn thành.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Công ty cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn, đến nay chưa thống nhất được cơ quan, đơn vị tiếp nhận. Vào đầu tháng 11/2020, Công ty cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn tiếp tục có văn bản gửi UBND tỉnh Bắc Giang về việc bàn giao đường gom, đường tỉnh lộ, huyện lộ và các đường gom dân sinh cho địa phương quản lý khai thác vận hành; trong đó, có đề nghị UBND tỉnh Bắc Giang có ý kiến chỉ đạo về cơ quan, đơn vị tiếp nhận các tuyến đường nêu trên thuộc địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Trong khi chờ đợi các cơ quan chức năng xử lý tình trạng xe quá khổ, chờ nhận bàn giao tuyến đường gom, Công ty CP BOT Bắc Giang - Lạng Sơn vẫn liên tục phải rà soát đường và sửa chữa những đoạn do xe quá tải trọng cày nát.

Về đề xuất trên của chủ đầu tư, ông Đặng Đình Quang, Chi cục trưởng Chi cục 1.5 – Cục Quản lý đường bộ I cho biết, vể nguyên tắc sau khi nhà đầu tư hoàn thành các tuyến đường kia đảm bảo chất lượng yêu cầu thì trách nhiệm chính quyền địa phương là nhận bàn giao lại để quản lý khai thác.

Ghi nhận thực tế của phóng viên TTXVN tại tuyến đường gom này cuối tuần vừa qua, mặt đường trên tuyến nhiều đoạn đã bị “cày nát” biến dạng, để đảm bảo an toàn giao thông chủ đầu tư đã phải vá tạm để lưu thông. Điều đặc biệt, không biết vì lý do gì mà khi có mặt phóng viên trên tuyến, không thấy bóng dáng xe quá tải chạy hoặc có xe nhưng đều chạy không. Tuy nhiên, trên tuyến đã mọc lên các cơ sở sửa chữa xe; trong đó có nhiều xe thùng chuyên dụng chở đất đang được sửa chữa tại đây.

Thống kê của chủ đầu tư, chỉ trong vòng từ ngày 1/10 đến ngày 15/10 và mới đây nhất là ngày 13/11/2020, đã có gần 100 chuyến xe tải nặng chạy qua. Để hạn chế xe quá tải, ông Đặng Tiến Thắng, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn cho biết, đơn vị đã dựng các rào chắn, barie, trụ bê tông nhưng nhiều xe ngang nhiên húc đổ barie, tháo bỏ rào chắn để đi vào đường gom.

“Chúng tôi kiến nghị các cơ quan chức năng địa phương sớm có biện pháp kiểm soát, xử lý dứt điểm đối với những xe chở đất quá khổ, quá tải hoạt động diễn biến phức tạp và kéo dài trên các tuyến đường gom để tránh làm hư hỏng công trình, gây mất an toàn giao thông trên tuyến”, ông Đặng Tiến Thắng đề nghị./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục