Xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại Thủ đô: Chưa quyết liệt

19:47' - 05/07/2017
BNEWS Sẽ xử lý nghiêm cán bộ để tồn tại vi phạm trật tự xây dựng tại Thủ đô Hà Nội.
Xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại Thủ đô: Chưa quyết liệt. Ảnh minh hoạ: TTXVN

Vi phạm trật tự xây dựng tại Hà Nội không những giảm mà còn có dấu hiệu gia tăng. Ở nhiều địa phương dù đã được nhắc nhở xử lý thậm chí, giải tỏa vi phạm nhưng sau một thời gian ngắn vi phạm lại tái diễn với mức độ quy mô hơn, kiên cố hơn. Tình trạng này diễn ra ở nhiều nơi trên địa bàn Hà Nội, nhất là tại các huyện ngoại thành Thủ đô.

Để tồn tại vi phạm có yếu tố chủ quan và khách quan, song trách nhiệm chính được xác định thuộc về người đứng đầu chính quyền, sở ngành liên quan.

Cho dù chỉ mặt đặt tên được người chịu trách nhiệm để tồn tại vi phạm trật tự xây dựng nhưng việc xử lý chưa cao. Chính vì thế tại kỳ họp thứ 4 HĐND thành phố khóa 15, nhiệm kỳ 2016 - 2021, diễn ra ngày 5/7 mới đặt vấn đề tái chất vấn về trật tự xây dựng trên địa bàn. 

Gia tăng vi phạm 

Tại buổi chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp HĐND thành phố nhiều đại biểu đã nêu ra số liệu về tình hình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn Hà Nội, theo chiều hướng gia tăng. Đồng thời chỉ ra những vi phạm cụ thể tại xã Hải Bối, Nguyên Khê (Đông Anh), xã Đông Yên (Quốc Oai), Thanh Trì...

Ông Vũ Ngọc Anh, tổ đại biểu quận Nam Từ Liêm đặt vấn đề, trách nhiệm để vi phạm trật tự thuộc về cơ quan, cá nhân nào khi mà vi phạm tồn tại được "chỉ mặt đặt tên" nhưng không được xử lý.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban pháp chế HĐND thành phố bày tỏ lo ngại sự biến tướng của các vi phạm trật tự xây dựng. Ông Nam chỉ ra, có trường hợp xin đất để xây dựng trang trại sinh thái nhưng lại biến thành xây dựng biệt thự.

Còn ông Đoàn Việt Cường, tổ đại biểu huyện Mê Linh và ông Nguyễn Huy Được, tổ đại biểu huyện Ba Vì lại nêu, không chỉ vi phạm trật tự xây dựng tại các huyện ngoại thành đang phát triển mà ngay tại các quận nội đô có đầy đủ bộ máy thực thi pháp luật nhưng vi phạm vẫn diễn ra.

Đại biểu Nguyễn Huy Được thẳng thắn chỉ ra hàng nghìn mét vuông vi phạm trật tự xây dựng ở khu vực Đầm Trị của quận Tây Hồ, kiến dư luận Thủ đô thời gian qua không khỏi ngỡ ngàng, ai là người tiếp tay và chịu trách nhiệm trước vi phạm "khủng" kể trên.

Theo số liệu của Sở Xây dựng thì tình hình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn Thủ đô 6 tháng đầu năm có dấu hiệu giảm nhưng chưa nhiều, vi phạm xuất hiện ở nhiều nơi. Vi phạm trật tự xây dựng ở Hà Nội tồn tại ở nhiều dạng khác nhau, từ xây dựng công trình trên đất nông nghiệp, đến vi phạm trật tự ở các tòa nhà thương mại, nhà ở xã hội.

Nói về việc còn tồn tại một số vi phạm trên địa bàn xã Hải Bối, Nguyên Khê, ông Nguyễn Văn Châm, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh cho biết, nguyên nhân là do quản lý của cấp xã thôn còn yếu kém, nể nang tình làng nghĩa xóm, chưa kiểm tra xử lý nghiêm các vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn.

Ngoài ra, để tồn tại vi phạm còn có trách nhiệm của cán bộ chuyên môn, phòng ban của cấp huyện. Trước HĐND thành phố, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh đã khẳng định đến hết ngày 15/7 sẽ xử lý xong vi phạm tại xã Hải Bối, còn đối với vi phạm tại xã Nguyên Khê sẽ xử lý xong trong năm 2017. 

Xử lý nghiêm cán bộ để vi phạm tồn tại

Trong thời gian qua, huyện Mê Linh đã có những việc làm tích cực để ngăn chặn vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn. Theo đó, huyện Mê Linh đã quy trách nhiệm cho Chủ tịch UBND các xã, thị trấn nếu để vi phạm trật tự xây dựng xảy ra trên địa bàn.

Ông Đoàn Văn Trọng, Chủ tịch UBND Mê Linh thông tin, huyện kiên quyết xử lý vi phạm trật tự xây dựng. Không chỉ xử lý đối với công trình mà cá nhân để xảy ra sai phạm cũng bị quy trách nhiệm đến cùng.

Chủ tịch xã, thị trấn để vi phạm nếu sau 3 tháng không giải quyết được, sẽ bị tạm đình chỉ công tác để tập trung giải quyết vi phạm. Nhờ vậy, trong 6 tháng đầu năm, huyện Mê Linh đã xử lý hơn 38 công trình, còn 30 công trình tự tháo dỡ, với vi phạm chủ yếu là lều lán, tường rào...

Đánh giá về việc xử lý vi trật tự xây dựng ở các địa phương, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhận định, các địa phương đã vào cuộc nhưng chưa quyết liệt. Còn về tính pháp lý để xử lý vi phạm, thành phố đã hoàn toàn có đủ, vấn đề ở đây chỉ là việc thực thi pháp luật của một số cán bộ, công chức từ thành phố tới cấp cơ sở.

"Quan điểm của thành phố không bao che cho sai phạm, chỉ cần một bài báo thông tin về vi phạm trật tự xây dựng, lãnh đạo thành phố cũng đã có văn bản chỉ đạo các địa phương liên quan để xử lý sai phạm", Phó Chủ tịch thành phố cho biết.

Thời gian tới, thành phố Hà Nội đang hoàn thiện tính pháp lý để giao lực lượng Thanh tra xây dựng về các địa phương quản lý và chỉ đạo trực tiếp. Sau khi đội ngũ thanh tra xây dựng được bàn giao cho địa phương, lãnh đạo các quận, huyện phải lựa chọn đội ngũ cán bộ thanh tra để quản lý tốt vi phạm trật tự xây dựng.

Mặt khác, các địa phương cũng cần công khai các doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng để người dân tẩy chay. Cùng với đó, thành phố sẽ chỉ đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc và Sở Xây dựng không tiếp nhận hồ sơ xin phép xây dựng trên địa bàn đối với các doanh nghiệp đã có sai phạm trong trật tự xây dựng ở những công trình trước đó./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục