Xuống giống lúa Hè Thu không theo lịch thời vụ, hại nhiều hơn lợi

06:51' - 01/03/2017
BNEWS Giá lúa ở ĐB sông Cửu Long đang ở mức cao nên nhiều nông dân ở TP Cần Thơ sau khi thu hoạch vụ Đông Xuân đã lập tức đốt đồng, làm đất để xuống giống vụ Hè Thu, bất chấp khuyến cáo của ngành chức năng.
Xuống giống lúa Hè Thu không theo lịch thời vụ, hại nhiều hơn lợi. Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN

Ngành chức năng khuyến cáo là phải đảm bảo thời gian cách nhau giữa hai vụ ít nhất 3 tuần. Theo ngành nông nghiệp Tp. Cần Thơ, việc làm này hại nhiều hơn lợi.

Theo lịch thời vụ mà Sở Nông nghiệp Tp. Cần Thơ gửi các địa phương, vụ Hè Thu 2016 – 2017 được xuống giống làm hai đợt. Đợt 1 từ ngày 26 - 31/3/2017. Đợt 2 từ ngày 12 – 18/4/2017.

Theo lịch này, các địa phương tùy điều kiện thực tế mà xây dựng lịch thời vụ và tổ chức xuống giống tập trung, đồng loạt trên từng khu vực cho phù hợp. Ngoài ra, trên những chân ruộng chủ động được nước, có thể xuống giống theo từng khu vực đê bao dưới sự chỉ đạo của ngành nông nghiệp.

Theo bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tp. Cần Thơ, các quận, huyện cần bố trí mùa vụ trên cơ sở khung thời vụ của thành phố kết hợp với biện pháp “Xuống giống né rầy, đồng loạt, tập trung cho từng vùng, từng cánh đồng, lưu ý tình hình hạn đầu vụ”; không xuống giống kéo dài, trên cùng một cánh đồng không để có nhiều trà lúa đan xen.

Bên cạnh đó, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến rầy thành trùng di trú, thực hiện tốt biện pháp dùng nước che chắn cây lúa dưới 20 ngày tuổi để hạn chế khả năng đẻ trừng và truyển bệnh của rầy nâu.

Hướng dẫn của ngành nông nghiệp đã có, nhưng thực tế, tại nhiều địa phương ở Tp. Cần Thơ, nông dân vừa gặt vụ Đông Xuân hôm trước thì hôm sau đã tranh thủ đốt đồng, làm đất để xuống giống tiếp.

Ông Trần Văn Út (khu vực Thới Hòa B, phường Long Hưng, quận Ô Môn) cho biết, vừa cắt xong lúa Đông Xuân là ông xuống giống Hè Thu ngay. Trong khi những ruộng xung quanh lúa vẫn đang gặt thì ruộng của ông Út lúa đã gần 20 ngày tuổi.

Vụ Đông Xuân, 5 công ruộng của ông chỉ thu hoạch được hơn 900 kg/công, giảm gần 300 kg so với vụ 2015 – 2016. Sau khi trừ chi phí thì chỉ còn lời hơn 1 triệu đồng/công. Trong khi đó, giá lúa đang ở mức cao. Giống IR50404 mà ông làm đang có giá 4.700 đồng/kg, cao hơn cùng kỳ 500 đồng và thương lái thu mua nhiều, dễ bán nên ông liền “tranh thủ” xuống giống, hy vọng gỡ gạc lại ở vụ Hè Thu.

Không chỉ ở quận Ô Môn mà các quận, huyện khác của Cần Thơ như Thốt Nốt, Cờ Đỏ, Bình Thủy… hầu như nông dân đều xuống giống lúa Hè Thu mà không quan tâm đến lịch thời vụ cũng như khuyến cáo của ngành chức năng.

Ông Đặng Văn Ba (phường Long Hòa, quận Bình Thủy) cho biết, từ trước đến nay, ông đều làm như vậy. Cứ gặt xong là làm đất ngay để xuống giống vụ kế tiếp. Hiện, trên 3 công ruộng của ông Ba lúa đã lên được khoảng một gang tay.

Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó trưởng Phòng cây lương thực và cây thực phẩm, Cục Trồng trọt, việc nông dân xuống giống vụ Hè Thu ngay khi vừa gặt xong vụ Đông Xuân rất dễ gây ảnh hưởng đến cây lúa. Từ nhiều năm qua, Cục Trồng trọt liên tục có những khuyến cáo nông dân sau khi thu hoạch lúa Đông Xuân cần phải làm đất, cày ải và phơi ruộng để chuẩn bị cho vụ Hè Thu.

Việc sản xuất lúa mà không cày đất qua nhiều năm thì năng suất sẽ không cao. “Cơ hội cày đất chỉ có giữa vụ Đông Xuân sang Hè Thu. Còn Hè Thu sang Thu Đông và Thu Đông sang Đông Xuân thì do ngập lũ nên không cày được”, ông Tùng khuyến cáo.

Bên cạnh đó, thời gian cách giữa hai vụ tối thiểu phải là 21 ngày. Đó là thời gian tối thiểu cần thiết để rơm rạ có thể phân hủy hết, tránh cho cây lúa bị ngộ độc hữu cơ ở vụ sau và cây lúa cũng có thể phát triển tốt hơn.

Đồng thời, việc giãn cách vụ từ 3 - 4 tuần thì sẽ cắt được vòng đời của các sinh vật gây hại, không thể lây lan từ vụ này sang vụ khác trên cùng cánh đồng. Nhờ đó, nông dân có thể chủ động hơn trong việc phòng trừ dịch hại.

Cũng theo ông Lê Thanh Tùng, có thể nông dân thấy giá lúa đầu vụ đang ổn nên muốn nhanh chóng làm vụ tiếp theo để bán được giá cao. Tuy nhiên, những biến động của thị trường thì không thể lường trước được.

Bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Tp. Cần Thơ khuyến cáo, để có thể đảm bảo năng suất cho vụ Hè Thu sắp tới thì bà con nông dân nên tham khảo lịch thời vụ của địa phương. Trước khi xuống giống, nông dân cần làm đất kỹ bằng các biện pháp cày ải, phơi đất.

Ngoài ra, cần chọn các giống xác nhận để đảm bảo tỉ lệ nảy mầm. Tỷ lệ giống sử dụng nên ở mức 80 - 100 kg/ha; có thể sử dụng biện pháp sạ hàng, cấy máy để giảm thêm giống, chỉ ở mức 50 kg/ha...

Vụ Hè Thu 2017, Tp. Cần Thơ dự kiến xuống giống gần 78.000 ha. Đến thời điểm hiện tại, nông dân đã xuống giống được trên 14.000 ha, đạt 18% so với kế hoạch, nhanh hơn gần 8.000 ha so với cùng kỳ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục