Xuất khẩu của Thái Lan đối mặt với nhiều khó khăn trong nửa cuối năm 2022

10:25' - 02/08/2022
BNEWS Các nhà xuất khẩu Thái Lan đã được cảnh báo sẽ phải đối mặt với tác động từ những bất ổn kinh tế của Trung Quốc trong nửa cuối năm do suy thoái kinh tế toàn cầu đang rình rập.

Các nhà xuất khẩu Thái Lan đã được cảnh báo sẽ phải đối mặt với tác động từ những bất ổn kinh tế của Trung Quốc trong nửa cuối năm do suy thoái kinh tế toàn cầu đang rình rập, lạm phát tăng cao và khủng hoảng năng lượng.

 

Chủ tịch Hội đồng quốc gia các công ty giao vận Thái Lan (TNSC) Chaichan Charoensuk nhận xét các nhà xuất khẩu nên có những biện pháp chủ động và chuyển trọng tâm sản xuất và xuất khẩu sang các thị trường khu vực như ASEAN, đặc biệt là Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam, nơi Thái Lan duy trì mối quan hệ tốt đẹp và nhu cầu đối với các sản phẩm của Thái Lan vẫn mạnh mẽ.

Ông Chaichan cho rằng trong khi Mỹ và châu Âu đang chứng kiến xu thế kinh tế đi xuống, làm dấy lên những lo ngại suy thoái, kinh tế Trung Quốc cũng có khả năng đối mặt với tăng trưởng chậm lại trong năm nay. Tình trạng khó khăn như vậy sẽ khiến xuất khẩu của Thái Lan gặp nhiều khó khăn hơn trong những tháng còn lại của năm nay.

Hôm 29/7, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong năm nay xuống 4,2%, thấp hơn 0,7 điểm phần trăm so với dự đoán hồi tháng Tư và thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 6,5% của khu vực vào năm 2021. IMF cũng cắt giảm dự báo năm 2023 cho khu vực này xuống còn 4,6%, giảm 0,5 điểm phần trăm.

Tuy nhiên, ông Chaichan nhận xét vẫn còn may mắn là tỷ lệ lạm phát của Trung Quốc vẫn thấp hơn so với các nước thương mại khác và sẽ vẫn là thị trường xuất khẩu quan trọng của Thái Lan. Trong sáu tháng đầu năm 2022, xuất khẩu của Thái Lan sang Trung Quốc tăng 0,8% lên 18,4 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái, đóng góp 12,4% vào tổng xuất khẩu của Thái Lan.

Năm ngoái, xuất khẩu của Thái Lan sang Trung Quốc đạt 37,2 tỷ USD, tăng mạnh 25% so với năm 2020.

Ông Chaichan cũng kêu gọi các nhà xuất khẩu tăng tốc đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu sang các thị trường mới có sức mua cao như Trung Đông, đặc biệt là Saudi Arabia và Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Theo ông Chaichan, Ấn Độ là một thị trường quan trọng khác cần được chú trọng hơn, do nền kinh tế đang phục hồi tốt sau đại dịch.

Ông Chaichan đề nghị các nhà xuất khẩu tận dụng  sự phục hồi của ngành du lịch và tăng tốc tối đa hóa những ưu đãi mà các hiệp định thương mại tự do mang lại, đặc biệt là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và các hiệp định thương mại tự do nhỏ (mini – FTA) để tăng cường thương mại.

Theo ông Chaichan, trong thời kỳ đồng baht giảm giá, các nhà xuất khẩu cần tăng tốc các chuyến hàng xuất đi càng nhiều càng tốt. Trong khi đó, họ cũng cần thận trọng hơn về rủi ro ngoại hối và trả nợ cao hơn.

Trong nửa cuối năm nay, ông Chaichan khuyến cáo các nhà xuất khẩu theo dõi chặt chẽ những rủi ro địa chính trị phát sinh từ xung đột Nga-Ukraine và cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc, cuộc khủng hoảng năng lượng và tình trạng thiếu nguyên liệu nông nghiệp dẫn đến tăng chi phí sản xuất và hậu cần.

Ông Chaichan nhận định xuất khẩu của Thái Lan dự kiến sẽ tăng ít nhất 6% trong năm nay sau nửa đầu năm tăng trưởng mạnh mẽ, nhờ xuất khẩu lương thực cao hơn và đồng baht yếu. Nếu xuất khẩu chỉ tăng 5% trong nửa cuối năm, thì xuất khẩu của Thái Lan trong cả năm 2022 sẽ tăng 8,7%.

Bộ Thương mại ngày 27/7 cho biết giá trị hàng xuất khẩu đã thông quan của Thái Lan tiếp tục tăng trong 16 tháng liên tiếp trong tháng 6/2022, với tốc độ tăng 11,9% so với cùng kỳ năm ngoái lên 26,5 tỷ USD (907 tỷ baht). Tăng trưởng xuất khẩu đã vượt quá mức tăng 10,5% trong tháng Năm và mức tăng 9,9% trong tháng Tư, nhưng thấp hơn mức tăng 19,5% trong tháng Ba - mức cao nhất kể từ năm 1991.

Đóng góp lớn cho sự tăng trưởng này là xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp và chế biến, thể hiện khả năng cung cấp các sản phẩm lương thực của Thái Lan cho thị trường toàn cầu. Đồng thời, xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp cũng tăng trưởng theo đà sản xuất của thế giới.

Trong khi đó, nhập khẩu tăng 24,5% trong tháng 6/2022 lên 28 tỷ USD, dẫn đến thâm hụt thương mại là 1,53 tỷ USD. Như vậy, trong nửa đầu năm 2022, xuất khẩu của Thái Lan tăng 12,7% lên 149 tỷ USD, trong khi nhập khẩu tăng 21% lên 155 tỷ USD, dẫn đến thâm hụt thương mại 6,25 tỷ USD./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục