Xu hướng đáng lo ngại trên thị trường lao động Malaysia

09:19' - 19/12/2021
BNEWS Số lượng lao động có trình độ đại học tại Malaysia đang làm các công việc không đòi hỏi tới kiến thức và trình độ đang gia tăng.

Các chuyên gia khuyến nghị Chính phủ Malaysia thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chất lượng cao như một trong những giải pháp nhằm tận dụng nguồn lao động trình độ cao để giải quyết thực trạng thất nghiệp đang gia tăng.

Theo Tiến sĩ Wye Chung Khain, giảng viên cao cấp tại Khoa Kinh tế và Quản lý, đại học Kebangsaan, số lượng người có trình độ đại học đang làm công việc không yêu cầu kiến thức và kỹ năng mà họ có đang có xu hướng mở rộng.

Phát biểu tại Diễn đàn Thị trường lao động 2021, ông Wye Chung Khain chỉ ra những người này đang làm công việc yêu cầu kỹ năng hoặc trình độ thấp, mặc dù được đào tạo tại các trường đại học.

Ông nhấn mạnh thực trạng này đang gióng lên hồi chuông báo động, cho thấy khả năng tạo việc làm của Malaysia đang giảm sút, đặc biệt là trong những công việc có tay nghề cao. Điều này dẫn đến vấn đề tuyển dụng các nhân viên không phù hợp với trình độ chuyên môn. Tiến sĩ Wye cho rằng đây chính là nguyên nhân khiến mức lương mà người lao động nhận được không phản ánh khả năng thực sự của họ

Tiến sĩ Uzir Mahidin, cũng là nhà thống kê trưởng của Cục Thống kê Malaysia (DOSM), chia sẻ đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu từ năm 2020 đã ảnh hưởng đến tình hình thị trường lao động toàn cầu, trong đó Malaysia cũng không phải ngoại lệ.

Theo ông, thị trường lao động tại quốc gia Hồi giáo này vào những tháng gần đây có xu hướng phục hồi khi tỷ lệ thất nghiệp vào tháng 10/2021 đã thấp hơn khi ở mức 4,3% với 705.000 người không có việc làm.

Quan chức này khẳng định thị trường lao động Malaysia cũng giống như hầu hết tại các nước khác, bao gồm cả các nền kinh tế phát triển như Mỹ, Anh và Canada vẫn chưa phục hồi về mức trước đại dịch.

Trước đó, DOSM đã công bố sáng kiến Dữ liệu Tương tác Thị trường Lao động Malaysia (MyLMID) nhằm giúp điều hướng phục hồi thị trường lao động quốc gia. Cổng thông tin tương tác này sẽ nhanh chóng cung cấp các thông tin về tình hình thị trường lao động của quốc gia Đông Nam Á này.

Theo đó, DOSM sẽ tập hợp 10 yếu tố về thị trường lao động làm cơ sở cho dữ liệu và phân tích, gồm nguồn cung lao động; nhu cầu lao động; thống kê kinh tế hàng năm; số liệu thống kê của các quận, huyện; năng suất lao động; chi phí lao động; khu vực phi chính thức; thống kê số lượng sinh viên tốt nghiệp; số lao động bị mất việc làm và số liệu so sánh theo quốc gia./.

>>ICAEW dự báo tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế Đông Nam Á

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục