Xuất khẩu gạo basmati của Ấn Độ dự kiến sụt giảm

06:30' - 01/03/2024
BNEWS Các nguồn tin trong ngành lúa gạo nhận định xuất khẩu gạo basmati của Ấn Độ có thể giảm sau khi áp sát mức cao kỷ lục vào năm ngoái, do Pakistan đang chào bán loại gạo này với giá cạnh tranh.

Ấn Độ và Pakistan là những nước xuất khẩu hàng đầu loại gạo này sang các thị trường như Iran, Iraq, Yemen, Saudi Arabia, Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Mỹ.

 

Các quan chức trong ngành cho biết, xuất khẩu gạo basmati của Ấn Độ trong năm 2023 đã tăng 11,5% so với năm trước đó lên 4,9 triệu tấn, gần mức cao kỷ lục 5 triệu tấn đạt được vào năm 2020, giữa lúc nguồn cung từ Pakistan giảm và các nước đẩy mạnh tích trữ.

Vijay Setia, nhà xuất khẩu gạo hàng đầu có trụ sở tại bang Haryana của Ấn Độ, cho biết người mua đổ xô dự trữ vào năm ngoái khi Pakistan gặp vấn đề về sản xuất. Tuy nhiên, năm nay Pakistan đưa ra mức giá thấp hơn Ấn Độ do sản lượng tăng.

Ông Chela Ram Kewlani, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Pakistan (REAP) cho biết tổng lượng xuất khẩu gạo của nước này có thể tăng lên 5 triệu tấn trong năm tài chính 2023 -2024 (kết thúc vào tháng 6/2024), so với mức 3,7 triệu tấn của năm ngoái.

Ngoài ra, việc đồng rupee Pakistan mất giá cũng giúp hàng hóa xuất khẩu của nước này trở nên cạnh tranh hơn.

Theo dữ liệu do Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ tổng hợp, Iran - nước mua nhiều gạo basmati nhất từ Ấn Độ - đã cắt giảm lượng mua tới 36% vào năm 2023. Nhưng xuất khẩu cao hơn sang Iraq, Oman, Qatar và Saudi Arabia đã bù đắp cho sự sụt giảm trên.

Một nhà xuất khẩu có trụ sở tại New Delhi cho biết, xuất khẩu gạo của Ấn Độ đã mất đà trong tháng 9 -10/2023 do chính phủ áp đặt giá xuất khẩu tối thiểu (MEP) đối với gạo basmati. Trước đó vào tháng 8/2023, Ấn Độ đã áp đặt MEP đối với gạo basmati ở mức 1.200 USD/tấn, trước khi hạ xuống còn 950 USD/tấn vào tháng 10 cùng năm. Nhờ vậy, hoạt động xuất khẩu gạo đã phục hồi.

Tuy nhiên, xuất khẩu gạo basmati của Ấn Độ bắt đầu chững lại trong tháng 1/2024 và có thể giảm hơn nữa trong thời gian tới. Ông Vijay Setia cho biết điều đó là do phía mua trì hoãn đặt hàng khi chi phí vận chuyển tăng vọt vì hoạt động vận tải qua Biển Đỏ bị gián đoạn. Ngoài ra, phía khách mua đang có lượng hàng dự trữ dồi dào nên họ không cần phải vội vàng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục