Xuất khẩu khả quan nhưng dệt may vẫn còn nhiều thách thức

15:51' - 21/06/2022
BNEWS Mặc dù kết quả xuất khẩu dệt may nửa đầu năm 2022 đạt được kết quả tích cực nhưng dự báo nửa cuối năm sẽ đối mặt nhiều thách thức cả về thị trường lẫn chuỗi cung ứng.

Đây là thông tin được các doanh nghiệp chia sẻ tại hội thảo chuỗi cung ứng bông bền vững do Hiệp hội Dệt may Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Bông Mỹ (US.Cotton) tổ chức tại Tp Hồ Chí Minh ngày 21/6.

 

Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, xuất khẩu dệt may 6 tháng đầu năm ước đạt khoảng 22 tỷ USD, tăng trưởng 23% so với cùng kỳ. Đây là con số ấn tượng đối với ngành dệt may trong bối cảnh vừa trải qua gia đoạn khó khăn do dịch COVID-19 kéo dài.

Kết quả này là nhờ vận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tư do với 15 hiệp định có hiệu lực đã mở ra hành lang thị trường rộng mở với hàng dệt may Việt Nam; trong đó, một số hiệp định có ràng buộc về quy tắc xuất xứ như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) thúc đẩy ngành công nghiệp dệt sợi trong nước phát triển vượt bậc trong 5 năm trở lại đây.

Từ một nước phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu sợi nhập khẩu, năm 2021 Việt Nam đã xuất khẩu được 5,6 tỷ USD sợi, riêng 6 tháng đầu năm 2022 kim ngạch xuất khẩu sợi đã đạt xấp xỉ 3 tỷ USD. 

Ngành sợi Việt Nam bứt phá nhờ áp dụng công nghệ tự động hoá, nhiều nhà máy đầu tư lớn, sử dụng mô hình quản trị số. Công nghiệp kéo sợi cũng đi đầu trong trong chiến lược phát triển đa dạng hoá thị trường, giảm mức độ lệ thuộc cho nguyên liệu đầu vào của ngành dệt may.

Ngành dệt may Việt Nam cũng phát triển nhanh về xanh hoá, bền vững, chuyển hoá sang sử dụng năng lượng xanh, năng lượng mặt trời, tiết kiệm nguồn nước nhờ đó đáp ứng tốt hơn các tiêu chuẩn quốc tế và được khách hàng tín nhiệm cao.

Tuy nhiên, ông Vũ Đức Giang dự báo, nửa cuối năm 2022 thị trường thế giới sẽ có nhiều biến động khó lường, đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp và mục tiêu xuất khẩu của toàn ngành dệt may.

Tình hình lạm phát mạnh tại Mỹ và châu Âu khiến giá cả lương thực thực phẩm tăng vọt sẽ khiến sức mua các mặt hàng tiêu dùng; trong đó có dệt may giảm sút đáng kể, ảnh hưởng đến đơn hàng của doanh nghiệp trong quý III và quý IV.

Xung đột Nga – Ukraine chưa có hồi kết trong khi giá xăng dầu, chi phí vận tải biển liên tục tăng khiến chi phí sản xuất của doanh nghiệp đội lên, giá các loại nguyên liệu đã tăng gần 30% so với trước là những thách thức mà doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang phải đối mặt - ông Giang phân tích.

Cùng nhận định, ông Thân Đức Việt – Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 chia sẻ, 6 tháng đầu năm doanh số xuất khẩu của công ty rất tích cực.

Khách hàng ở thị trường Mỹ, EU có tốc độ phục hồi nhanh chóng, nhờ đó, số lượng đặt hàng tăng 20-30% so với cùng kỳ năm 2021; thậm chí, một số khách hàng có đơn đặt tăng hơn trước thời điểm dịch COVID-19; tăng trưởng xuất khẩu của công ty đạt trên 30%.

Hiện doanh nghiệp cũng lường trước một số khó khăn cho nửa cuối năm 2022. Cụ thể, với mức độ lạm phát cao tại các thị trường xuất khẩu quan trọng là Mỹ, EU như hiện nay, sức mua hàng dệt may có xu hướng sẽ giảm do người tiêu dùng ưu tiên cho mặt hàng thiết yếu, lương thực thực phẩm hơn là thời trang.

Trong khi đó, ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19 vẫn hiện hữu như đứt gãy chuỗi cung ứng, tắc nghẽn dịch vụ logistics khiến chi phí vận chuyển tăng liên tục, thiếu hụt container rỗng... vẫn chưa được giải quyết.

“Mặc dù công ty đã có đơn đặt hàng đến hết quý III, một số mặt hàng thế mạnh như sơ mi, veston đã có đơn hàng đến hết năm 2022 nhưng nếu thị trường tiêu thụ chậm, tỷ lệ tồn kho của các nhà nhập khẩu tăng lên khách hàng có thể điều chỉnh giảm hoặc huỷ đơn đột ngột. Với chuỗi sản xuất, chi phí nguyên liệu, nhiên liệu tăng khiến giá thành sản xuất tăng theo, biên độ lợi nhuận của doanh nghiệp ngày càng thu hẹp” - ông Thân Đức Việt nêu.

Để đối phó với những vấn đề trên, các doanh nghiệp cho biết đang tích cực theo dõi diễn biến thị trường để kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất cho phù hợp thực tế.

Doanh nghiệp cũng chủ động chuyển đổi, đa dạng hoá nguồn cung nguyên phụ liệu trong nước để chủ động về thời gian giao nhận, tiết kiệm chi phí vận chuyển; đồng thời thường xuyên đàm phán, tìm kiếm khách hàng, đơn hàng mới nhằm đảm bảo duy trì sản xuất thường xuyên và việc làm ổn định cho người lao động./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục