Thách thức trên con đường phục hồi kinh tế Nhật Bản

06:38' - 23/04/2024
BNEWS So với các nước khác, kinh tế Nhật Bản không thể nói là đang phát triển tốt. Nhật Bản, từng là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã bị Trung Quốc và gần đây là Đức vượt qua.
Trụ sở Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) tại thủ đô Tokyo. Ảnh: AFP/ TTXVN

Theo Nikkei, tại Nhật Bản, những dữ liệu kinh tế trái ngược nhau lần lượt được đưa ra đang gây hoang mang dư luận. Trong đó, có nhiều tin tốt về mặt kinh tế vĩ mô như thị trường chứng khoán Nhật Bản đã đạt được những đỉnh cao mới, giảm phát đã chấm dứt, tiền lương tăng lên, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) cuối cùng đã bắt đầu tăng lãi suất và tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp.

Tuy nhiên, so với các nước khác, kinh tế Nhật Bản không thể nói là đang phát triển tốt. Nhật Bản, từng là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã bị Trung Quốc và gần đây là Đức vượt qua. Điều này mà một cú sốc khi dân số Nhật Bản gấp khoảng 1,5 lần dân số Đức.

Bài viết này diễn giải số liệu cho thấy kinh tế Nhật Bản đang hoạt động tốt như thế nào và đồng thời đang tụt hậu ra sao? Để giải quyết câu hỏi này, trước tiên phải xem xét ý nghĩa của việc kinh tế Nhật Bản đang hoạt động tốt.

Đầu tiên là về thị trường chứng khoán gần đây. Diễn biến của chỉ số trung bình Nikkei là rất đáng khích lệ so với mức giảm mạnh xảy ra sau khi nền kinh tế bong bóng sụp đổ, nhưng xét theo tiêu chuẩn quốc tế thì không thể nói là nổi bật. Trong 10 năm kể từ tháng 3/2014, chỉ số Nikkei trung bình đã tăng 2,8 lần và trong cùng thời gian đó, chỉ số chứng khoán S&P 500 của Mỹ cũng tăng 2,8 lần. Do đó, tỷ lệ lợi nhuận tính bằng đồng yen đối với những người đầu tư vào chứng khoán Nhật Bản và tỷ lệ lợi nhuận tính bằng đồng USD đối với những người đầu tư vào chứng khoán Mỹ là gần như nhau.

Tuy nhiên, trong cùng thời gian, đồng yen giảm so với đồng USD, từ mức 102 yen đổi lấy 1 USD xuống còn 151 yen/USD, vì vậy nếu các nhà đầu tư Nhật Bản mua S&P 500 thay vì mức trung bình của Nikkei, lợi nhuận của họ sẽ tăng khoảng 50%.

Câu hỏi thực sự đáng lo ngại trong 30 năm qua không phải là liệu Nhật Bản có thể duy trì tốc độ tăng trưởng tương đương với Mỹ hay không mà là tại sao Nhật Bản không thể đạt được tốc độ tăng trưởng cao hơn Mỹ. Suy cho cùng, chính nhờ một thế kỷ tăng trưởng kinh tế cao thần kỳ mà Nhật Bản mới có thể gia nhập hàng ngũ các nước có thu nhập cao.

Trong các giờ học ở trường đại học về kinh tế Nhật Bản, người ta luôn bắt đầu bằng việc chỉ ra một sự thật gây sốc. Thực tế là các quốc gia có Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người cao nhất vào năm 2022, ít nhất bằng 50% mức của Mỹ, thuộc 1 trong 4 nhóm sau: Nhóm nói tiếng Anh, nhóm các quốc gia gần gũi với Anh (tức là châu Âu), nhóm các quốc gia sản xuất dầu mỏ, và Nhật Bản và các thuộc địa cũ của nước này.

Trường hợp của Anh, nước đã đi trước phần còn lại của thế giới trong cuộc Cách mạng Công nghiệp nên thật dễ hiểu khi công nghệ lần đầu tiên lan rộng sang các nước nói tiếng Anh và các nước gần gũi với Anh. Cũng dễ hiểu hơn là nền kinh tế của một quốc gia sản xuất dầu mỏ như Qatar đã phát triển hơn so với các nước đang phát triển khác. Tuy nhiên, không có lý do rõ ràng tại sao Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc có thể gia nhập hàng ngũ các nền kinh tế có thu nhập cao.

Có ý kiến cho rằng chìa khóa tạo ra tăng trưởng kỳ diệu của Nhật Bản nằm ở một loạt chính sách cho phép nước này làm được điều mà các nước ngoài phương Tây khác không thể: Tiếp thu công nghệ phương Tây. Có hai nguyên nhân quan trọng khiến Nhật Bản tăng trưởng thấp sau sự bùng nổ của nền kinh tế bong bóng. Đầu tiên là nhân khẩu học.

Do tỷ lệ sinh thấp của Nhật Bản, cả dân số và lực lượng lao động của nước này đều đang bị thu hẹp và kết quả là quy mô tương đối của nền kinh tế cũng bị thu hẹp. Tốc độ tăng trưởng GDP trung bình hàng năm (tương đương sức mua thực tế) từ năm 1990-2019 là 0,9% ở Nhật Bản, 1,5% ở Đức và 2,5% ở Mỹ. Nhưng phần lớn sự khác biệt này có thể được giải thích bằng tỷ lệ tăng trưởng dân số cao hơn ở Mỹ và Đức. Nhìn vào tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người trung bình hàng năm, tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm của Nhật Bản là 1%, trong khi Đức và Mỹ là khoảng 1,5%.

Hơn nữa, những con số này không phản ánh đầy đủ thực tế về xã hội già hóa của Nhật Bản. Điều này là do có nhiều người đã quá tuổi để được tính vào lực lượng lao động. Nhìn vào tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm của mỗi người trong độ tuổi lao động (15-64 tuổi), ở Nhật Bản là 1,4% và ở Đức và Mỹ là 1,6%. Nói cách khác, phần lớn tốc độ tăng trưởng GDP tương đối chậm chạp của Nhật Bản trong suốt “30 năm mất mát” là do thực tế: Trong khi lực lượng lao động của các nước có thu nhập cao khác tăng lên thì lực lượng lao động của Nhật Bản lại giảm.

Nếu so sánh thì tăng trưởng năng suất đóng vai trò quyết định trong kinh tế Đức. Năng suất nhân tố tổng hợp (TFP), được sử dụng như một chỉ số về năng suất trong kinh tế học, đo lường mức độ tăng trưởng trong sản xuất mà nền kinh tế tạo ra do đầu vào là vốn và lao động (sau này được điều chỉnh bởi thành phần kỹ năng của lực lượng lao động).

Sau đây là kết quả khi so sánh năng suất lao động của Nhật Bản và Đức nếu lấy Mỹ làm tiêu chuẩn. Năm 1954, năng suất của Nhật Bản chỉ bằng 42% so với Mỹ và năng suất của Đức chỉ bằng 49%. Trong 35 năm tiếp theo, năng suất của Nhật Bản và Đức tăng với tốc độ gần như nhau và vào năm 1989, Nhật Bản đã đạt 74% trong khi Đức là 81% so với Mỹ. Tuy nhiên, ngay sau đó, bong bóng kinh tế vỡ và năng suất của Nhật Bản tương đối trì trệ, trong khi năng suất của Đức tiếp tục tăng và gần ngang bằng với Mỹ.

Đây là nguyên nhân thứ hai khiến Nhật Bản tăng trưởng chậm trong 30 năm qua. Mặc dù năng suất và GDP bình quân đầu người trong độ tuổi lao động của Nhật Bản đã tăng với tốc độ gần bằng Mỹ kể từ năm 1990, nhưng năng suất của Nhật Bản sẽ phải tăng với tốc độ nhanh hơn Mỹ để có thể bắt kịp Mỹ. Vấn đề của Nhật Bản trong 30 năm qua không phải là nước này không thể theo kịp Mỹ mà là tốc độ tăng trưởng của Nhật Bản không thể nhanh hơn Mỹ. Đức có thể vượt qua Nhật Bản vì nước này tiếp tục học hỏi từ Mỹ và tạo ra nhiều đổi mới hơn.

Sự khác biệt này không thể được quy cho sự khác biệt về văn hóa. Nếu bạn nhìn vào mô hình từ năm 1870 đến năm 1990, Nhật Bản đã nhanh chóng tiếp cận Mỹ. Sau đó có điều gì đó quan trọng đã thay đổi ở Nhật Bản. Có ba lý do khiến nền kinh tế Nhật Bản trì trệ.

Thứ nhất, các công ty Nhật Bản không thể sử dụng phụ nữ một cách hiệu quả. Một nền kinh tế trong đó gần 50% lực lượng lao động không thể nắm giữ những vị trí quan trọng là nền kinh tế kém hiệu quả.

Thứ hai, nền văn hóa nuôi dưỡng tinh thần khởi nghiệp phát triển mạnh mẽ trong thời Minh Trị và Showa đang bị đặt dưới áp lực. Trước đây, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đều tăng trưởng hoặc phá sản. Ngược lại, ngày nay, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản được hưởng nhiều trợ cấp hơn bất kỳ thành viên nào khác của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Nói cách khác, một tỷ lệ lớn lực lượng lao động làm việc trong các doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả và không thể tồn tại nếu không có trợ cấp. Khi doanh nghiệp thất bại, người lao động và doanh nhân có động lực mạnh mẽ để bắt đầu một điều gì đó mới mẻ, nhưng các khoản trợ cấp có thể cản trở động lực đó.

Thứ ba, do thiếu nguồn tài chính nên số lượng các trường đại học đạt chuẩn quốc tế còn thua xa Mỹ và các nước lớn ở châu Âu, trong khi Nhật Bản tụt xa về giáo dục chuyên ngành tiên tiến.

Trước đây, công nghiệp hóa trong thời Minh Trị được thúc đẩy thông qua các khoản trợ cấp để khuyến khích đi học, tuyển dụng lao động nữ trong các nhà máy và chấm dứt trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước. Nhật Bản đã giải quyết được vấn đề này trước đây, vì vậy Nhật Bản hoàn toàn có khả năng giải quyết một lần nữa.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục