Yếu tố nào thúc đẩy nâng cao năng lực cạnh tranh?

15:41' - 09/11/2018
BNEWS Năng suất lao động là một trong những yếu tố cốt lõi quyết định năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nói riêng và cả nền kinh tế nói chung.
Năng suất lao động của Việt Nam có tăng song chủ yếu vẫn theo chiều rộng mà chưa theo chiều sâu. Ảnh: TTXVN

Đây là nhận định của các chuyên gia tại hội thảo “'Năng lực cạnh tranh của nền kinh tế: thực trạng, tiềm năng và thách thức" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Trường Đại học Kinh tế - Luật tổ chức tại Tp.Hồ Chí Minh, ngày 9/11.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, mục tiêu của Việt Nam đến năm 2020 là nằm trong nhóm 3 quốc gia có năng lực cạnh tranh hàng đầu trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên hiện nay, các chỉ số về năng lực cạnh tranh của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế.

Báo cáo của Ngân hàng thế giới năm 2018 cho thấy: Môi trường kinh doanh của Việt Nam có sự cải thiện về điểm số nhưng giảm một bậc so với năm 2017, xuống vị trí 69/190 nền kinh tế.

Còn theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2018 chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam dù tăng điểm (từ 57,9 lên 58,1 điểm) nhưng tụt tới 3 hạng từ 77/ 140 nền kinh tế.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, năng suất là cốt lõi của năng lực cạnh tranh nhưng năng lực cạnh tranh của Việt Nam vẫn đang chủ yếu dựa trên các yếu tố có sẵn, không tái tạo được và chưa có sự đổi mới sáng tạo.

Trong khi đó, các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung hiện nay không chỉ cạnh tranh về mặt giá cả, chất lượng sản phẩm mà còn cạnh tranh ở yếu tố phát triển bền vững như bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội...

Vì vậy, đã đến lúc Việt Nam cần xây dựng năng lực cạnh tranh bền vững thông qua việc nâng cao năng suất lao động quốc gia chứ không chỉ là năng lực cạnh tranh đơn thuần.

Cùng quan điểm này, PGS.TS Trần Mai Ước, Trường Đại học Ngân hàng Tp.Hồ Chí Minh cho rằng, năng suất lao động là chỉ tiêu quan trọng nhất thể hiện tính chất và trình độ tiến bộ của một phương thức sản xuất.

Do đó, năng suất lao động là một trong những yếu tố quan trọng tác động tới sức cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Trong khi đó, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng năng suất lao động toàn xã hội của Việt Nam vẫn ở mức thấp, chỉ bằng 1/16 so với Singapore, bằng 1/2 so với Philippines và là rào cản phát triển đối với nhiều ngành, lĩnh vực và doanh nghiệp.

Bởi, những năm gần đây, năng suất lao động của Việt Nam có tăng song chủ yếu vẫn theo chiều rộng mà chưa theo chiều sâu.

Phó Giáo sư Tiến sĩ Trần Mai Ước phân tích thêm, tình trạng trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan.

Cụ thể, khi chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp – dịch vụ thì phần lớn lao động Việt Nam cũng chuyển dịch theo chiều ngang.

Nghĩa là nông dân chuyển qua làm công nhân mà chưa có sự tập trung, đi sâu vào cải thiện năng suất lao động trong nội tại từng ngành kinh tế.

Sự chuyển dịch này kéo theo kỷ luật, tác phong công nghiệp của một bộ phận lao động còn hạn chế.

Cùng với đó, năng suất lao động thấp cũng là hệ quả của một thời gian dài Việt Nam coi lao động giá rẻ là lợi thế cạnh tranh nên chưa đầu tư nâng cao trình độ, kỹ năng cho người lao động.

Mặt khác, chính sách tiền lương và chế độ đãi ngộ cho người lao động chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.

Tiến sĩ Phạm Thị Thu Hằng, nguyên Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhấn mạnh: Nguồn nhân lực của Việt Nam được đánh giá là dồi dào nhưng thiếu cân xứng về cung cầu giữa các ngành nghề dẫn đến tình trạng “vừa thừa lại vừa thiếu” lao động; trong đó, thiếu nhân lực hội tụ đủ 3 yếu tố kiến thức nghề, kỹ năng nghề và thái độ làm việc đang là vấn đề của rất nhiều doanh nghiệp.

Hiện nay, các tiêu chuẩn nghề đã được ban hành nhưng chưa toàn diện, thiếu thống nhất và chưa tương xứng với các tiêu chuẩn nghề nghiệp quốc tế.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang thiếu mô hình dự báo thông tin thị tường lao động tin cậy và nhất quán, thiếu đội ngũ cán bộ cũng như các chuyên gia thống kê, phân tích.

Để nâng cao năng suất lao động, Thạc sĩ Lưu Đình Vinh, Trường Cao đẳng kinh tế Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, đã đến lúc thay đổi tư duy về nâng cao năng suất lao động.

Thay vì tăng ca, làm thêm giờ, các doanh nghiệp nên đầu tư cho việc đào tạo nguồn nhân lực nhằm xây dựng kỹ năng làm việc hiệu quả.

Mặt khác, đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực mang lại hiệu quả kinh tế cao và ổn định hơn nhằm mang lại những giá trị lan tỏa đồng đều và tạo ra nhiều cơ hội phát triển.

Các chuyên gia cũng khuyến nghị, doanh nghiệp cần có cơ chế thúc đẩy tài năng và tăng cường văn hóa sáng tạo để khuyến khích nhân viên phát huy hết tiềm năng, lợi thế của mình.

Bên cạnh nền tảng về tri thức, công nghệ cũng là yếu tố ảnh hưởng đến năng suất lao động, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Do đó, cần tăng cường liên kết doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI nhằm học hỏi, tiếp nhận các mô hình, công nghệ tiên tiến của thế giới đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục