Xung đột làm chậm lại tốc độ tăng trưởng toàn cầu

05:30' - 14/11/2023
BNEWS Nhật báo Le Monde dẫn cảnh báo từ Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng khi giá dầu tăng vọt, chi phí sản xuất và vận chuyển phân bón, thực phẩm sẽ tăng theo, đe dọa nghiêm trọng cuộc sống của nhiều người.

Từ Ukraine đến Gaza…, khủng hoảng địa chính trị đang một lần nữa áp đặt luật lệ lên nền kinh tế. Sau khi cuộc xung đột Nga-Ukraine, ở ngay sát cửa ngõ Liên minh châu Âu, làm gián đoạn chuỗi cung ứng và nguồn năng lượng, căng thẳng giữa Israel và Hamas đang đe dọa làm giảm tốc độ tăng trưởng toàn cầu vốn đã yếu ớt.

Trong kịch bản xấu nhất, nếu tình hình leo thang vượt ra khỏi Gaza và lan rộng đến tận Iran, thế giới sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng dầu lớn, mặc dù sự phụ thuộc vào dầu đã giảm so với cú sốc trong những năm 1970.

Cuộc xung đột cũng tác động lên thị trường năng lượng, dẫn đến biến động kinh tế toàn cầu. Được xem là một chỉ số quan trọng cho sự ổn định trước bối cảnh căng thẳng địa chính trị trên thế giới, thị trường dầu mỏ rất may là vẫn ổn định. Giá một thùng dầu đã dao động dưới ngưỡng 90 USD/thùng (khoảng 84 euro/thùng) kể từ ngày 7/10.

Chỉ có giá khí đốt là bùng nổ ở châu Âu (tăng đến 35%), do quan điểm của Qatar gần với Hamas và là nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng hàng đầu thế giới.

* Môi trường kinh doanh đang xấu đi

Cho đến nay, nguy cơ bùng nổ xung đột lớn ở khu vực Trung Đông chưa phải là kịch bản có khả năng xảy ra cao nhất. Trong báo cáo "Triển vọng thị trường hàng hóa" có tiêu đề "Trong bóng tối của rủi ro địa chính trị", được công bố vào ngày 30/10, Ngân hàng Thế giới vẫn giữ nguyên "kịch bản tham chiếu" mang tính trấn an cho năm 2024, với giá một thùng dầu ở mức 81 USD/thùng, do kinh tế suy thoái.

Tuy nhiên, không loại trừ khả năng leo thang quân sự lan đến Iran và dẫn đến sự tắc nghẽn eo biển Hormuz, nút thắt cổ chai mà 20% lượng dầu của thế giới đi qua.

Thị trường khi đó sẽ bị thiếu 8 triệu thùng mỗi ngày (trong số 102 triệu thùng). Điều này sẽ đẩy giá một thùng dầu lên ngưỡng 157 USD/thùng, gần gấp đôi mức giá hiện tại.

Đó sẽ được coi là thời điểm tồi tệ nhất, theo đánh giá của nhà kinh tế trưởng của Nhóm Ngân hàng Thế giới Indermit Gill. Ông nhấn mạnh rằng cuộc xung đột hiện nay xảy ra sau cú sốc lớn nhất đối với thị trường nguyên liệu thô kể từ những năm 1970. Cuộc xung đột Nga-Ukraine và những ảnh hưởng "vẫn còn tồn tại".

Tại khu vực chứa gần một nửa trữ lượng dầu thô truyền thống của thế giới, bất kỳ cuộc xung đột nào cũng sẽ khiến giá dầu tăng vọt. Giá một thùng dầu được duy trì ở dưới mức 5 USD kể từ năm 1870 đến đầu những năm 1970. Tuy nhiên, giá đã tăng 50% vào cuối năm 1973 sau khi các quốc gia Arập áp đặt lệnh cấm xuất khẩu dầu sang các nước ủng hộ Israel trong cuộc chiến tranh Yom Kippur như một biện pháp trả đũa.

Tình hình tăng giá cũng xảy ra gần như tương tự sau Cách mạng Iran năm 1979 và sau khi bắt đầu Chiến tranh Iran-Iraq vào năm 1980. Giá thậm chí còn tăng gấp đôi chỉ trong ba tháng sau khi cuộc xung đột Kuwait-Iraq diễn ra vào tháng 8/1990, trước khi quy luật cung cầu bắt đầu có tác động mạnh mẽ và quyết định đến giá dầu trên thị trường trong giai đoạn sốc ngược giá dầu kéo dài trong thập kỷ 1980-1990.

Lịch sử cho thấy thời gian và quy mô của các xung đột sẽ định đoạt mức độ ảnh hưởng của chúng. Những tác động ban đầu là có thể nhìn thấy và đo lường được trong thời gian ngắn. Sau đó sẽ là những ảnh hưởng khác khó đo lường hơn, lan tỏa trong cấu trúc kinh tế.

Vượt qua những rủi ro ngay lập tức về việc cung cấp năng lượng bị gián đoạn và tăng giá đột ngột, điều này thường gây ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế và tâm lý kinh doanh. Lo lắng về tương lai khó đoán định là tâm trạng của đa số trong 6.000 người tham gia Diễn đàn Đầu tư Tương lai, tổ chức từ ngày 24-26/10 tại Riyadh, cảm nhận.

Jane Fraser, Giám đốc điều hành của ngân hàng Mỹ Citi, nhấn mạnh "rất khó để thấy tín hiệu lạc quan". Đánh giá này được chia sẻ bởi các lãnh đạo hàng đầu Phố Wall như Jamie Dimon (J.P. Morgan Chase), Ray Dalio (Bridgewater), David Solomon (Goldman Sachs) và Larry Fink (BlackRock).

* Ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế

Sự lo lắng của nhóm các chính trị gia, chủ ngân hàng và doanh nhân phản ánh sự ích kỷ của "giới nhà giàu", những người chủ yếu lo lắng về tăng trưởng của họ.

Tuy nhiên, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Ajay Banga đã nhắc nhở họ rằng xung đột Israel-Hamas sẽ "tác động nghiêm trọng đến phát triển kinh tế toàn cầu", bắt đầu từ các nước kém phát triển.

Các chuyên gia của WB bày tỏ sự lo lắng trong báo cáo "Triển vọng thị trường hàng hóa". Họ cho rằng nếu giá vàng đen tăng vọt, chi phí sản xuất và vận chuyển phân bón và thực phẩm sẽ tăng theo giống như trong các cuộc khủng hoảng trước đây. Đây là mối đe dọa tồi tệ nhất đối với hàng trăm triệu con người.

Đằng sau sự tăng vọt của giá dầu là sự tăng của giá nông sản và lương thực. Điều này đặc biệt ảnh hưởng đến các quốc gia đang phát triển, nơi 700 triệu người đang thiếu ăn. Lạm phát đang buộc các nhà lãnh đạo phải ứng phó với tình hình ngay lập tức. Đôi khi các quốc gia vì lý do chính trị có thể hạn chế xuất khẩu các mặt hàng như gạo, ngũ cốc và phân bón. Điều này có thể làm tăng sự biến động giá cả và góp phần vào tình trạng mất an ninh lương thực. Ngân hàng Thế giới không nêu tên quốc gia cụ thể nhưng dường như đó là Nga, Ukraine, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Argentina… 

Tại Gaza, Lebanon, Syria và Yemen, 34 triệu người đang đối mặt với nguy cơ lớn trước khi xung đột bùng nổ. Ngân hàng Thế giới cảnh báo: "Ngoài tác động trực tiếp đến những người dân bị ảnh hưởng, sự leo thang sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu vốn đã ở mức cao".

Trong ba thập kỷ qua, hàng trăm triệu người đã được giải thoát khỏi nạn đói, đặc biệt là ở châu Á và Mỹ Latinh. Xu hướng đã đảo ngược từ năm 2015. Từ năm 2017 đến 2022, số lượng người trong tình trạng không đảm bảo đủ thức ăn đã tăng từ 624 triệu lên 900 triệu người, theo Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc (FAO)./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục