Tăng trưởng xuất khẩu cá ngừ sang thị trường Pháp đạt 510%/tháng

15:43' - 02/08/2022
BNEWS Theo thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 7 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ sang thị trường Pháp ước đạt 350 triệu USD, tăng 203% so với cùng kỳ năm 2021.

Ước tính, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này đạt 510%/tháng. Trong số đó, sản phẩm được lựa chọn tăng nhập khẩu mạnh nhất là sản phẩm cá ngừ chế biến và cá ngừ đóng hộp.

 

Mặc dù trong thơi gian qua, biến động chính trị và lạm phát diễn ra toàn châu Âu, trượt giá lên đến 12% đối với một số sản phẩm thực phẩm, đồng Euro mất giá so với đồng USD.

Dù Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã có quyết định tăng lãi suất với mức là 50 điểm cơ bản, từ ngày 21/7/2022, nhưng 50 điểm cơ bản này vẫn không đủ mạnh tay so với các ngân hàng trung ương khác trên thế giới, đặc biệt Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), cơ quan đã nâng lãi suất lên thêm 0,75 điểm phần trăm hôm cuối tháng 7 và có khả năng sẽ tiếp tục có một đợt nâng lãi suất cơ bản khác trong tháng 8/2022 này. Điều này ảnh hưởng đến hoạt động đánh bắt cá ngừ trong nước Pháp và một số nước châu Âu.

Bà Nguyễn Thị Vân Hà, chuyên gia ngành cá ngừ VASEP Pro, thuộc Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam chia sẻ, vì nhu cầu thực phẩm, đặc biệt là cá ngừ có thể thay thế cá thịt trắng nên người tiêu dùng Pháp đã ưu tiên lựa chọn sản phẩm này.

Trong các dòng sản phẩm được nhập khẩu sang Pháp, dòng sản phẩm cá ngừ chế biến và cá ngừ đóng hộp được ưu tiên lựa chọn nhập khẩu nhiều nhất.

Trong số đó, các mặt hàng thịt cá ngừ đông lạnh mã HS0304 vẫn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang thị trường này, chiếm 63% tổng giá trị xuất khẩu.

Việt Nam hiện đang là nguồn cung cá ngừ lớn thứ 14 cho thị trường Pháp trong số các nguồn cung ngoài khối châu Âu. Năm nay, nhập khẩu cá ngừ của Pháp đã có sự phục hồi, Pháp có xu hướng tăng cường nhập khẩu cá ngừ từ các nước châu Á khác ngoài Việt Nam như Philippines tăng 442%, Indonesia tăng 42%.

Bên cạnh đó, trong những tháng đầu năm 2022, Pháp và Tây Ban Nha có sản lượng đánh bắt cá ngừ ở mức tốt, đủ để cung cấp cá ngừ cho các nhà chế biến của nước này và các nước châu Âu, nên Pháp có xu hướng tăng nhập khẩu thịt cá ngừ hấp đông lạnh. Do đó, nhập khẩu cá ngừ nguyên con đông lạnh giảm.

Hơn nữa, việc các nước châu Âu mở cửa đón khách du lịch trở lại, cũng làm tăng nhu cầu nhập khẩu cá ngừ tươi và đông lạnh có giá trị cao; trong đó có các sản phẩm cá ngừ đóng hộp cỡ lớn phục vụ cho chuỗi dịch vụ thực phẩm, nhà hàng tăng đã giúp khôi phục nhập khẩu cá ngừ Việt Nam trong 7 tháng qua./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục