Xu hướng “kết đôi” trong ngành viễn thông và truyền thông

13:39' - 17/06/2017
BNEWS Những biến động chính trị, các yếu tố kinh tế và tính thời điểm có thể khiến 2017 là một năm nhộn nhịp đối với hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) trong ngành viễn thông và truyền thông.
Xu hướng “kết đôi” trong ngành viễn thông và truyền thông. Ảnh minh họa: variety

Xét về khía cạnh kinh tế, có nhiều lý do để các công ty viễn thông và truyền thông bắt tay với nhau trong năm 2017. Nhìn lại thương vụ lớn nhất trên thị trường M&A năm 2016, “gã khổng lồ” truyền thông Time Warner cần các kênh không dây mới để tiếp cận đối tượng khán giả trẻ hơn trên nền tảng điện thoại di động, trong khi “ông lớn” viễn thông AT&T lại muốn bán nhiều hơn các nội dung video (video content) như một cách để hỗ trợ cho mảng kinh doanh dịch vụ không dây đang điêu đứng của mình.

Các kênh truyền hình đang đối mặt với sự cạnh tranh thực sự từ các nhà cung cấp video trên nền tảng Internet như Netflix và Amazon. Các đài phát thanh trên mặt đất đang phải chịu áp lực cạnh tranh với các công ty cung cấp dịch vụ phát thanh vệ tinh như SiriusXM, và các dịch vụ âm nhạc trực tuyến như Pandora và Spotify. Xu hướng này đang ảnh hưởng đến lượng khán thính giả, và đương nhiên là cả doanh thu quảng cáo.

Bên cạnh đó, các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả phí như Comcast đang dần bị "bòn rút” bởi chi phí phát triển nội dung video chất lượng cao ngày càng gia tăng, và các công ty này cũng không thoát được ảnh hưởng của sự cạnh tranh đến từ các nhà cung cấp video trên nền tảng Internet.

Trong khi đó, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ không dây cần mở rộng danh mục sản phẩm của họ, vì cung cấp dịch vụ không dây không còn là mảng kinh doanh tăng trưởng cao như trước nữa. Trên thực tế, hầu hết các nhà mạng không dây lớn đều phải đối mặt với kịch bản doanh thu sụt giảm trong năm ngoái. Không dừng lại ở đó, triển vọng ra đời mạng lưới 5G hứa hẹn là một đối thủ đáng gờm đối với các nhà mạng không dây.

Trước tình hình này, một giải pháp thường thấy cho tất cả các vấn đề nêu trên là đa dạng hóa để đạt được lợi thế kinh tế thông qua hoạt động M&A. Xu hướng các công ty viễn thông lớn mua lại các công ty truyền thông nhằm sở hữu nội dung phong phú của các công ty này có thể sẽ còn tiếp diễn và thậm chí còn tăng tốc hơn nữa.

Verizon hiện đang hoàn tất việc mua lại mảng truyền thông mạng của Yahoo được kỳ vọng sẽ góp phần tăng cường mảng nội dung và quảng cáo của “ông lớn” này. Giám đốc điều hành (CEO) của Verizon Lowell McAdam cũng đang tìm kiếm một "lời đáp đối với cuộc hôn nhân" giữa AT&T và Time Warner, và đó có thể là một thương vụ sáp nhập với nhà cung cấp dịch vụ cáp Charter Communications.

Nhà cung cấp dịch vụ không dây lớn thứ ba thế giới T-Mobile cũng đang tìm cách bước chân vào mảng video. “Đại gia” này được đồn đoán là đang nhắm đến việc mua Dish Network để tận dụng cơ sở hạ tầng phân phối video và các mối quan hệ uy tín với các chủ sở hữu nội dung video của Dish.

Các công ty kinh doanh dịch vụ cáp đang nỗ lực để tăng cường mảng truyền hình trả phí của họ bằng các dịch vụ truyền thông. Comcast lâu nay vẫn úp mở về chuyện sẽ bước chân vào mảng di động và doanh nghiệp này được cho là đang xem xét việc mua lại T-Mobile như là một cách đi tắt để đạt được mục tiêu đó.

Các thương vụ M&A tiềm năng vẫn không ngừng xuất hiện với bản chất khó đoán định, song có khả năng là số tên tuổi trong ngành truyền thông và viễn thông sẽ bắt đầu giảm xuống vào cuối năm 2017.

>>> Mỹ "bật đèn xanh" thương vụ sáp nhập tập đoàn hóa chất lớn nhất thế giới

>>> New Zealand không chấp nhận thương vụ sáp nhập của các "đại gia" truyền thông

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục