Xu hướng du lịch mới ngày càng trở nên phổ biến sau dịch COVID-19

12:19' - 12/09/2022
BNEWS Sau hai năm ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, thói quen và hành vi người dùng gần như thay đổi với các ngành dịch vụ nói chung, trong đó du lịch là ngành có ảnh hưởng rõ nét nhất.

Đây là nhận định của nhiều chuyên gia tham dự chuỗi sự kiện truyền thông điểm đến được tổ chức bởi Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và Tạp chí song ngữ Anh - Việt Wanderlust Tips, nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 16 năm 2022 (ITE HCMC 2022) diễn ra từ ngày 8-10/9/2022.

 

Theo đó, nhiều xu hướng du lịch mới xuất hiện và ngày càng trở nên phổ biến trên thị trường du lịch sau dịch COVID-19 như du lịch an toàn, du lịch không chạm, du lịch nghỉ dưỡng...; du khách và nhất là du khách trẻ rất ưa chuộng hoạt động mang tính cộng đồng, nâng cao sức khỏe, thân thiện với thiên nhiên...

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh thông tin, từ đầu năm 2022 đến nay, Việt Nam liên tục nằm trong nhóm điểm đến có tăng trưởng cao nhất thế giới, với mức tăng trưởng từ 50 - 75% do đáp ứng được xu hướng du khách.

Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những điểm đến được cộng đồng quốc tế tìm kiếm nhiều nhất, bên cạnh Hà Nội, Đà Nẵng, Phú Quốc, Hội An… Đây là tín hiệu tích cực với du lịch Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, trong bối cảnh toàn ngành vẫn đang trong giai đoạn phục hồi sau ảnh hưởng của dịch bệnh.

Cùng quan điểm, một số chuyên gia phân tích, bên cạnh nỗ lực của Chính phủ, cơ quan quản lý du lịch, hiệp hội và doanh nghiệp liên quan thì công tác truyền thông điểm đến cho thấy có đóng vai trò quan trọng vào sự tăng trưởng của ngành du lịch.

Trong hai năm dịch phức tạp, kênh xúc tiến du lịch trực tiếp tại những trạm thông tin hỗ trợ du khách du, loạt triển lãm, sự kiện trong và ngoài nước... gặp nhiều khó khăn, chững lại, cùng với đó nhiều quốc gia áp dụng chính sách phòng dịch dẫn đến du lịch bị "đóng băng".

Ngành du lịch đã chuyển trọng tâm từ quảng bá sản phẩm, dịch vụ sang quảng bá duy trì hình ảnh điểm đến nhằm giữ mối liên hệ với du khách trong nước lẫn quốc tế, đồng thời tạo bước đệm sẵn sàng cho giai đoạn phục hồi khi COVID-19 được kiểm soát.

Cụ thể, Tổng cục Du lịch Việt Nam có chiến dịch "Live Fully in Vietnam"; Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cũng kịp thời khởi động Chiến dịch truyền thông "Thành phố Hồ Chí Minh chào đón bạn - Welcome to Ho Chi Minh City"...

Du lịch được coi là ngành kinh tế mũi nhọn, vì thế nhiều địa phương trên cả nước cũng đang đẩy mạnh xây dựng và củng cố niềm tin của du khách với các điểm đến. Đây là bước đi đầu tiên để cải thiện và nâng cấp ngành du lịch sau địch COVID-19. Chất lượng và phong thái phục vụ nhất quán được chú trọng nên cộng đồng doanh nghiệp đẩy mạnh tương tác với khách hàng qua nhiều hình thức, từ trực tiếp đến trực tuyến.

Ngoài ra, đa dạng hình thức tiếp thị mới, phù hợp với thời đại cũng được áp dụng với giải pháp chuyển đổi số trong ngành du lịch. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong giải pháp truyền thông ở giai đoạn hậu COVID-19 được ngành du lịch và doanh nghiệp tập trung vào tiếp thị kỹ thuật số với việc tập trung nâng cao chất lượng về nội dung và đẩy mạnh hoạt động tương tác trên nền tảng mạng xã hội, gồm: Facebook, YouTube, Instagram...

Các đơn vị liên kết đồng bộ trong triển khai thường xuyên đăng tải thông tin mới về hoạt động du lịch thành phố nên lượt truy cập, tương tác, chia sẻ ngày càng gia tăng. Thành phố Hồ Chí Minh cũng thực hiện ứng dụng công nghệ 3D trong thông tin, quảng bá du lịch năm 2022 nhằm tái hiện không gian một phần thành phố từ trên cao, đem đến cho du khách trải nghiệm trực quan, sinh động.

Những nền tảng mạng xã hội đã góp phần không nhỏ trong việc quảng bá du lịch Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, giúp du khách nhanh chóng, dễ dàng tiếp cận kho nội dung, kinh nghiệm du lịch, vẻ đẹp của điểm đến.

Ông Graham Cooke - Chủ tịch kiêm nhà sáng lập Tổ chức World Travel Awards nhận định, mạng xã hội mang đến nhiều lợi ích và là kênh tiếp thị điểm đến đang được ưa chuộng nhưng thay vì loại bỏ tiếp thị truyền thống, nên kết hợp song song với tiếp thị online, hỗ trợ cùng phát triển.

Hiện nay, tiếp thị truyền thống vẫn có nhiều ưu điểm như góp phần kết nối khách hàng và tiết kiệm; doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận khách hàng địa phương tại khu vực nhỏ lẻ, đồng thời tạo hiệu quả trong việc quảng bá thương hiệu.

Bên cạnh đó, các hình thức tiếp thị truyền thống có thể "tái sử dụng" mọi lúc mọi nơi, ngay cả khi không có internet. Kênh này cũng được đánh giá về độ tin cậy, khả năng cao khách hàng sẽ sử dụng hoặc mua sản phẩm.

Thống kê trong ba ngày chính thức diễn ra (từ 8-10/9/2022), Hội chợ Du lịch quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 16 năm 2022 (ITE HCMC 2022) đã thu hút hơn 22.000 lượt khách thương mại và công chúng đến tham quan với 8.600 lượt giao thương giữa người bán và người mua, ghi nhận mức tăng trưởng 42% so với kế hoạch, góp phần thúc đẩy sự phục hồi thị trường quốc tế và sự phát triển ngành du lịch của Thành phố Hồ Chí Minh và Việt Nam.

ITE HCMC 2022 có 276 gian hàng với sự tham dự của 305 đơn vị; 161 buyer (người mua) quốc tế đến từ 28 quốc gia và vùng lãnh thổ; 42 tỉnh, thành tham gia; hơn 20 diễn đàn, hội nghị, hội thảo và chuỗi sự kiện bên lề với 60 diễn giả là lãnh đạo, chuyên gia du lịch uy tín trong nước và quốc tế, hơn 2.500 lượt đại biểu tham dự.

Kết quả của ITE HCMC 2022 cho thấy sự sẵn sàng đón khách quốc tế của Việt Nam và Thành phố Hồ Chí Minh; không chỉ mở cửa đón khách mà còn đổi mới về sản phẩm, chất lượng dịch vụ du lịch, mà Thành phố Hồ Chí Minh còn là cửa ngõ giao thương, trạm trung chuyển khách quốc tế đến nhiều địa phương khác trong cả nước, cũng như một số quốc gia khác trong khu vực hạ nguồn sông Mekong./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục