Xu hướng cho lĩnh vực bất động sản trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

16:52' - 11/08/2018
BNEWS Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tác động mạnh mẽ đến hầu hết các lĩnh vực, trong đó có bất động sản.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tác động mạnh mẽ đến hầu hết các lĩnh vực, trong đó có bất động sản.

Trong bối cảnh đó, việc Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2030 sẽ là những định hướng quan trọng, tác động mạnh mẽ và sớm hình thành xu hướng bất động sản thông minh.

Đây là nhận định các các chuyên gia, đại biểu tham dự hội thảo “Phát triển thị trường bất động sản Việt Nam – Tầm nhìn và triển vọng” do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 11/8 tại Tp. Hồ Chí Minh.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, thời gian qua các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI đã đầu tư mạnh mẽ vào thị trường bất động sản trong nước do có lợi thế vốn, công nghệ, quản trị.

Nhưng doanh nghiệp trong nước có thế mạnh về sự hiểu biết pháp luật và văn hoá nên cả hai cần sự hợp tác cộng sinh.

“Việc đầu tư vào bất động sản thông minh chắc chắn không phải sân chơi cho nhà đầu tư lướt sóng mà là dài hạn. Đô thị thông minh chỉ được hình thành nhờ vào việc xây dựng nhờ toà nhà thông minh, không gian sống thông minh và hệ sinh thái nhân văn. Hiện nay, có nhiều doanh nghiệp xây dựng bất động sản xa hoa, đáp ứng nhu cầu tầng lớp tiêu dùng trung lưu nhưng với mô hình đô thị thông minh, bất động sản còn phải dành cho đại đa số tầng lớp bình dân. Đây cũng là định hướng quan trọng dẫn dắt thị trường bất động sản Việt Nam phát triển bền vững”, ông Vũ Tiến Lộc nói.

Cùng chung quan điểm, đại diện Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho rằng, đô thị thông minh là một hướng phát triển của thị trường bất động sản trong tương lai mà trước mắt là sự hình thành các sàn giao dịch bất động sản online, rút ngắn tiến độ xây dựng toà nhà cũng như áp dụng tự động hoá trong căn hộ.

Theo ông Ngô Đông Hải, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, trong xu thế cuộc cách mạng 4.0, đa số đô thị Việt Nam với đặc điểm là đô thị trẻ về quy mô, mức độ, trình độ phát triển nên việc tiếp cận kinh tế số, thành phố thông minh chính là sự bắt nhịp để không bị bỏ rơi, và nếu thực hiện nghiêm túc, bài bản sẽ tiết kiệm được rất nhiều nguồn lực.

Cũng theo ông Hải, trong lĩnh vực bất động sản, nhu cầu của người dân ngày càng đa dạng nên doanh nghiệp cần nắm bắt xu thế này.

Đáng chú ý là sự kết hợp thế mạnh về vốn, công nghệ và quản trị của doanh nghiệp FDI với sự am hiểu truyền thống văn hoá, pháp luật của doanh nghiệp trong nước để hình thành, phát triển khu vực đô thị, các toà nhà, khu dân cư thông minh, giải quyết vấn đề giao thông, năng lượng, môi trường mang tính bền vững.

Dưới góc độ tín dụng, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh thông tin, tính đến cuối tháng 7/2018, ngành ngân hàng thành phố huy động vốn hơn 2,1 triệu nghìn tỷ đồng, tổng dư nợ hơn 1,9 triệu nghìn tỷ đồng, trong đó 10,8% dành cho bất động sản (quy mô khoảng 208.000 tỷ đồng).

Trong 5 năm trở lại đây, tín dụng bất động sản tăng 11,5% hàng năm và đang phát triển đúng hướng, đáp ứng nhau cầu của chủ đầu tư, đơn vị quản lý và người dân.

Ngoài nguồn vốn ngân hàng, thị trường bất động sản còn được cấp vốn từ lượng kiều hối, vốn FDI qua đó giảm áp lực cho ngân hàng cung ứng vốn.

Bình quân 3 năm trở lại đây, kiều hối về Tp. Hồ Chí Minh mỗi năm đạt từ 5 – 5,5 tỷ USD; trong đó 21% đổ vào bất động sản.

Trong khi đó, ông Phan Trường Sơn, Trưởng phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng Tp. Hồ Chí Minh cho biết, mới đây UBND thành phố đã phê duyệt đề án phát triển thị trường bất động sản tầm nhìn 10 -15 năm.

Theo đó, hướng đến đô thị thông minh, kiến trúc xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển đa dạng loại hình nhà ở gắn với chương trình chỉnh trang, phát triển đô thị; trong đó, phân khúc nhà ở xã hội, căn hộ chung cư cao tầng sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Hiện nay, tỷ lệ phát triển nhà ở tại các dự án chỉ chiếm 20%, 80% còn lại do người dân xây dựng. Sắp tới sẽ tăng tỷ lệ nhà xây dựng trong dự án lên 30% để giảm dần nhà ở riêng lẻ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục