Cuộc chiến giá xe điện lan sang Malaysia

06:30' - 21/04/2024
BNEWS Đối với Malaysia, tốc độ thay đổi nhanh chóng trên thị trường toàn cầu đã có tác động đáng kể đến lĩnh vực sản xuất ô tô của quốc gia Đông Nam Á này.

Theo nhà báo kiêm chuyên gia kinh tế Malaysia M Shanmugam, cạnh tranh giữa các nhà sản xuất xe động cơ đốt trong, xe điện và xe hybrid (xe lại giữa xe điện và xe chạy bằng xăng) đã diễn ra hơn một thập kỷ qua, và cho tới năm 2023 đã có sự chắc chắn về tiến trình dẫn đầu của công nghệ.

Các nhà sản xuất lớn chắc chắn rằng việc chuyển sang sử dụng pin xe điện sẽ diễn ra nhanh hơn dự kiến. Không ai nhìn thấy tương lai của những phương tiện sử dụng động cơ đốt trong lỗi thời vì giá xăng tăng và nhận thức ngày càng tăng về hiện tượng nóng lên toàn cầu. Các mẫu xe hybrid vốn là lựa chọn của Toyota đối với xe điện đã không có sức hấp dẫn đối với thị trường.

Báo cáo của Tesla Inc có trụ sở tại Mỹ và BYD Co Ltd của Trung Quốc đã cho thấy sự lạc quan về xe điện dựa trên mức tăng trưởng doanh số bùng nổ. Tuy nhiên, doanh số bán xe điện sụt giảm kể từ đầu năm 2024 đã đặt ra yêu cầu phải xem xét lại triển vọng của ngành ô tô. Một số quan điểm cho rằng doanh số bán xe điện đã đạt đỉnh và cuộc chiến về giá sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa đến doanh số bán xe động cơ đốt trong và các mẫu xe hybrid.

Câu chuyện tăng trưởng của Tesla cũng rất đáng chú ý. Hãng đã bán 367.656 xe năm 2019 và công ty ô tô giá trị nhất thế giới này giao 1.808.581 xe năm 2023, ghi nhận tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 37% trong 5 năm. Trong khi đó, sau khởi đầu chậm chạp, BYD cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng kể từ năm 2020. Nhà sản xuất xe điện hàng đầu Trung Quốc mà tỷ phú Warren Buffett là một trong số các cổ đông đã giao 1.574.822 xe năm 2023, một con số được xem là bước nhảy vọt so với 130.970 xe bán được năm 2020. CAGR của hãng trong hơn 4 năm qua là hơn 80%.

 

 
Tuy nhiên, doanh số bán xe Tesla và BYD đã giảm đáng kể trong quý I/2024, đặt ra vấn đề về tính bền vững trong tăng trưởng của xe điện. Tesla ghi nhận doanh số 386.810 xe, giảm 9% theo năm và 20% theo quý. BYD ghi nhận doanh số 300.114 xe, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2023, nhưng mức tăng trưởng này không đáng kể nếu so với mức tăng trưởng doanh số hàng tháng của BYD đạt 70-80% trong cả năm 2023. Hơn nữa, BYD đã ghi nhận mức tăng trưởng âm trong tháng 2/2024.

Không chỉ doanh số bán xe điện chậm lại mà cuộc chiến về giá cũng đang làm tổn hại đến lợi nhuận của các hãng ô tô này. Cả Tesla và BYD đều đưa ra các chương trình giảm giá, bắt đầu ở Trung Quốc khi các nhà sản xuất bắt đầu cung cấp xe điện rẻ hơn xe Tesla và BYD.

Đối với Malaysia, tốc độ thay đổi nhanh chóng trên thị trường toàn cầu đã có tác động đáng kể đến lĩnh vực sản xuất ô tô của quốc gia Đông Nam Á này. Bị ảnh hưởng đầu tiên là các nhà nhập khẩu song song của Malaysia, khi các mẫu Tesla nhập khẩu có giấy phép đã được phê duyệt không còn sức cạnh tranh về giá.

Sự gia nhập của Tesla năm 2023 mà không cần đến sự hợp tác của một công ty địa phương ở Malaysia đã làm thay đổi cuộc chơi trong phân khúc ô tô nhập khẩu có mức độ hạn chế cao của ngành công nghiệp ô tô Malaysia khi khiến xe điện có giá cả phải chăng.

Chính phủ Malaysia đã đưa ra các ưu đãi cho các nhà sản xuất xe điện như miễn thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt, miễn 100% thuế đường bộ và giảm thuế cá nhân khi mua phụ kiện liên quan đến xe điện. Những ưu đãi này sẽ được áp dụng cho đến cuối năm 2025.

Giá của Tesla vốn đã rẻ so với các mẫu xe khác, nhưng xe điện từ Trung Quốc thậm chí còn rẻ hơn. Hiện nay, không khó để tìm được một chiếc xe điện mới được bán với giá dưới 130.000 RM (27.118 USD). Ngoài mức giá chiết khấu, xe điện còn được bảo hành lên đến 8 năm cho các bộ phận chính như pin.

Cuộc chiến giá cả trong phân khúc xe điện cũng tác động đến doanh số xe không phải xe điện. Giá xe điện đang giảm nhiều đến mức ngay cả những người không quan tâm nhiều đến xe điện cũng đang nghĩ đến việc sở hữu một chiếc. Khách hàng cũng đang chờ xem liệu chính phủ có cho phép giá xe điện giảm xuống dưới 100.000 RM hay không.

Hiện tại, để bảo vệ các nhà sản xuất ô tô trong nước, các nhà nhập khẩu không được phép đưa ra mức giá dưới 100.000 RM. Hãng ô tô nội địa của Malaysia là Perodua đã tuyên bố có kế hoạch đưa ra phiên bản xe điện của riêng mình vào năm 2025, với mức giá có thể sẽ dưới 100.000 RM. Nếu các nhà sản xuất địa phương tham gia vào cuộc cạnh tranh, chính phủ có thể nới lỏng quyền quyết định giá xe điện.

Các khách hàng có thể trì hoãn quyết định mua một chiếc ô tô mới do cuộc chiến giá cả gay gắt ở phân khúc xe điện. Các đại lý ô tô cũng phải đối mặt với thuế hàng hóa giá trị cao (HVGT) sẽ được áp dụng trong năm 2024. Họ hy vọng rằng ngưỡng chịu HVGT sẽ trên 200.000 RM để không ảnh hưởng đến giá của các mẫu xe trên thị trường đại chúng.

Xe điện còn khá mới đối với Malaysia. Cách đây một năm, không dễ để tìm được một chiếc Tesla trên đường phố Malaysia nhưng ngày nay đây lại là điều thường thấy. Điều tương tự cũng diễn ra với xe điện của BYD và các mẫu xe tương tự khác từ Trung Quốc.

Cho đến nay, việc sử dụng xe điện ở Malaysia chưa thực sự hấp dẫn vì xăng rẻ và có những lo ngại về hệ sinh thái hỗ trợ xe điện. Tuy nhiên, không chắc chắn mức xăng dầu rẻ như vậy sẽ tiếp tục trong bao lâu so với các nước khác trong khu vực. Đối với hệ sinh thái xe điện, số lượng trạm sạc đang tăng lên và đã xuất hiện các trạm xăng dọc đường cao tốc Bắc Nam có trạm sạc.

Ông M Shanmugam nhận định rằng thị trường xe điện ở Malaysia sẽ chỉ theo chiều hướng phát triển hơn vì cuộc chiến giá cả sẽ tiếp tục và giá sẽ ngày càng rẻ hơn. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu xe điện có chiếm mất thị phần của xe động cơ đốt trong và các mẫu xe hybrid hay không.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục