Xung quanh hội chợ vũ khí lớn nhất thế giới tại London

07:05' - 27/09/2017
BNEWS Tại trung tâm hội chợ ExCel ở thủ đô London, từ ngày 12-16/9 đã diễn ra hội chợ vũ khí lớn nhất thế giới, với hơn 1.600 gian hàng trưng bày của 54 quốc gia.
Chính phủ Anh kỳ vọng nhiều vào ngành công nghiệp vũ khí sau Brexit. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ trưởng Quốc phòng Anh trong phiên khai mạc hội chợ đã kỳ vọng nhiều vào ngành công nghiệp vũ khí của Anh sau sự kiện nước này đang trong quá trình đàm phán rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit).

Theo RFI, đây là phiên hội chợ được bảo vệ an ninh có thể nói là chặt chẽ nhất trên thế giới, phóng viên cũng phải đăng ký từ trước rất lâu để ban tổ chức kiểm tra lý lịch và xét tên trong danh sách đặc biệt của cơ quan an ninh.

Ngoài việc các đối tượng khủng bố hay các băng nhóm tội phạm có thể trộm cướp vũ khí, London là nơi tập trung rất nhiều tổ chức ủng hộ hòa bình một cách cực đoan bằng những hành động phá hoại mà một số phiên hội chợ vũ khí đã không thể diễn ra vào phút chót, tốn kém rất lớn cho ban tổ chức.
Lần này cũng không phải là ngoại lệ khi hàng trăm người kéo đến chặn đường để các công ty không thể đem thiết bị vào lắp đặt gian hàng và giới thiệu các loại vũ khí mới.
Không chỉ có các nhóm hành động, mà nhiều tổ chức từ thiện ôn hòa cũng rầm rộ lên tiếng phản đối, như quỹ Oxfam, lên tiếng phản đối việc bán vũ khí tràn lan cho các nước đang khủng hoảng nhân quyền, đưa câu chuyện ra thành nghị trình bàn cãi của quốc hội.
Sự việc này cho thấy Anh bị dư luận chỉ trích về việc kinh doanh vũ khí bất chấp tình hình nhân quyền và mục đích sử dụng vũ khí. Nói một cách chính xác thì Anh không có nhiều cơ sở sản xuất vũ khí nhưng lại là nơi môi giới mua bán vũ khí lợi hại nhất, nên người ta mới tập trung vào ngăn cản phiên hội chợ này, để các bên mua và bán không gặp được nhau và bàn thảo điều kiện hợp đồng.
Ngoài ra, Anh nổi tiếng với các nhóm bảo vệ hòa bình bằng cách chống vũ khí, như một chiến dịch gần đây có tên gọi là CAAT (Campaign Against Arms Trade) còn đưa Chính phủ Anh ra tòa để ngăn hợp đồng bán vũ khí cho Saudi Arabia vì họ cho rằng số vũ khí đó bị tuồn sang Yemen để sát hại thường dân.
Tờ Independent tổng hợp rằng 2/3 số vũ khí của Anh được xuất sang các nước Trung Đông, và hiện nước Anh đứng thứ 2 trên thế giới trong danh sách xuất khẩu vũ khí. Chính phủ Anh giao vũ khí cho 22 nước trong số 30 quốc gia mà chính nước Anh nêu tên để theo dõi về nhân quyền.

Ngày 26/6, Anh hạ thủy tàu sân bay lớn nhất trong lịch sử. Ảnh: EPA/TTXVN

Trước áp lực dư luận phản đối, Chính phủ Anh vẫn kỳ vọng vào ngành công nghiệp và xuất khẩu vũ khí, coi đây là lối thoát cho nền kinh tế Anh hậu Brexit.

Giữa tháng 8/2017 khi hàng chục nghìn người hiếu kỳ đổ về cảng Portmouth để xem chiếc hàng không mẫu hạm trị giá 3 tỷ bảng Anh cập bến, Bộ trưởng Ngoại giao Anh Boris Johnson đã từng tuyên bố sẽ đưa Hải quân Anh sang các vùng nóng như Biển Đông để bảo đảm trật tự hàng hải quốc tế.
Trong phiên khai mạc hội chợ vũ khí DSEI 2017 (Defense and Security Equipment International), Anh hứa hẹn sẽ sải cánh bay khắp thế giới, khi mà tranh chấp và xung đột gia tăng trên thế giới khiến nhu cầu hiện đã vượt trần của các nhà cung cấp, đặc biệt là khả năng của Anh trong ngành đóng tàu chiến, máy bay tuần tra trên biển, và máy bay tiêm kích F-35.
Trị giá các hợp đồng vũ khí trong năm 2016 của Anh là 5,6 tỷ bảng và ngân sách quốc phòng của Anh sẽ tăng lên thành 37 tỷ bảng trong năm 2018 để mua nhiều loại khí tài hiện đại. Bộ trưởng Ngoại thương Anh nói rằng thà bán vũ khí một cách hợp pháp cho các nước để kiểm soát còn hơn là để họ mua trái phép và làm giàu cho các nước xuất khẩu vũ khí một cách bất chính.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục