Xuất khẩu gạo trong tình hình mới - Bài 3: Liên kết nâng chất vựa lúa

06:03' - 16/08/2023
BNEWS Là vựa lúa lớn nhất cả nước, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã từng bước quy hoạch, thúc đẩy liên kết sản xuất lúa gạo theo chuỗi bền vững dựa trên chất lượng, giá trị và thương hiệu.

Những năm qua, sản xuất lúa gạo của Việt Nam không chỉ làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh lương thực quốc gia mà còn góp phần ổn định an ninh lương thực trên toàn cầu. Là vựa lúa lớn nhất cả nước, cũng là nơi cung cấp trên 90% sản lượng gạo xuất khẩu hàng năm, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã từng bước quy hoạch, thúc đẩy liên kết sản xuất lúa gạo theo chuỗi bền vững dựa trên chất lượng, giá trị và thương hiệu.

Tại tỉnh An Giang, lúa gạo đang là ngành sản xuất chủ lực với diện tích được duy trì ổn định khoảng 550.000-600.000 ha (xấp xỉ 200.000 ha/vụ). Sản lượng gạo chế biến của tỉnh đạt gần 2 triệu tấn mỗi năm; trong đó, phục vụ nhu cầu xuất khẩu hơn 500.000 tấn. 

 

Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho biết, hiện nay An Giang đã quy hoạch vùng trồng lúa, nếp tập trung, quy mô lớn. Tỉnh cũng đã cơ cấu diện tích sản xuất lúa hợp lý theo từng địa phương, gắn với nhu cầu thị trường và sức tiêu thụ của doanh nghiệp; trong đó, chú trọng các vùng trọng điểm sản xuất lúa gạo của tỉnh ở các huyện: Thoại Sơn, Châu Phú, Châu Thành và Phú Tân.

Đối với diện tích canh tác lúa không hiệu quả, An Giang khuyến khích nông dân chuyển đổi linh hoạt sang các mô hình sản xuất khác có giá trị kinh tế cao hơn (nuôi trồng thủy sản, rau màu, cây ăn trái) hoặc luân canh cây lúa với cây trồng, vật nuôi khác (lúa-tôm, lúa-cá, lúa-rau màu).

Định hướng đến năm 2025, An Giang phát triển khoảng 100.000 ha chuyên canh sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao có liên kết doanh nghiệp tại các huyện Thoại Sơn, Châu Thành, Châu Phú… Đồng thời, phục hồi và phát triển các vùng sản xuất lúa đặc sản, như nếp Phú Tân 20.000 ha; lúa thơm, lúa Jasmine tại Châu Phú 11.000 ha; lúa mùa nổi ở huyện Tri Tôn, An Phú từ 200-500 ha; lúa Nàng Nhen tại huyện Tri Tôn và Tịnh Biên khoảng 600 ha. Tỉnh duy trì ổn định vùng sản xuất lúa giống quy mô 20.000-25.000 ha trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố.

Để nâng cao giá trị sản xuất, ngành nông nghiệp An Giang nỗ lực tăng diện tích sản xuất áp dụng kỹ thuật canh tác cải tiến như "1 phải, 5 giảm" (phải sử dụng giống xác nhận, giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng phân đạm, giảm lượng nước, giảm thất thoát sau thu hoạch), "3 giảm, 3 tăng" (giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng thuốc trừ sâu, bệnh, giảm lượng phân đạm; tăng năng suất lúa, tăng chất lượng lúa gạo, tăng hiệu quả kinh tế) lên 95-98% tổng diện tích lúa; tăng tỷ lệ diện tích lúa được chứng nhận các tiêu chuẩn SRP, VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ… theo nhu cầu thực tế của thị trường. 

Theo đề án "Xây dựng và phát triển thương hiệu gạo tỉnh An Giang đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030", địa phương này tập trung xây dựng các vùng sản xuất lúa gạo xuất khẩu ổn định, hiệu quả và bền vững. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, ứng dụng công nghệ số cấp mã số vùng trồng theo tiêu chuẩn xuất khẩu cho khoảng 70-80% diện tích lúa chất lượng cao. Đồng thời, tăng diện tích liên kết sản xuất, đến năm 2025 có từ 200.000-250.000 ha lúa sản xuất được doanh nghiệp bao tiêu thông qua các tổ hợp tác, hợp tác xã.

Tỉnh Tiền Giang hiện có khoảng 70.000 ha đất canh tác lúa mỗi năm từ 2-3 vụ, sản lượng đạt trên 1,1 triệu tấn lúa/năm. Trong chiến lược nâng cao chất lượng gạo, Tiền Giang đã quan tâm quy hoạch vùng gắn với liên kết sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn. Điển hình vùng ngọt hóa Gò Công có lợi thế về xây dựng vùng trồng lúa thơm mà chủ lực là giống lúa VD 20 nổi tiếng. Các huyện vùng kiểm soát lũ phía Tây tỉnh phát triển các giống lúa chất lượng cao như OM 5451, OM 4900, Nàng Hoa 9… Đây được coi là 2 vựa lúa hàng hóa phục vụ chế biến xuất khẩu lớn nhất của tỉnh.

Ông Trịnh Công Minh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho biết, Tiền Giang đã triển khai Dự án vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2018-2020 và định hướng đến năm 2025. Qua dự án, đã có gần 400 ha lúa được chứng nhận đạt VietGAP, GlobalGAP.

Ngoài ra, còn có Dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ gạo VD 20-đặc sản Gò Công (giai đoạn 2021-2025) với sự tham gia của Công ty TNHH HK. 

Theo đó, Công ty TNHH HK liên kết với nông dân xây dựng vùng lúa nguyên liệu chế biến xuất khẩu trên 2.000 ha/năm; trong đó khoảng 50% trồng giống VD 20-đặc sản Gò Công theo hướng hữu cơ, chất lượng cao đạt chuẩn xuất sang châu Âu. Đồng thời, xây dựng thương hiệu gạo VD 20- đặc sản Gò Công đạt chứng nhận OCOP 4 sao cấp tỉnh.

So với các tỉnh, thành khác trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Cần Thơ có diện tích sản xuất lúa không lớn, nhưng đây là một trong những địa phương sớm hình thành vùng lúa chuyên canh phục vụ xuất khẩu.

Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ cho biết những năm gần đây, ngành nông nghiệp Cần Thơ tập trung xây dựng vùng sản xuất lúa chuyên canh phục vụ chính cho xuất khẩu, chủ yếu gieo sạ các giống lúa chất lượng cao, lúa thơm đặc sản như Jasmine, Đài Thơm 8, ST, OM5451, OM18... Sản lượng lúa của thành phố Cần Thơ mỗi năm từ 1,25 - 1,35 triệu tấn, tương đương khoảng 600.000 - 650.000 tấn gạo.

Theo ông Trần Thái Nghiêm, từ thời điểm triển khai mô hình cánh đồng lớn với khoảng 30.000 - 35.000 ha và dự án “Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam" VnSAT, các cánh đồng lúa ở Cần Thơ đã được nông dân mở rộng áp dụng kỹ thuật canh tác lúa  "1 phải, 5 giảm".

Theo đó, nông dân sử dụng giống lúa cấp xác nhận đảm bảo độ thuần; sử dụng phân, thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng; sạ lúa thưa nhằm giảm được phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giảm sâu bệnh...

Cùng với đó, ứng dụng cơ giới hóa trong khâu thu hoạch gần như 100% bằng máy gặt đập liên hợp và gần 100% hệ thống lò sấy đảm bảo lúa được thu hoạch đều được sấy trong vòng 24 giờ, nhờ đó duy trì được chất lượng lúa gạo ở mức cao nhất.

"Thông qua các chương trình, dự án được triển khai đến từng hợp tác xã, địa phương về kỹ thuật canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính, sản xuất lúa an toàn... đã giúp nông dân làm lúa ở Cần Thơ dần thay đổi nhận thức, chuyển đổi từ sản xuất lúa truyền thống sang áp dụng kỹ thuật canh tác mới để tạo ra hạt lúa đảm bảo chất lượng.

Hiện nay chất lượng gạo phục vụ xuất khẩu phần lớn đáp ứng được quy định về an toàn thực phẩm, không tồn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học, nhờ đó từng bước xây dựng được uy tín và thương hiệu hạt gạo Việt trên thị trường gạo thế giới", ông Trần Thái Nghiêm nhấn mạnh./.

>>Bài 4: Tạo thương hiệu nâng sức cạnh tranh

>>Bài cuối: Mở rộng thị trường

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục