Yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp cạnh tranh

11:18' - 29/10/2018
BNEWS Không ít doanh nghiệp có quan niệm, việc xây dựng thương hiệu là tốn kém, lãng phí và chỉ phù hợp với những doanh nghiệp lớn.
Thương hiệu trong chiến lược phát triển doanh nghiệp. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN
Ngày 29/10, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Hội Sở hữu trí tuệ (VIPA) tổ chức hội thảo Thương hiệu trong chiến lược phát triển doanh nghiệp.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI, việc xây dựng thương hiệu là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp cạnh tranh sòng phẳng hơn với các doanh nghiệp cả trong và ngoài nước. Đây không chỉ là tấm giấy thông hành giúp doanh nghiệp trong hoạt động xuất khẩu mà còn làm nên danh tiếng, thương hiệu của cả một quốc gia.

Tuy nhiên, ông Phòng cho hay, đến nay, phát triển thương hiệu vẫn là điểm yếu của các doanh nghiệp. Chỉ có một số doanh nghiệp xây dựng được thương hiệu như Vinamilk, Bảo Việt, Viettel, Vingroup... Còn lại phần lớn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa đủ sức xây dựng được thương hiệu cho riêng mình.

Theo VCCI, trên thực tế, doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn chưa quan tâm đến vấn đề này, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Không ít doanh nghiệp có quan niệm, việc xây dựng thương hiệu là tốn kém, lãng phí và chỉ phù hợp với những doanh nghiệp lớn.

Chính vì tư duy đó mà nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa bị lép vế, yếu thế, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt. Điều này dẫn việc nhiều khách hàng đã quay lại với các sản phẩm trong nước, quan tâm đến các sản phẩm có thương hiệu nước ngoài cho dù sản phẩm không khác nhau nhiều về chất lượng, hình thức...

Theo khảo sát của Bộ Công Thương, người nước ngoài biết đến thương hiệu Việt và sự ấn tượng về hình ảnh biểu trưng cho sản phẩm hàng hóa Việt Nam còn mờ nhạt. Nguyên nhân chính là do chỉ có 20% doanh nghiệp đầu tư xây dựng thương hiệu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chỉ chú trọng đăng ký tại thị trường trong nước chứ chưa đăng ký tại thị trường nước ngoài.

Theo ông Hoàng Quang Phòng, đã có nhiều trường hợp, sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam rất nổi tiếng và được ưa chuộng trên thế giới như cà phê Trung Nguyên, mít sấy Vinamit, giày dép Bitis... do chưa chú ý đăng ký nhãn hiệu nên đã bị chiếm đoạt thương hiệu tại một số thị trường nước ngoài. Điều này gây tổn thất lớn trong việc mở rộng thị trường và cạnh tranh với hàng ngoại nhập.

Thương hiệu vẫn còn là điểm yếu của các doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN
“Trong lĩnh vực xuất khẩu, yếu tố thương hiệu đóng vai trò quan trọng cũng như tăng ưu thế cạnh tranh cho doanh nghiệp tại thị trường nước ngoài. Nhưng thực trạng là nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện nay có hàng xuất khẩu đã phải chịu thiệt do không hiểu biết pháp luật, không có ý thức về xây dựng và bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp mình”, ông Phòng nói.

Đơn cử như lĩnh vực xuất khẩu nông sản. Mặc dù Việt Nam luôn đứng trong top đầu thế giới về xuất khẩu gạo, cà phê, hồ tiêu... nhưng nông sản mang thương hiệu Việt Nam trên thị trường thế giới rất khiêm tốn. Thương hiệu nông sản mang tên doanh nghiệp Việt Nam rất ít được biết đến mặc dù chất lượng các mặt hàng nông sản xuất khẩu được thị trường nhiều nước ưa chuộng.

Theo bà Nguyễn Như Quỳnh, Phó Chánh thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa thấy hết được giá trị của thương hiệu, chưa nhận biết đầy đủ về phát triển thương hiệu, chưa biết chính xác thương hiệu mình sở hữu để đưa vào khai thác kinh doanh hợp lý.

“Trong quá trình quản lý, tôi cho rằng, nếu doanh nghiệp không nhận thức được vai trò của thương hiệu, sức mạnh của thương hiệu trong phát triển, thì doanh nghiệp đó sẽ đánh mất cơ hội phát triển trên trường quốc tế”, bà Quỳnh nhấn mạnh.

Nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng, thương hiệu của một doanh nghiệp, xét cho cùng phụ thuộc vào người đứng đầu của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp có chiến lược phát triển, thương hiệu mạnh, nhưng đôi khi, việc thực thi và phát triển thương hiệu chưa đúng.

Ông Nguyễn Đức Sơn, Giám đốc Công ty Richard Moore Associates cho rằng, việc xây dựng thương hiệu và chất lượng sản phẩm, dịch vụ phải song hành với nhau. Xây dựng thương hiệu phải đến từ việc mang lại chất lượng hoàn hảo nhất cho khách hàng. Ngược lại, có sản phẩm tốt mà không biết làm thương hiệu thì cũng sẽ không thể chiến thắng được trên thương trường.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục