Xuất khẩu tự tin vượt ngưỡng

16:56' - 04/12/2018
BNEWS Với mức tăng trưởng lên tới 14,4%, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sau 11 tháng đã cao hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng 8-10%.

Theo đó, tính đến thời điểm hiện tại, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đã hoàn thành 94,5% mục tiêu xuất khẩu của năm 2018.

Dây chuyền sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty TNHH MTV Panko Vina (Quảng Nam). Ảnh: Danh Lam – TTXVN

Hơn nữa, quy mô xuất khẩu tiếp tục được mở rộng bởi sau 11 tháng đã có 27 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (trong đó có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD và 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD).

Điều này cho thấy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong năm 2018 hoàn toàn tự tin chạm ngưỡng 245 tỷ USD và vượt xa kế hoạch đề ra.

*Tăng trưởng ấn tượng

Thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy, hoạt động thương mại tháng 11 đã phần nào chững lại so với tháng trước khi tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giảm 1,6%, đạt 43,6 tỷ USD.

Trong số này, kim ngạch xuất khẩu giảm 4,1% so với tháng 10 và đạt 21,6 tỷ USD; ngược lại, kim ngạch nhập khẩu lại tăng nhẹ 1,1% so với tháng trước, đạt 22 tỷ USD.

Tuy nhiên, tính chung 11 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 440,45 tỷ USD, con số này cao hơn gần 3% (tương ứng 12,32 tỷ USD) so với cả năm 2017.

Theo đó, kim ngạch xuất khẩu 11 tháng đạt 223,63 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2017. Đặc biệt, mặc dù còn 1 tháng nữa mới kết thúc năm 2018 song kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đã hoàn thành 94,5% so với mục tiêu đề ra từ đầu năm. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu 11 tháng tăng 12,4% và đạt 216,82 tỷ USD.

Về cán cân thương mại, mặc dù Việt Nam nhập siêu 400 triệu USD trong tháng 11 nhưng lũy kế từ đầu năm 2018 đến hết tháng 11 cho thấy cán cân thương mại của Việt Nam vẫn đạt mức thặng dư kỷ lục là 6,8 tỷ USD.

Cũng theo Bộ Công Thương, trong tháng 11, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 21,6 tỷ USD, giảm 4,1% so với tháng 10 nhưng lại tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2017.

Đáng lưu ý, kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp 100% vốn trong nước tăng 10,8% so với cùng kỳ, đạt 5,9 tỷ USD; khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có kim ngạch xuất khẩu 15,71 tỷ USD (bao gồm cả dầu thô), tăng 6,75 so với cùng kỳ.

Vì vậy, tính chung kim ngạch xuất khẩu 11 tháng đạt 223,63 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2017; trong đó, kim ngạch xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước đạt 63,24 tỷ USD, tăng 17,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 160,385 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ.

Nhận định chung về nhóm hàng xuất khẩu, ông Trần Thanh Hải-Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, diễn biến xuất khẩu của các nhóm hàng trong 11 tháng diễn ra thuận lợi khi đều có tốc độ tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm trước.

Ông Trần Thanh Hải đưa ra con số cụ thể về xuất khẩu của nhóm hàng nông lâm thủy sản trong tháng 11 đạt 2,19 tỷ USD, giảm 4% so với tháng trước nhưng tăng 0,2% so với cùng kỳ.

Do vậy, nếu tính chung 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản đạt 24,46 tỷ USD, chiếm 10,94% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 2,9% so với cùng kỳ.

Ngoài ra, một số mặt hàng nông sản, thủy sản vẫn duy trì kim ngạch xuất khẩu tăng khá so với cùng kỳ như thủy sản đạt 8,04 tỷ USD, tăng 6,1%; rau quả đạt 3,54 tỷ USD, tăng 11,6%; cà phê đạt 3,27 tỷ USD, tăng 2,9% (lượng tăng 23%); gạo đạt 2,86 tỷ USD, tăng 16,8% (lượng tăng 4,8%).

Bên cạnh đó, một số mặt hàng nông sản tuy lượng xuất khẩu tăng nhưng do giá xuất khẩu bình quân giảm nên kim ngạch giảm so với cùng kỳ năm trước gồm hạt điều, cao su và hạt tiêu.

Riêng với nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản trong 11 tháng đạt 4,397 tỷ USD, tăng 1,5% so với cùng kỳ, chủ yếu là do kim ngạch xuất khẩu mặt hàng xăng dầu và than đá tăng lần lượt là 42,7% và 12,4% so với cùng kỳ.

Dây chuyền sản xuất và đóng gói tất xuất khẩu tại Công ty TNHH Jasan Việt Nam, tại Khu công nghiệp VSIP Hải Phòng. Ảnh: Danh Lam – TTXVN

Ông Trần Thanh Hải lý giải thêm, mặc dù giá dầu thô tăng trong thời gian gần đây nhưng do lượng xuất khẩu giảm mạnh (giảm 42,5%) nên trị giá xuất khẩu nhóm hàng này giảm 20,4% so với cùng kỳ.

Với xuất khẩu thuộc nhóm hàng công nghiệp chế biến, trong 11 tháng đạt 185,295 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 82,86% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Hầu hết các mặt hàng trong nhóm công nghiệp chế biến đều đạt mức tăng trưởng dương so với cùng kỳ; trong đó, những mặt hàng có kim ngạch cao là clanhke và xi măng; sản phẩm từ sắt thép; kim loại thường khác; điện thoại và linh kiện; hàng dệt may; điện tử, máy tính và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng; giày dép...

Theo ông Trần Thanh Hải, mặt hàng sắt thép và kim loại thường khác là hai nhóm hàng có tốc độ tăng xuất khẩu cao hơn nhiều so với các năm trước đây.

Đáng lưu ý, xuất khẩu của 2 nhóm hàng này trong 11 tháng tăng gần 1,13 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm trước.

Chia sẻ thêm về thị trường xuất khẩu, ông Trần Thanh Hải cho hay, Hoa Kỳ vẫn tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 11 tháng với kim ngạch đạt 43,74 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là EU; Trung Quốc; ASEAN; Nhật Bản và Hàn Quốc.

Ngoài ra, hàng hóa Việt Nam đã tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống và mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới từ việc tận dụng các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực và đang tiếp tục đàm phán, ký kết.

Nhất là khi cộng đồng doanh nghiệp tận dụng tốt hơn cơ hội từ các FTA sẽ là yếu tố tích cực thúc đẩy quá trình xuất khẩu hàng hóa.

Đặc biệt, cùng với việc không ngừng cải cách thủ tục hành chính, tạo hành lang thông thoáng cho doanh nghiệp hoạt động đã và đang là động lực rất lớn trong việc phát triển các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cũng như thu hút mở rộng đầu tư và xuất khẩu sản phẩm của các doanh nghiệp.

*Tự tin vượt ngưỡng

Ông Dương Duy Hưng-Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) nhấn mạnh: Trong bối cảnh nguồn cung trên thị trường thế giới dư thừa, các nước nhập khẩu ngày càng siết chặt hàng rào phi thuế quan, bảo hộ trong nước gia tăng… thì việc Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu khá cao và xuất siêu kỷ lục cho thấy hiệu quả trong việc chuyển biến các hướng đi đúng đắn của các bộ, ngành liên quan trong suốt thời gian qua.

Sản xuất tất xuất khẩu tại Công ty TNHH Jasan Việt Nam, tại Khu công nghiệp VSIP Hải Phòng. Ảnh: Danh Lam – TTXVN

Những mặt hàng dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu tiếp tục là điện thoại các loại và linh kiện, hàng dệt và may mặc, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, giày dép các loại.

Ông Dương Duy Hưng cũng đánh giá cao việc nếu như những năm trước đây, xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI luôn đạt mức tăng trưởng cao hơn so với khối doanh nghiệp trong nước thì thời gian gần đây, tốc độ tăng trưởng của khối trong nước đã cao hơn khối FDI.

Hơn nữa, phát triển thị trường cũng liên tục đạt kết quả tốt, các doanh nghiệp tận dụng tương đối tốt cơ hội từ hội nhập.

Hàng hóa Việt Nam ngoài khai thác tốt các thị trường truyền thống đã mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới.

Đặc biệt, cán cân thương mại duy trì thặng dư, nhập khẩu tập trung chủ yếu ở nhóm phục vụ sản xuất, xuất khẩu.

Cụ thể, cán cân thương mại từ năm 2016 đến nay luôn duy trì thặng dư. Mức thặng dư thương mại trong năm 2016, 2017 lần lượt là 1,78 tỷ USD và 2,11 tỷ USD.

Riêng cán cân thương mại hàng hóa trong 11 tháng/2018 thặng dự lên tới 6,8 tỷ USD. Con số xuất siêu của Việt Nam trong 11 tháng năm nay đã gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong bối cảnh xuất khẩu đang duy trì được tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm ngoái, ông Dương Duy Hưng dự báo kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam cả năm 2018 có thể đạt 245 tỷ USD, tăng 13,9% so với năm 2017.

Ngoài ra, cán cân thương mại năm 2018 tiếp tục duy trì trạng thái thặng dư với mức xuất siêu khoảng 5 tỷ USD.

Để xuất khẩu vượt mục tiêu đề ra, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng, Bộ Công Thương sẽ theo dõi sát biến động của tình hình thế giới, đặc biệt là diễn biến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung để chủ động trong điều hành và có biện pháp thúc đẩy xuất khẩu cũng như quản lý chặt chẽ trước nguy cơ gian lận thương mại và gian lận xuất xứ hàng hóa.

Hơn nữa, chú trọng tạo nguồn hàng có chất lượng cho sản xuất, hướng tới mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng, sản xuất ra các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm và phù hợp với nhu cầu thị trường nhập khẩu.

Ngoài ra, tiếp tục nghiên cứu, dự báo, cảnh báo đối với các biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Kịp thời chỉ đạo các giải pháp cụ thể, quyết liệt, có định hướng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu và phát triển thị trường.

Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cũng lưu ý các đơn vị chức năng cần tìm kiếm khả năng mở rộng các thị trường xuất khẩu mới còn tiềm năng; đồng thời củng cố và mở rộng thị phần hàng hóa Việt Nam tại thị trường truyền thống, thị trường là đối tác FTA.

Mặt khác, tăng cường các biện pháp tháo gỡ rào cản, tạo điều kiện cho hàng hóa xuất khẩu nhất là nông, thủy sản thâm nhập vào các thị trường mới.

Đặc biệt, đẩy nhanh tiến trình đàm phán, ký kết, phê duyệt các hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các nước cũng như triển khai thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế, bảo đảm cho quá trình hội nhập của Việt Nam một cách hiệu quả và bền vững./.

Xem thêm:

>> Xuất khẩu rau quả dự kiến tăng khoảng 10%

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục