Yêu cầu sớm xử lý ngấm nước cầu và hầm cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi

15:17' - 23/10/2018
BNEWS Ngày 23/10, Sở Giao thông và Vận tải Quảng Ngãi cùng với Ban Quản lý đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, một số đơn vị giám sát, nhà thầu đi kiểm tra thực địa một số điểm đường cao tốc này.

Đoàn đã đi kiểm tra thực địa tại 2 vị trí cầu VD09B (Km107+829) và hầm chui dân sinh (Km106+730) của đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi.

Tại cầu VD09B (Km107+829), đoàn kiểm tra đã ghi nhận một số điểm bị thấm nước; chỗ kết nối giữa ống nước với mặt đường được thi công khá cẩu thả, không đảm bảo kín, khít. Dưới chân cầu, đơn vị thi công không dọn mặt bằng sạch mà để lại đất đá, bùn… gây ảnh hưởng đến mỹ quan và ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân sống trong khu vực.

Ông Nguyễn Vũ, xã Bình Trung, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi bức xúc cho biết, hơn 1 tháng rồi nhưng tại điểm ghép giữa 2 gầm cầu nước vẫn cứ chảy xuống đường của dân sinh. Hệ thống thoát nước của đường cao tốc được bố trí đổ thẳng xuống ruộng, đất của dân nên ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân sống ở gần đường cao tốc.

Ông Vũ đề nghị, cơ quan chức năng phải khắc phục, làm việc này cho sáng tỏ vì đây là lợi ích của nhân dân, của nhà nước chứ không phải của riêng ai.

Các phương tiện lưu thông trên cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi. Ảnh: TTXVN

Liên quan đến vấn đề thấm nước từ mặt đường xuống dưới gầm cầu, theo ông Nguyễn Tiến Thành, Giám đốc Ban quản lý Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, sau khi tổ chức kiểm tra hiện trường, đoàn kiểm tra nhận thấy một số chi tiết chưa được nhà thầu thi công hoàn thành.

Do vậy, đơn vị yêu cầu nhà thầu Giang Tô (Trung Quốc) cần khẩn trương khắc phục để tránh tình trạng gây ra bức xúc cho người dân cũng như về lâu về dài có thể ảnh hưởng đến mỹ quan, chất lượng công trình.

Trong thông cáo báo chí của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) nêu rõ, việc thấm nước và đọng nước dưới chân cầu VD09B (Km107+829), nguyên nhân là do hệ thống thoát nước mặt cầu chưa hoàn thiện xong; tại một số vị trí phễu thu nước và ống nhựa dẫn nước tuy đã được lắp đặt nhưng chưa đảm bảo kín khít vì vậy có hiện tượng chảy lan không tập trung từ mặt cầu xuống.

Hơn nữa, khi nước mặt cầu thoát xuống dưới gầm cầu, nhà thầu chưa thi công rãnh dẫn nước về cống tròn gần đó, dẫn đến nước mưa chảy lênh láng dưới gầm cầu, gây ảnh hưởng tới việc đi lại của người dân địa phương. Việc thanh thải lòng cầu, Tư vấn giám sát đã hướng dẫn Nhà thầu thực hiện, tuy nhiên tới thời điểm hiện tại Nhà thầu vẫn chưa hoàn thành.

Ông Nguyễn Tiến Thành cũng khẳng định, một số hạng mục, gói thầu việc sửa chữa các hư hỏng phát sinh trong giai đoạn bảo hành thì cũng triển khai chậm trễ thì hiện nay Ban quản lý Dự án cũng đã đề xuất với Chủ đầu tư VEC khẩn trương có cơ chế chỉ định một đơn vị chuyên trách sửa chữa các hạng mục hư hỏng phát sinh mang tính chất nhỏ lẻ, khẩn cấp và có cơ chế về việc khấu trừ chi phí sửa chữa này vào tiền bảo hành, giữ lại của đơn vị nhà thầu.

Còn tại hầm chui dân sinh (Km106+730), qua kiểm tra cho thấy nguyên nhân là do băng cản nước được bố trí giữa 02 thân đốt hầm trong quá trình thi công bị xô lệch, gây nên hiện tượng rò rỉ nước từ đỉnh hầm chui. Về việc này, tư vấn giám sát đã có văn bản yêu cầu nhà thầu thực hiện sửa chữa vào ngày 10/10/2018 và nhắc lại bằng văn bản ngày 21/10/2018.

Tuy nhiên nhà thầu chậm khắc phục những tồn tại này, gây bức xúc cho người dân địa phương và tạo dư luận không tốt cho dự án. Ban Quản lý dự án và Tư vấn giám sát yêu cầu nhà thầu phải tập trung xử lý hoàn thiện ngay.

Ngoài ra, tại buổi kiểm tra tại hiện trường, đoàn kiểm tra còn ghi nhận nhiều ý kiến của người dân cho rằng, việc thiết kế các hầm chui có chiều cao hiện tại là 3m là quá thấp, gây bất tiện cho người tham gia giao thông, đường cao tốc đưa vào sử dụng nhưng còn nhiều đoạn chưa làm xong hệ thống hàng rào, gây nguy hiểm cho người lưu thông trên đường cao tốc.

Đặc biệt, tại hầm chui dân sinh (Km106+730), nhiều người dân sống tại đây phản ánh mặt đường dưới hầm chui quá thấp nên cứ mỗi lần trời mưa nước ngập cục bộ (ngập khoảng 0,5m), gây khó khăn cho người đi lại, nhất là hàng trăm học sinh phải đi qua đoạn hầm chui này.

Gói thầu A3 (99+500 – Km110+100), thuộc đoạn tuyến hợp phần WB tài trợ, do Nhà thầu Công ty TNHH Tập đoàn Công trình giao thông tỉnh Giang Tô thi công, có chiều dài 10,6km, đi qua huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi đưa vào khai thác không chỉ góp phần hoàn thiện tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam mà quan trọng hơn là đánh thức tiềm năng, thúc đẩy liên kết giao thương và phát triển kinh tế-xã hội, góp phần chuyển dịch kinh tế và cải thiện đời sống người dân khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Đặc biệt, tuyến cao tốc này khi đưa vào khai thác sẽ góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, đảm bảo giao thông thuận lợi, ổn định và liên tục bền vững trong mọi tình huống, đặc biệt trong mùa mưa bão sẽ cùng với Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đảm nhận nhiệm vụ quan trọng vận tải hàng hóa và hành khách cho khu vực và cả nước./.

Xem thêm:

>>Hội đồng nghiệm thu Nhà nước lên tiếng về hư hỏng trên cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi

>>Cao tốc Bắc-Nam đã được chuẩn bị đến đâu?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục