Xem xét tăng phụ cấp cho lực lượng trực tiếp tham gia chống dịch

19:39' - 18/05/2021
BNEWS Thường trực Thành ủy Hà Nội mới đây đã đồng ý về chủ trương chi hỗ trợ thêm 70% mức phụ cấp, bồi dưỡng hiện nay cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch COVID-19 của thành phố từ nguồn ngân sách.
Đề xuất chi thêm 70% phụ cấp

Hiện tại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, số ca mắc trên địa bàn Hà Nội gia tăng, công tác điều tra, khoanh vùng, truy vết, lấy mẫu xét nghiệm các đối tượng tiếp xúc và đối tượng liên quan rất lớn, yêu cầu cấp bách về thời gian nên các lực lượng phải triển khai công việc khẩn trương bất kể ngày đêm và nhiệm vụ này đã diễn ra trong thời gian dài.

Trong khi đó mức chi cho các lực lượng trực tiếp tham gia phòng chống dịch thấp (chi cho người đi giám sát, điều tra, lấy mẫu, xác minh dịch là 300.000 đồng/người/ngày, hỗ trợ cộng tác viên, tình nguyện viên 130.000 đồng/người/ngày).

Tại cuộc họp để cho ý kiến chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 ngày 17/5 do Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã đồng ý về chủ trương chi hỗ trợ thêm 70% mức phụ cấp, bồi dưỡng hiện nay cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch COVID-19 của thành phố từ nguồn ngân sách. Đồng thời, giao UBND thành phố báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà đã đề nghị Thường trực Thành ủy tiếp tục quan tâm chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc, yêu cầu người đứng đầu cấp ủy các cấp chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch tại đơn vị, địa phương theo phương châm "4 tại chỗ".

Các địa phương cần có phương án, kịch bản chỉ đạo các đơn vị trong tình hình dịch bệnh bùng phát, lan rộng; xem xét tăng chế độ phụ cấp, bồi dưỡng cho lực lượng trực tiếp tham gia chống dịch, nhất là lực lượng ở cơ sở.

Nguy cơ dịch bệnh vẫn ở mức cao

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh, mặc dù Hà Nội vẫn đang kiểm soát được dịch bệnh, tuy nhiên nguy cơ vẫn ở mức rất cao và khó lường.

Trong những ngày qua, Hà Nội tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc COVID-19 liên quan đến Đà Nẵng, theo số liệu của tổ truy vết, có khoảng gần 20.000 trường hợp từ Đà Nẵng về Hà Nội, đến nay qua rà soát và sự khai báo y tế của người dân đã có 10.190 người được thống kê.

Bên cạnh đó, ổ dịch từ Bệnh viện K cơ sở Tân Triều và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (xã Kim Chung, huyện Đông Anh) tuy đã được phong tỏa nhưng nguy cơ vẫn cao do vẫn tiếp tục ghi nhận các ca mắc mới trong bệnh viện và ca liên quan tại các địa phương.

Đặc biệt, ngành y tế Hà Nội nhận định, hiện nay các quận huyện như Thường Tín, Gia Lâm, Thanh Trì, Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn, Phúc Thọ, Hà Đông… có nguy cơ lớn và trong thời gian tới cần tập trung quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch cao hơn.

Nguyên nhân là bởi tình hình dịch tại các tỉnh lân cận như Bắc Giang và Bắc Ninh diễn biến hết sức phức tạp (Bắc Giang có 336 ca, Bắc Ninh có 252 ca), một số khu công nghiệp của 2 tỉnh này liên tục ghi nhận số ca mắc cao; các tỉnh này lại giáp Hà Nội, có nhiều công nhân làm việc tại đây nhưng lại sinh sống và cư trú trên địa bàn Hà Nội. Đây là nguồn nguy cơ cao đối với Hà Nội.

Xây dựng phần mềm khai báo y tế trong khu công nghiệp

Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã phối hợp với Ban quản lý khu công nghiệp các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh xây dựng phần mềm COVID-19 để tất cả các doanh nghiệp trong khu công nghiệp khai báo y tế.

Việc khai báo sẽ giúp thống kê danh sách chuyên gia và người lao động đang làm việc trong khu công nghiệp. Bên cạnh đó, Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cũng vừa ban hành văn bản hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng phương án kịch bản khi COVID xảy ra, phương án thành lập các tổ COVID cộng đồng.

Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cũng đã ban hành văn bản yêu cầu các chủ doanh nghiệp phải ký cam kết thực hiện các quy định phòng, chống dịch.

Trên cơ sở đó, Ban Quản lý sẽ phối hợp với các quận, huyện thành lập tổ công tác nắm rõ, rà soát, kiểm tra, đánh giá các doanh nghiệp về việc thực hiện quy định phòng chống dịch, đặc biệt là những doanh nghiệp có số công nhân lớn.

Nếu doanh nghiệp nào không thực hiện nghiêm túc các quy định phòng chống dịch thì sẽ bị dừng hoạt động./.

(Thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP năm 2020 của Chính phủ)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục