Xuất khẩu cá ngừ nhiều biến động

13:03' - 14/09/2022
BNEWS Lạm phát, biến động giá cước vận chuyển và nhiều nguyên nhân sau đỉnh dịch COVID-19 đã làm cho giá sản phẩm cá ngừ cũng như hoạt động xuất khẩu cá ngừ có sự biến động lớn trong 8 tháng năm 2022.

* Tăng nhu cầu

Thông thường, lạm phát khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, chính vì vậy, người tiêu dùng thường có xu thế chuyển đổi dòng, loại sản phẩm thực phẩm phù hợp với túi tiền hiện có. Mỹ trải qua thời gian hơn 4 tháng lạm phát tăng cao, khiến cho người dân và nguồn thu nhập của người dân bị tác động mạnh.

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, khi nguồn thu nhập bị hạn chế, người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn thực phẩm đóng hộp thay cho thực phẩm tươi. Do đó, một số người tiêu dùng Mỹ đã chuyển sang mua hàng tạp hóa giá rẻ như cá ngừ đóng hộp để cắt giảm chi phí.

Cụ thể, Walmart là một trong số các nhà bán lẻ lớn đầu tiên báo cáo kết quả hằng quý và hiệu quả kinh doanh tích cực hơn dự đoán trong quý II/2022.

Bởi tình hình lạm phát khiến người tiêu dùng săn hàng hóa thực phẩm giá rẻ, nên doanh thu của nhà bán lẻ Walmart đã tăng vọt 65% so với thời điểm lạm phát chưa tăng cao, bà Nguyễn Thị Vân Hà, chuyên gia thị trường cá ngừ của VASEP PRO (thuộc VASEP) chia sẻ.

Không riêng thị trường Mỹ, thị trường châu Âu cũng đối mặt với lạm phát và người dân cũng lựa chọn thực phẩm giá rẻ là một trong những cách vừa đảm bảo dinh dưỡng, vừa cân đối nguồn thu nhập; trong đó thị trường Bỉ là một trong 7 thị trường tăng nhập khẩu cá ngừ Việt Nam thời gian trước và trong giai đoạn lạm phát.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ sang thị trường Bỉ ước đạt 13,7 triệu USD, tăng 95% so với cùng kỳ năm 2021. Trong số các sản phẩm cá ngừ, Bỉ nhập khẩu chủ yếu các sản phẩm thịt, loin cá ngừ đông lạnh mã HS0304 của Việt Nam, chiếm 91% tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này.

Bà Nguyễn Thị Vân Hà cho biết, thị trường Bỉ vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn cá ngừ từ các nước châu Âu khác, như Hà Lan, thay vì nhập khẩu từ các nguồn cung bên ngoài khối.

Tuy nhiên, do nhập khẩu từ các nguồn cung trong khối EU những tháng đầu năm 2022 bị hạn chế nên nước này đang phải tăng cường nhập khẩu cá ngừ từ các nước ngoài khối.

Trong số 20 nguồn cung ngoài khối châu Âu, Ecuador, Philippines và Việt Nam lần lượt là 3 nguồn cung cá ngừ lớn nhất cho thị trường này trong 8 tháng đầu năm nay. Nhập khẩu cá ngừ từ 3 nguồn cung này hiện nay đều tăng mạnh, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng nhập khẩu từ Việt Nam chậm hơn.

* Dự báo biến động giá

Với diễn biến kinh tế các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu vẫn còn trong giai đoạn điều chỉnh để kiềm chế lạm phát, nhưng nhu cầu tiêu dùng vẫn diễn ra hàng ngày, người dân vẫn tiêu thụ thực phẩm, dù là giá rẻ.

Chính vì vậy, nguồn thực phẩm cung cấp đạm, đặc biệt là cá ngừ vẫn được lựa chọn của người tiêu dùng. Nhưng hiện nay, nước Mỹ cũng đã áp dụng chống khai thác bất hợp pháp với ngư dân Mỹ, các quốc gia có biển châu Âu cũng hạn chế khai thác thủy sản theo quy định chống khai thác bất hợp pháp IUU, nguồn cá ngừ khai thác từ các quốc gia khác cũng có phần hạn chế hơn so với trước đây nên cá ngừ được dự báo sẽ tăng giá trong thới gian tới.

Đại diện VASEP chia sẻ, giá cá ngừ vằn hiện đã tăng giá trong tháng 8/2022, đến tháng 9 được dự báo sẽ tăng cao hơn so với tháng 8. Thái Lan và Indonesia, Philippines là những quốc gia cung ứng nguồn cá ngừ nguyên liệu cho các thị trường nhập khẩu chế biến.

Cụ thể, giá cá ngừ vằn nguyên con đông lạnh có thể đạt 1.800 USD/tấn, tăng 200USD/tấn so với tháng 8/2022 tại Thái Lan. Sự tăng giá này được các chuyên gia ngành cá ngừ đánh giá là do giá cá ngừ tại Manta (Ecuadore) cao hơn và lệnh cấm đánh bắt bằng thiết bị dẫn dụ cá (FADs) tại khu vực Trung Tây Thái Bình Dương (WCPO).

Trong khi đó, một số đội tàu đánh bắt của Mỹ đã chọn cập cảng Manta để dỡ hàng hơn là chuyển hàng tới Bangkok. Lệnh cấm FADs tại khu vực WCPO có hiệu lực kể từ ngày 1/7 và kéo dài cho tới 31/9 hàng năm.

Lệnh cấm “veda” tại khu vực Đông Nhiệt đới Thái Bình Dương (EPO) bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 29/7 và kéo dài 72 ngày. Trong thời gian diễn ra lệnh cấm veda đầu tiên thường có khoảng một nửa đội tàu ngừng khai thác. Lệnh cấm veda lần 2 bắt đầu từ tháng 11 và trong thời gian này, một nửa đội tàu còn lại sẽ ngừng hoạt động.

Với sự tăng giá này, đã khiến cho xuất khẩu cá ngừ gặp không ít khó khăn. Theo thống kê hải quan Việt Nam, trong 8 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ đạt hơn 729 triệu USD, tăng 52% so với cùng kỳ năm 2021.

Tuy nhiên, mức tăng trưởng này được Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam đánh giá là có sự chậm lại so với những tháng đầu năm 2022. Bởi, sự biến động tỷ giá USD và Euro làm cho giá nguyên liệu cá ngừ nhảy múa khi quy đổi sang tiền Đồng của Việt Nam./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục