Xu hướng chuyển dịch dòng vốn FDI trên thế giới (Phần 2)

06:30' - 08/09/2018
BNEWS Dự báo tình hình FDI toàn cầu trong năm 2018 cho thấy triển vọng tăng trưởng mong manh. Dòng chảy toàn cầu được dự đoán sẽ tăng nhẹ ở mức dưới 10%, thấp hơn mức trung bình trong 10 năm qua.
Xu hướng chuyển dịch dòng vốn FDI vào lĩnh vực công nghệ. Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN

Trong khi đó, mặc dù những ước tính tích cực về tốc độ tăng trưởng kinh tế, hoạt động thương mại và giá cả hàng hóa có thể mang đến một nhận định tích cực về tiềm năng tăng trưởng FDI trong năm 2018, song những rủi ro địa chính trị đang rình rập cùng sự bất ổn trong các chính sách kinh tế là yếu tố khiến các chuyên gia khó có thể đưa ra những con số khả quan hơn.  
Xu hướng chung của FDI cũng cho thấy bức tranh tương tự. Đường trung bình động (Moving average) của dòng FDI ròng chảy vào Mỹ trong 4 quý gần đây cho thấy rằng trong năm 2018, nguồn vốn này đã quay trở lại những mức thấp nhất được ghi nhận trong thời kỳ khủng hoảng vào năm 2012.
Sự giảm sút đó gây lo ngại hơn bao giờ hết, đặc biệt là giữa bối cảnh Washington đã thực hiện nhiều chính sách nhằm thúc đẩy đầu tư trực tiếp vào Mỹ, ví dụ như gói kích thích tài chính trên quy mô lớn, hay những thay đổi về thuế doanh nghiệp nhằm đưa một số hoạt động và tài sản trí tuệ từ nước ngoài quay trở về Mỹ. Tuy nhiên, điều này đã không xảy ra.  
Sự leo thang căng thẳng thương mại có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình đầu tư vào các chuỗi giá trị toàn cầu (GVC). Ngoài ra, phương án cải cách thuế ở Mỹ và sự cạnh tranh về thuế quan giữa các quốc gia có thể gây ảnh hưởng đáng kể đến các mô hình đầu tư toàn cầu.
Hơn nữa, những dự báo dài hạn về chỉ số kinh tế vĩ mô cũng cho thấy những khó khăn nhất định, ví dụ như triển vọng tăng lãi suất ở các nền kinh tế phát triển có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với đồng tiền tệ của các nền kinh tế mới nổi, đi cùng với những rủi ro về sự ổn định kinh tế.
Tại Canada, những đồn đoán xung quanh việc nước này có thể bị loại ra khỏi cuộc chơi mang tên Hiệp định thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) cũng là nguyên nhân khiến dòng vốn đầu tư chảy vào nước này rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 2010. 
Tuy vậy, tại khu vực châu Á, tình hình có chút khả quan hơn. Xu hướng đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực công nghệ cao tại Trung Quốc và những nước ASEAN khác đã bù đắp cho sự sụt giảm tại những nền kinh tế vốn trước đây được coi là nơi “hút” vốn FDI nhiều nhất như Hong Kong (Trung Quốc), Singapore, Ấn Độ và Saudi Arabia.

Trong 4 tháng đầu năm 2018, ngành công nghệ cao của Trung Quốc đã đón nhận luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh, trong đó đặc biệt là trong lĩnh vực thiết bị y tế, với mức tăng gấp 5 lần. 
Đây cũng chính là ưu tiên đầu tư của Bắc Kinh trong thời gian tới. Mới đây nhất, Shi Wenjun, một quan chức cấp cao của Ủy ban Kinh tế và Thông tin thành phố Thượng Hải cho biết, Khu vực thương mại tự do Thượng Hải (Thượng Hải FTZ) cam kết sẽ chào đón các nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất sử dụng công nghệ cao, đặc biệt là trong phân khúc các thiết bị y tế cao cấp vì đây sẽ là con át chủ bài để thực hiện mục tiêu phát triển các bệnh viện có vốn đầu tư nước ngoài của Thượng Hải FTZ. 
Từ năm 2017, nhiều đại gia nước ngoài đã tăng cường đầu tư vào Trung Quốc. Tháng 11/2017, tập đoàn dược phẩm Johnson & Johnson đã đầu tư 180 triệu USD vào Tô Châu, thuộc tỉnh Giang Tô, để xây dựng một nhà máy mới dự kiến bắt đầu hoạt động vào năm 2019.

Xu hướng tương tự cũng được ghi nhận ở Ấn Độ, nơi giới đầu tư đang trên đà đẩy mạnh rót vốn vào các trung tâm nghiên cứu tại những khu công nghệ cao như Bengaluru và Hyderabad.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục