Xung đột Nga-Ukraine có nguy cơ biến thành cuộc “chiến tranh khí hậu”

05:30' - 08/08/2022
BNEWS Hơn 5 tháng sau khi bùng phát, xung đột quân sự Nga-Ukraine dường như chưa có dấu hiệu dừng lại và đang dần nhen nhóm một cuộc “chiến tranh khí hậu” quy mô toàn cầu.

Mục tiêu chống lại sự nóng lên của Trái Đất của Liên minh châu Âu (EU) đang đứng trước nhiều thách thức.

EU đang phụ thuộc vào Nga về nguồn khí tự nhiên vốn thải ít carbon hơn năng lượng hóa thạch, nhưng lại không ngừng gia tăng áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế đối với quốc gia này.

Trong khi đó, Nga tận dụng chính lợi thế này để siết chặt nguồn cung khí đốt khiến EU buộc phải quay trở lại sử dụng dầu mỏ và than đá, qua đó làm trì hoãn kế hoạch đối phó với sự nóng lên của Trái Đất.

Biến đổi khí hậu đang diễn biến vô cùng phức tạp vào mùa Hè năm nay khi nhiều khu vực trên thế giới ghi nhận mức nhiệt độ cao kỷ lục. Tại Vương quốc Anh, nhiệt độ trung bình của quốc gia này vào tháng Bảy hàng năm là 23 độ C, nhưng vào ngày 19/7 đã lên tới 40,2 độ C ghi nhận tại sân bay Heathrow, đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử Anh có nơi vượt quá 40 độ C vào mùa Hè.

Cũng trong ngày 19/7, thủ đô Paris của Pháp cũng nóng cao điểm lên tới 40,5 độ C, trong khi các nước có “truyền thống” về nắng nóng như Bồ Đào Nha cũng lên tới 47 độ C, còn Tây Ban Nha là 45 độ C. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nắng nóng đã cướp đi sinh mạng của 1.700 người chỉ riêng tại hai quốc gia này.

Nguyên nhân của đợt nắng nóng kỷ lục này được cho là do sự đảo chiều của luồng gió Tây đã đẩy khí nóng từ Bắc Phi lên phía khu vực châu Âu. Trong bối cảnh đó, các nước EU kêu gọi tăng tốc hơn nữa quá trình khử carbon như một giải pháp lâu dài kiềm chế sự nóng lên của Trái Đất.

Theo các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, EU đã đình chỉ nhập khẩu than từ Nga và có kế hoạch áp đặt lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Nga trong năm nay. Tháng Năm vừa qua, EU đã công bố kế hoạch với hai mục tiêu chính là giảm sự phụ thuộc về năng lượng vào Nga và giảm khí thải carbon với ba trụ cột gồm có: Mở rộng năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng và đa dạng hóa nguồn cung năng lượng; thúc đẩy lắp đặt pin Mặt Trời trên mái các tòa nhà mới xây vào năm 2029; nâng cao tỷ lệ tiết kiệm năng lượng từ 9% lên 13%.

Tuy không công khai nhưng rõ ràng, kế hoạch này không đề cập đến việc giảm nhập khẩu khí đốt từ phía Nga. Do khí tự nhiên sau khi đốt cháy giảm đáng kể khí thải carbon, chỉ tương đương 50% so với than và 70% so với dầu. Chính vì thế, EU định vị khí đốt là nguồn năng lượng tạm thời chính trong ít nhất 10 năm tới để làm bước đệm cho quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo mà vẫn duy trì được mục tiêu kiềm chế sự nóng lên của Trái Đất.

Các nước EU phụ thuộc trung bình khoảng 40% khí đốt nhập khẩu từ Nga trong khi đây là nguồn thu lớn nên Nga cũng không ngừng hẳn xuất khẩu khí đốt sang EU sau khi xung đột quân sự với Ukraine bùng phát. Tuy nhiên, bước vào tháng Sáu, Nga bắt đầu sử dụng khí đốt như một “con tin” để đối phó với các lệnh trừng phạt kinh tế từ EU bằng cách tuyên bố sẽ giảm lượng cung cấp khí đốt sang EU thông qua đường ống Dòng chảy phương Bắc.

Với cục diện hiện tại, mục tiêu kiềm chế đà tăng nhiệt của Trái Đất, bao gồm cả kế hoạch đầy tham vọng của EU công bố tháng Năm vừa qua đang đứng trước thách thức nghiêm trọng. Điều đáng lo ngại là tình trạng thiếu hụt năng lượng vào mùa Đông tới sẽ buộc EU phải quay trở lại sử dụng nhiên liệu than, dầu và điện hạt nhân.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Đức Robert Habeck cho biết, nước này không nhượng bộ Nga và hiện tại ưu tiên của Đức là giảm sự phụ thuộc năng lượng vào Nga hơn là khử carbon. Đức đã kết thúc đàm phán với Qatar, quốc gia được xem là nguồn thay thế cung cấp khí đốt trong tương lai nhưng các đơn hàng ước tính sẽ diễn ra sau 2 năm nữa. Nếu vận chuyển khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) bằng đường biển làm chi phí tăng cao trong khi các kho chứa vẫn đang trong giai đoạn xây dựng ở bờ biển phía Bắc nước này.

Trong tương lai gần, chắc chắn sẽ có sự cạnh tranh lớn trên thị trường LNG toàn cầu. Người đứng đầu ngành năng lượng Australia, quốc gia cung cấp một lượng lớn LNG cho thế giới, đã cảnh báo khả năng thiếu hụt nguồn cung LNG quốc gia vào năm tới và kiến nghị chính phủ xem xét hạn chế xuất khẩu.

Nga từng biến Trái Đất làm “con tin”, coi đó là chính sách trọng điểm để đối phó với các lệnh trừng phạt kinh tế từ EU, nhưng nếu các biện pháp kiềm chế sự nóng lên của Trái Đất bị trì hoãn thì chính Nga sẽ chịu thiệt hại nặng nề. Nhiệt độ tại quốc gia này đang ấm lên nhanh với tốc độ nhanh gấp đôi so với với khu vực Tây Âu và bất kỳ sự tan chảy của khối băng vĩnh cửu bao phủ 60% diện tích nước Nga sẽ tàn phá nhiều cơ sở hạ tầng của Nga./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục