Xuất khẩu nông sản trước xu hướng bảo hộ thương mại

15:25' - 30/05/2018
BNEWS Để bảo vệ sản xuất trong nước, xu hướng bảo hộ thương mại đã được áp dụng ở nhiều quốc gia và thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau.

Tuy nhiên, xu hướng này ngày càng gia tăng trong những năm gần đây, tác động tiêu cực đến tự do hóa thương mại toàn cầu và đe dọa đến tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, nhất là các mặt hàng nông sản Việt Nam.

Nông sản Việt được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới, kể cả những thị trường khó tính nhất hiện nay. Ảnh: TTXVN

Áp lực không nhỏ

Cách đây hơn 2 tháng, giới doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản khá bất ngờ và bất bình khi Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố kết luận cuối cùng của đợt xem xét hành chính lần thứ 13 (POR 13), áp dụng đối với các lô hàng cá tra xuất khẩu trong giai đoạn từ 1/8/2015 - 31/7/2016. Theo đó, cá tra Việt bị áp thuế lên tới 3,87 USD/kg, tăng đến 5,6 lần so với POR12.

Đây là mức thuế cao nhất từ trước đến nay và hết sức vô lý khiến các doanh nghiệp có rất ít cơ hội xuất khẩu cá tra vào thị trường này do không thể đáp ứng số tiền ký quỹ.

Để bảo vệ ngành công nghiệp cá nheo trong nước, Mỹ không ngần ngại áp thuế chống bán phá giá cao đối với mặt hàng cá da trơn nhập khẩu.

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), việc Mỹ áp dụng chính sách bảo hộ nhằm hạn chế xuất khẩu thủy sản của Việt Nam không phải mới xảy ra trong thời gian gần đây mà đã manh nha xuất hiện từ những năm 2003 khi giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam mới đạt từ 1 – 2 tỷ USD thông qua các vụ kiện chống bán phá giá. Hiện con tôm, cá tra Việt vẫn đang bị áp thuế cao khá vô lý ở thị trường này.

Không những vậy, các mặt hàng thủy hải sản Việt cũng đang bị giám sát chặt khi nhập khẩu vào nước này. Đơn cử như cá tra bị kiểm soát từ công đoạn nuôi, thu hoạch, vận chuyển cá tới cơ sở chế biến, chế biến và xuất khẩu qua Chương trình thanh tra cá da trơn áp dụng từ tháng 8/2017.

Cá ngừ muốn xuất khẩu được vào Mỹ phải được Tổ chức Earth Island (EII) của nước này cấp dấu “An toàn cá heo – Dolphin safe” và phải có chứng nhận của cơ quan nhà nước đối với từng lô hàng nguyên liệu cập cảng.

Gần đây nhất, đầu năm 2018, Cục Quản lý đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA) áp dụng chương trình giám sát nhập khẩu thủy sản (SIMP), yêu cầu khai báo và lưu trữ hồ sơ đối với 13 mặt hàng thủy sản nhập khẩu.

Điều này nhằm ngăn chặn các sản phẩm đánh bắt bất hợp pháp, không được báo cáo và không được kiểm soát hoặc gian lận thương mại.

Ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương chia sẻ, trong những năm gần đây Mỹ có xu hướng gia tăng các biện pháp bảo hộ sản xuất trong nước, hạn chế nhập khẩu.

Chỉ trong thời gian ngắn, số lượng vụ kiện liên quan đến chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với nhiều mặt hàng của nhiều quốc gia khác nhau do Mỹ khởi xướng đã tăng lên gấp đôi (hơn 100 vụ).

Đối với Việt Nam, Mỹ đã khởi kiện 25 vụ chống bán phá giá, chống trợ cấp liên quan đến nhiều ngành hàng khác nhau, từ các ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như: thủy sản đến ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu rất ít như túi dệt, đinh thép hay móc áo.

Theo ông Trung, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, có ít kinh nghiệm về phòng vệ thương mại. Do đó, khi bị khởi kiện sẽ ảnh hưởng rất lớn, mất thời gian, tốn kém chi phí theo kiện, thậm chí có thể mất luôn thị trường do bị áp thuế cao và không thể cạnh tranh được.

Trên thực tế, không chỉ có Mỹ mà nhiều quốc gia khác cũng có xu hướng bảo hộ thương mại đối với một số mặt hàng nông nghiệp mà họ có thế mạnh nhằm bảo vệ ngành sản xuất trong nước và tạo việc làm cho người lao động.

Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cũng cho biết, xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam sang một số thị trường lớn như Mỹ, Ấn Độ… đang có dấu hiệu chững lại vì cạnh tranh và chính sách bảo hộ.

Nhất là tại Ấn Độ, cuối quý 1/2018, Chính phủ nước này đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu hồ tiêu để bảo vệ nông dân trồng tiêu trong nước.

Điều này có thể khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn khi Ấn Độ hiện là thị trường nhập khẩu hồ tiêu lớn thứ hai của Việt Nam, chỉ sau Mỹ.

Ở một số quốc gia khác, dù không chạy theo xu hướng bảo hộ, nhưng để đảm bảo chất lượng hàng hóa nhập khẩu vẫn đặt ra các tiêu chuẩn về mặt kỹ thuật, chất lượng rất cao, trở thành rào cản đối với nước xuất khẩu.

Việc thích ứng những chính sách bảo hộ ở các nước nhập khẩu cần được hiểu và thực hiện như thế nào hiện đang là vấn đề quan tâm của nhiều doanh nghiệp.

Biện pháp ứng phó

Tại hội nghị Tham tán thương mại được tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh đầu năm 2018, xu hướng bảo hộ sản xuất ở nhiều nước nhập khẩu được khá nhiều Tham tán thương mại đề cập.

Theo Tham tán công sứ Nguyễn Cảnh Cường, Thương vụ tại Bỉ và EU, thỉnh thoảng trên các báo đài phương Tây vẫn có những thông tin “chê” sản phẩm nông sản Việt. Tuy vậy, thực chất nông sản Việt được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới, kể cả những thị trường khó tính nhất hiện nay.

Thực tế cho thấy mỗi thị trường có những quy định nhập khẩu riêng, song có thể ẩn chứa yếu tố cạnh tranh, nhất là các nước có nhiều nông sản muốn bảo hộ nông sản trong nước thì họ có thể đưa ra các chính sách, rào cản kỹ thuật, thông tin bất lợi… để hạn chế xuất nhập khẩu.

Theo ông Cường, có một cách thức để doanh nghiệp xuất khẩu nông sản có thể đứng vững trong trường hợp khác biệt về rào cản kỹ thuật. Đó là doanh nghiệp có thể mời những chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực đó từ nước nhập khẩu đến Việt Nam, giúp doanh nghiệp cải thiện tiêu chuẩn kỹ thuật đạt yêu cầu.

Ngoài việc đạt được các tiêu chuẩn kỹ thuật, các chuyên gia này có ảnh hưởng (sức mạnh vô hình) rất lớn đối với người tiêu dùng ở nước sở tại. Họ sẽ là những “đại sứ” truyền thông hữu hiệu cho doanh nghiệp tiếp cận với người tiêu dùng.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP cho rằng, bên cạnh những tác động tiêu cực, hạn chế tự do thương mại của xu hướng bảo hộ hiện nay thì ở một góc độ khác xu hướng này cũng tạo ra những tiêu chuẩn tốt hơn về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt cần tăng cường các biện pháp an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm để vượt qua các hàng rào về chất lượng, kỹ thuật.

Dưới góc độ của doanh nghiệp, ông Lê Nguyên Hòa, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty NutiFood cho rằng, các doanh nghiệp muốn vào thị trường Mỹ hay đứng vững ở các thị trường nhập khẩu cần phải làm tốt việc minh bạch thông tin.

Đồng thời, phải nghiên cứu nhu cầu, thị hiếu của thị trường vì khó khăn lớn nhất chính là sự đón nhận của người tiêu dùng cũng như đầu tư công nghệ sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm để có thể xuất khẩu lâu dài.

Cùng chung quan điểm này, ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cũng khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu cần tìm hiểu thông tin về chính sách thương mại của thị trường nhập khẩu.

Đối với những thị trường lớn như Mỹ, cần xác định chính xác bang, tiểu bang muốn tiếp cận. Doanh nghiệp cũng cần tạo mối quan hệ tốt với các đối tác để được cảnh báo, nhận biết sớm các nguy cơ về thương mại.

“Việc bị kiện tụng về thương mại không chỉ gây thiệt hại cho một số doanh nghiệp mà còn tác động trực tiếp tới toàn ngành hàng. Vì vậy, các doanh nghiệp cùng ngành nghề cần liên kết chặt chẽ với nhau để phát huy thế mạnh tổng hợp trong việc tận dụng cơ hội thị trường cũng như ứng phó với các sự cố về thương mại”, ông Trung lưu ý.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục