Xung quanh thương vụ mua bán vũ khí giữa Mỹ và Saudi Arabia

05:30' - 13/06/2017
BNEWS Kho vũ khí của Saudi Arabia sẽ trở nên "khổng lồ, phong phú và đa dạng" sau khi nước này ký với Mỹ hợp đồng mua vũ khí trị giá 110 tỷ USD.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Quốc vương Salman Bin Abdul Aziz (phải) tại lễ ký các thỏa thuận hợp tác song phương. EPA/TTXVN

Chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump kể từ khi nhậm chức đã gặt hái thành công ở nhiều khía cạnh. Một trong số đó là lĩnh vực kinh tế khi Mỹ đạt được với Saudi Arabia hợp đồng trị giá 380 tỷ USD (có thời hạn 10 năm), trong đó 110 tỷ USD mua bán vũ khí và có hiệu lực ngay.

Nhật báo L’Expression của Algeria mới đây có bài bình luận với tựa đề: “Riyadh kích nổ thị trường vũ khí”, trong đó nhấn mạnh rằng kho vũ khí của Saudi Arabia sẽ trở nên "khổng lồ, phong phú và đa dạng" sau khi nước này ký với Mỹ hợp đồng mua vũ khí trị giá 110 tỷ USD.

Tiền lệ duy nhất của dạng hợp đồng mua bán vũ khí khổng lồ như vậy được Saudi Arabia "đánh dấu" là vào năm 2010 với giá trị lên tới 90 tỷ USD (60 tỷ USD cho máy bay phản lực, trực thăng và vũ khí thuộc tất cả các thể loại; 30 tỷ USD còn lại là các tùy chọn để nâng cấp hải quân).

Đúng theo lẽ thường, nhà cung cấp là chính quyền đảng Dân chủ của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama. Thực tế cho thấy dù là đảng Cộng hoà hay đảng Dân chủ ở Mỹ thì họ cũng đều tìm thấy điểm chung trong việc “làm nhẹ bớt” ngân khố của Quốc vương Wahhabi.

Là nhà lãnh đạo trên thị trường dầu thế giới, Saudi Arabia thường xuyên khởi xướng việc hạ giá dầu thô trên thị trường. Nước này bị cho là sử dụng chính sách dầu mỏ như một thứ "vũ khí chính trị và chiến lược" để đạt được các mục tiêu của mình, đặc biệt là thông qua giá dầu.

Dù vậy, trong khi thị trường dầu thô đã thay đổi, Riyadh dường như vẫn luôn vận dụng cách thức lỗi thời. Saudi Arabia thậm chí còn không nhận ra rằng họ đã đánh mất lợi thế khi đối mặt với các nhà sản xuất mới và đơn độc đương đầu với công nghệ nứt vỡ thủy lực vốn có chi phí khai thác thấp hơn, không đòi hỏi đầu tư lớn và đặc biệt là mang lại lợi nhuận tức thời.

Sự sụt giảm mạnh của giá dầu (tới 55% giá trị trong năm 2015) đã gây tác động mạnh đến ngân sách của Saudi Arabia. Trong năm 2015, các chuyên gia dự báo rằng Riyadh sẽ phải đối mặt với khó khăn lớn trong khoảng hai năm và sẽ rơi vào một cuộc khủng hoảng kéo dài 5 năm.

Câu hỏi đặt ra là bằng cách nào Riyadh có thể thanh toán được hợp đồng trị giá 380 tỷ USD vừa ký kết với ông Donald Trump vào ngày 20/5 vừa qua? Các chuyên gia quốc tế đã đặt ra câu hỏi: Saudi Arabia lấy đâu ra số tiền cần thiết để trang trải cho thương vụ khổng lồ này. Và trên hết, Saudi Arabia sẽ làm gì với tất cả số vũ khí đó?

Theo một báo cáo của Quốc hội Mỹ công bố tháng 12/2016, giai đoạn 2008-2015 Chính quyền Obama đã bán được 200 tỷ USD vũ khí cho nước ngoài, riêng cho Saudi Arabia là 115 tỷ USD (bao gồm cả cung cấp thiết bị và đào tạo nhân lực). Tuy nhiên, khoản tiền 115 tỷ USD mua vũ khí đó vẫn là quá khiêm tốn so với 380 tỷ USD mà ông Donald Trump vừa ký kết.

Theo bài viết, khoản tiền nhiều tỷ USD kể trên chính là cái giá mà Riyadh phải trả để Washington bảo vệ cho ngai vàng của Al-Saoud. Trên phương diện quân sự, quân đội Saudi Arabia mặc dù được trang bị đầy đủ nhưng đã hoàn toàn bất lực tại Yemen, nơi lực lượng Houthie đang chờ đón họ trong suốt 2 năm qua.

Vẫn còn một câu hỏi khác là: Saudi Arabia sẽ làm gì với số vũ khí trị giá trên 300 tỷ USD nói trên? Để kiềm chế lực lượng Houthie hay duy trì khoảng cách với Iran? Trong thực tế, dư luận có thể bị lạc lối trong những suy đoán về việc Saudi Arabia tính toán sử dụng số vũ khí này.

>>> Nga và Saudi Arabia kêu gọi OPEC gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mỏ

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục