Xúc tiến thương mại ngay từ đầu năm để mở rộng thị trường, ngành hàng xuất khẩu

16:49' - 19/01/2017
BNEWS Chương XTTM quốc gia cần phong phú, tập trung vào trọng tâm, trọng điểm hơn chứ không chỉ dừng lại ở các phiên chợ về vùng xâu, vùng xa.
Thứ trưởng Bộ Công Thương-Trần Quốc Khánh phát biểu tại hội nghị Tổng kết Chương trình XTTM quốc gia 2016. Ảnh: Hẳng Trần/BNEWS/TTXVN

Ngày 19/1, tại Hội nghị Tổng kết Chương trình Xúc tiến thương mại (XTTM) quốc gia năm 2016, ô ng Tạ Hoàng Linh, Phó Cục trưởng Cục XTTM, Bộ Công Thương cho biết, ngày 16/1/2017 Bộ Công Thương đã ban hành quyết định phê duyệt 199 đề án của các đơn vị chủ trì, với tổng kinh phí là 90 tỷ đồng.

Chương trình XTTM quốc gia năm 2017 bao gồm các hoạt động xúc tiến thương mại thiết thực, có kế hoạch triển khai ngay từ đầu năm nhằm mở rộng thị trường, mặt hàng xuất khẩu.

Theo ông Tạ Hoàng Linh, chương trình chú trọng đến các thị trường thuộc Liên minh châu Âu như: Pháp, Đức, Bỉ, Italia…; các thị trường thuộc Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) như: Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản, New Zealand…, cũng như thuộc Cộng đồng kinh tế Asean như Lào, Campuchia, Myanmar...

Cùng với đó, chương trình cũng tập trung phát triển thị trường nội địa, nông thôn, biên giới, các địa phương còn khó khăn, góp phần thực hiện hiệu quả cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Năm 2017, Ban quản lý Chương trình XTTM quốc gia sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát và đánh giá tình hình thực hiện các đề án được phê duyệt, nắm bắt thông tin nhiều chiều để xử lý kịp thời, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, đồng thời làm cơ sở cho việc xem xét phê duyệt Chương trình XTTM quốc gia những năm tiếp theo.

Ban quản lý Chương trình XTTM quốc gia cũng xây dựng dựng kế hoạch làm việc cụ thể với các hiệp hội, các địa phương, các doanh nghiệp ngay từ đầu năm 2017 để xây dựng định hướng hoạt động xúc tiến thương mại theo ngành hàng, theo vùng kinh tế mang tính trung và dài hạn làm cơ sở xây dựng các đề án có chất lượng, khả thi, sát với nhu cầu và năng lực tham gia hoạt động xúc tiến thương mại của các doanh nghiệp.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đánh giá, Chương XTTM quốc gia cần phong phú, tập trung vào trọng tâm, trọng điểm hơn chứ không chỉ dừng lại ở các phiên chợ về vùng xâu, vùng xa. Chương trình cần có những điểm mới để phù hợp với sự thay đổi của thị trường, nền kinh tế và quá trình hội nhập.

Bộ Công Thương cũng sẽ tiếp tục triển khai hoạt động thiết thực, hỗ trợ cho doanh nghiệp xây dựng, đăng ký bảo hộ, chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm; kết nối với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để giúp doanh nghiệp phát triển và quảng bá thương hiệu của mình.

Chương trình XTTM quốc gia 2016 đã hỗ trợ 6.000 lượt doanh nghiệp, tổng giá trị hợp đồng và giao dịch trực tiếp tại các sự kiện XTTM đạt trên 354 triệu USD và khoảng 890 tỷ đồng, thu hút gần 2 triệu lượt khách tham gia, giao dịch.

Thông qua Chương trình XTTM quốc gia năm 2016, các hiệp hội ngành hàng, các tổ chức XTTT đã hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu tiếp cận, mở rộng thị trường tại các thị trường trọng điểm, các thị trường mới tiềm năng.

Ban quản lý Chương trình XTTM quốc gia đã tổ chức nhiều chương trình đào tạo, tập huấn cho các doanh nghiệp về kỹ năng tham gia hoạt động xúc tiến thương mại, nâng cao năng lực cho các đơn vị thực hiện đề án…

Mặc dù vậy, theo ông Tạ Hoàng Linh, việc XTTM năm 2016 vẫn còn một số hạn chế như: một số đơn vị không thực hiện được hoặc thực hiện không đúng tiến độ được phê duyệt. Một số đơn vị chưa triển khai thực hiện đề án theo đúng mục tiêu, nội dung, tiến độ được Bộ Công Thương phê duyệt dẫn đến việc phải trình Bộ thay đổi nội dung, thời gian, địa điểm.

Bên cạnh đó, trong một số trường hợp, việc tổ chức các phiên chợ còn chưa đạt yêu cầu đề ra. Cụ thể, hàng hoá chưa phong phú, đa dạng; còn có hiện tượng hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ trà trộn vào hội chợ, phiên chợ hàng Việt.

Việc tổ chức, dàn dựng gian hàng, trang trí tổng thể tại các phiên chợ tại một số địa phương còn sơ sài, tạo ấn tượng chưa tốt về các phiên chợ cũng như hàng hoá, sản phẩm Việt Nam trưng bày tại phiên chợ.

Doanh nghiệp tham gia các phiên chợ phần lớn là các doanh nghiệp thương mại nên mới chỉ tập trung chủ yếu vào việc bán hàng, chưa chú trọng giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, nghiên cứu, thăm dò nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng…./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục