Xu hướng vận động thị trường dầu mỏ thế giới năm 2020 (Phần 2)

06:16' - 19/12/2019
BNEWS Nhu cầu tiêu thụ suy giảm, nguồn cung vẫn dư thừa song an ninh nguồn cung lại không phải là mối quan tâm lớn trong năm 2020, khi có nhiều nhân tố có thể bù đắp cho rủi ro suy giảm nguồn cung hiện tại.
Nhân viên làm việc tại nhà máy lọc dầu Abqaiq của tập đoàn dầu khí Saudi Aramco ngày 20/9. Ảnh: AFP/TTXVN

An ninh nguồn cung dầu mỏ toàn cầu từng trở thành vấn đề đáng quan tâm nhất trong giai đoạn tháng 9/2019, khi vụ tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào các cơ sở lọc dầu quan trọng của Saudi Arabia đã dẫn đến sự gián đoạn nguồn cung lớn nhất kể từ cuộc Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991. 

Tuy nhiên, nỗi lo gián đoạn thị trường đã nhanh chóng được loại bỏ và giá “vàng đen” sớm trở lại ngưỡng giao dịch “bình thường” sau khi Chính quyền Riyadh khôi phục hoạt động sản xuất vào cuối tháng Chín.

Trong khi đó, thị trường toàn cầu cũng chứng kiến sự suy giảm nguồn cung từ hai nhà sản xuất lớn khác là Iran và Venezuela, chủ yếu do các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ và sự xuống cấp liên tục trong hoạt động đầu tư dầu mỏ của chính Venezuela. 

Tuy nhiên, an ninh nguồn cung có lẽ không phải là mối quan tâm lớn trong năm 2020, khi có nhiều nhân tố có thể bù đắp cho rủi ro suy giảm nguồn cung trong môi trường hiện tại.

Thứ nhất, một “làn sóng” dầu thô mới được dự báo sẽ bơm vào thị trường trong năm 2020. Một loạt các dự án khai thác mới tại Na Uy, Brazil và Mỹ sẽ khiến thị trường “vàng đen” một lần nữa đứng trước nguy cơ nguồn cung vượt xa nhu cầu. 

Sự mở rộng và chuyển giao công nghệ cũng như kỹ thuật khai thác dầu đá phiến của Mỹ sang các nước phát triển khác cũng hứa hẹn sẽ làm tăng sản lượng dầu mỏ thế giới, nhất là các quốc gia không  thuộc OPEC với các mỏ dầu đá phiến lớn chưa khai thác tại Mexico, Argentina hay Australia.

Hãng phân tích thị trường Wood Mackenzie ước tính, sản lượng dầu thô từ mỏ Johan Sverdrup của Na Uy, đã bắt đầu đưa vào khai thác sớm hơn nhiều so với kế hoạch ban đầu vào tháng 10/2020 và có thể sản xuất tới 660.000 thùng/ngày trong giai đoạn cao điểm. 

Ngoài ra, các mỏ dầu mới của Brazil sẽ khiến sản lượng dự kiến của nước này tăng tới 24% lên 3,2 triệu thùng/ngày vào năm 2022. Đó còn là chưa kể nguồn dầu cát của Canada cũng có thể đóng góp thêm một phần sản lượng từ các dự án hiện tại nếu thị trường yêu cầu.

Sarah Ladislaw, chuyên gia phân tích chính sách năng lượng tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nhận định: “Dưới thời chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, Mỹ cảm thấy tự tin hơn nhiều với sản lượng dầu và khí đốt của họ cũng như sự hỗ trợ và hợp tác mà họ cảm nhận từ phía Saudi Arabia”. 

Theo chuyên gia này, sức ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Washington đã bắt đầu làm thay đổi chính sách dầu mỏ của các đồng minh cũng như các đối thủ của họ trên khắp thế giới.

Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nhận định tăng trưởng nguồn cung dầu mỏ ngoài OPEC có thể lên đến 2,3 triệu thùng/ngày vào năm 2020, so với mức 1,8 triệu thùng/ngày của năm 2019. 

Bên cạnh đó, dự trữ dầu mỏ toàn cầu có thể tăng khoảng 700.000 thùng/ngày trong quý I/2020, bất chấp thỏa thuận cắt giảm thêm sản lượng của OPEC+. Do đó, mức cắt giảm thêm 500.000 thùng/ngày của OPEC+ thực tế cũng không giúp ích gì nhiều cho triển vọng sau quý II/2020 khi thị trường còn tồn tại tình trạng dư cung quá lớn.

Thứ hai, tồn kho dầu thô của các quốc gia thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) hiện ở mức khoảng 2,9 tỷ thùng, con số đủ để bù đắp sự gián đoạn nguồn cung kéo dài trong trường hợp cần thiết. 

Thứ ba, thỏa thuận cắt giảm sản lượng giữa OPEC và các đối tác trên thực tế vẫn bảo toàn năng lực sản xuất dự phòng và có thể điều chỉnh. 

Quan trọng nhất là viễn cảnh tăng trưởng nhu cầu dầu thô thấp hơn trong năm 2020 khi kinh tế toàn cầu suy yếu có thể là lý do đảm bảo cho an ninh dầu mỏ, ngay cả khi một số nhà sản xuất chủ chốt khác đối mặt với rủi ro sụt giảm nguồn cung.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục