Xuất khẩu hàng hóa tiếp tục khởi sắc trong khó khăn

13:08' - 02/11/2020
BNEWS Kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu dần khởi sắc sau 10 tháng, tạo đà cho việc hoàn thành mục tiêu xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2020 có thể đạt mức tăng từ 3-4% so với năm 2019.

Năm nay, Việt Nam đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như miền Trung phải hứng chịu mưa bão, lũ lụt, ảnh hưởng lớn đến sản xuất. Bên cạnh đó, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại châu Âu, nhiều nước như Pháp, Đức... đã bắt đầu lệnh phong tỏa trở lại làm hạn chế nhu cầu tiêu dùng hàng hóa cũng như xuất nhập khẩu.

Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu dần khởi sắc sau 10 tháng, tạo đà cho việc hoàn thành mục tiêu xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2020 có thể đạt mức tăng từ 3-4% so với năm 2019. 

Dây chuyền sản xuất Chanh leo tại Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN ;

*Giữ đà tăng trưởng

Theo Bộ Công Thương, tháng 10/2020 kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của cả nước đạt 26,7 tỷ USD, giảm 1,7% so với tháng trước; trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 6,9 tỷ USD, giảm 8,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt gần 19,74 tỷ USD, tăng 0,8%.

So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 10 tăng 9,9%; trong đó, khu vực kinh tế trong nước tăng 23,4%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 5,8%.

Như vậy, tính chung 10 tháng năm 2020, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 229,27 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, khu vực kinh tế trong nước tăng 0,7%, chiếm gần 28,7% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài kể cả dầu thô tăng 6,5%, chiếm 71,3%.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, trong 10 tháng, có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD; 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD.

Đáng lưu ý, xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ năm 2019 và đóng góp chủ yếu vào tốc độ tăng trưởng chung với kim ngạch đạt 194,37 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2019.

Theo đó, một số mặt hàng có tốc độ tăng trưởng tốt như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; gỗ và sản phẩm gỗ...

Tuy nhiên, nhóm hàng may mặc tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm 2019, với sự sụt giảm 3,2% của hàng dệt và may mặc; giảm 21,6% đối với giày dép các loại; giảm 23,7% đối với túi xách, ví, vali, mũ, ô dù.

Cũng theo ông Trần Thanh Hải, Hoa Kỳ vẫn tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 62,3 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 37,6 tỷ USD, tăng 14%; thị trường EU đạt 28,9 tỷ USD, giảm 3%; ASEAN đạt 18,9 tỷ USD, giảm 11,4%; Hàn Quốc đạt 16,3 tỷ USD, giảm 2,6%; Nhật Bản đạt 15,6 tỷ USD, giảm 7%.

Nhận định từ các chuyên gia thương mại, hàng hóa Việt Nam đã tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống và mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới từ việc tận dụng các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực và đang tiếp tục đàm phán, ký kết. Nhất là khi cộng đồng doanh nghiệp tận dụng tốt hơn cơ hội từ các FTA sẽ là yếu tố tích cực thúc đẩy quá trình xuất khẩu hàng hóa.

Đặc biệt, cùng với việc không ngừng cải cách thủ tục hành chính, tạo hành lang thông thoáng cho doanh nghiệp hoạt động đã và đang là động lực rất lớn trong việc phát triển các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cũng như thu hút mở rộng đầu tư và xuất khẩu sản phẩm của các doanh nghiệp.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng 10 đạt 24,5 tỷ USD, tăng 1,2% so với tháng 9/2020; trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 9 tỷ USD, tăng 8,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 15,5 tỷ USD, giảm 2,7%.

Như vậy, trong tháng 10, kim ngạch nhập khẩu đã có xu hướng tăng lên so với cùng kỳ cho thấy, sản xuất bắt đầu phục hồi, các doanh nghiệp đã và đang chuẩn bị kế hoạch sản xuất phục vụ cho nhu cầu cuối năm nên nhu cầu nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất và xuất khẩu tăng. Tính chung 10 tháng năm 2020, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 210,55 tỷ USD, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên xuất siêu 10 tháng vẫn ở mức kỷ lục đạt 18,72 tỷ USD cao hơn mức 9,3 tỷ USD của cùng kỳ năm ngoái.

Các chuyên gia thương mại cho rằng, trong bối cảnh xuất khẩu của nhiều quốc gia trong khu vực tiếp tục giảm hoặc tăng trưởng chậm lại thì kết quả tăng trưởng xuất khẩu ở mức 4,7% và duy trì cán cân thương mại thặng dư trong 10 tháng đầu năm của Việt Nam là sự nỗ lực rất lớn. 

 

 

*Hỗ trợ hiệu quả 

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng, thời gian qua Bộ Công Thương đã tiến hành rà soát kỹ từng lĩnh vực, ngành hàng để cập nhật lại kịch bản điều hành, xem xét các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu cho những tháng cuối năm.

Qua đánh giá cho thấy, các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, xuất khẩu và thương mại nội địa cả năm 2020 đều có thể đạt kết quả tích cực hơn so với đánh giá hồi tháng 7/2020. Vì vậy, dựa vào tình hình hiện nay, Bộ Công Thương dự kiến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam cả năm 2020 sẽ có thể đạt mức tăng từ 3-4% so với năm 2019.

Tuy nhiên, để xuất khẩu tiếp tục bứt tốc và cán đích thành công, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng khẳng định trong hai tháng tới Bộ Công Thương sẽ rà soát, hoàn thiện và thực hiện đồng bộ, hiệu quả hơn các chính sách xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Bên cạnh đó, triển khai hiệu quả Kế hoạch hoạt động Xúc tiến thương mại giai đoạn 2020-2025 góp phần phát triển xuất khẩu bền vững trong bối cảnh thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và FTA được ban hành tại Quyết định số 2124/QĐ-BCT ngày 10/8/2020.

Ngoài ra, Bộ sẽ xây dựng và tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình cụ thể phát triển thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao. Đồng thời, tiếp cận các thị trường trọng điểm, duy trì và mở rộng, không để giảm thị phần, mất thị trường xuất khẩu, nhất là đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực; rà soát thủ tục hành chính về xuất nhập khẩu nhằm thúc đẩy xuất khẩu, tạo thuận lợi và hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp.

Mặt khác, Bộ triển khai các hình thức xúc tiến thương mại áp dụng các công cụ trực tuyến để duy trì thị trường, quan hệ với các đối tác. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng tìm được bạn hàng cho những mặt hàng nông sản thực phẩm, hàng hóa thiết yếu thông qua các cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước sở tại trong bối cảnh dịch bệnh không thể thực hiện các chuyến giao thương, làm việc trực tiếp với nhau.

Bộ cũng tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin thông qua môi trường thương mại điện tử và các nền tảng công nghệ số, tận dụng cơ hội đẩy mạnh thương mại điện tử thúc đẩy phát triển mạnh thị trường trong nước và xuất khẩu.

Đặc biệt, Bộ Công Thương cũng yêu cầu các đơn vị thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Cùng với đó, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp; tạo điều kiện cho doanh nghiệp có sự chuẩn bị tốt về vốn, công nghệ, thị trường và khả năng kết nối với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài để tham gia các FTA thế hệ mới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục