Yếu tố tạo đà cho ngành công nghệ Trung Quốc phát triển vượt bậc

05:30' - 10/07/2024
BNEWS Trung Quốc đi sau Mỹ về nghiên cứu và phát triển (R&D) nhưng nước này đang đạt được thành công phi thường trong lĩnh vực công nghệ.
Bài phân tích mới đây trên tờ The Straits Times (Singapore) nhận định, khi cố gắng ngăn chặn Trung Quốc đạt được thành tựu mới về công nghệ tiên tiến, Mỹ có thể vô tình “nâng bước” đối thủ.

Trong bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) hồi cuối tháng Sáu ở thành phố cảng Đại Liên, phía Đông Bắc Kinh, Thủ tướng Lý Cường nói: “Chúng ta cần phải đối mặt với tình trạng kinh tế thế giới tăng trưởng khó khăn”. 

Ông trích dẫn dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) rằng dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu sẽ đạt tốc độ tăng trưởng chậm nhất trong nhiều thập kỷ và sự giảm tốc của chính Trung Quốc có thể là một trong những tác nhân lớn nhất của sự thay đổi này: Dự đoán của IMF cho thấy gần như toàn bộ sự giảm tốc xảy ra ở các thị trường mới nổi chứ không phải là ở các nước giàu.

Điều quan trọng là giải pháp mà nhà lãnh đạo Trung Quốc đưa ra. Thủ tướng Lý Cường lập luận rằng tình trạng bất ổn hiện nay dường như xuất phát từ sự suy yếu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba về công nghệ thông tin, khiến việc thế giới phải dựa vào năng lượng sạch, trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ sinh học để khơi dậy cuộc cách mạng lần thứ tư càng trở nên cấp thiết hơn. 

Hướng đi đó đang vấp phải cuộc chiến thương mại công nghệ về chất bán dẫn, tấm pin Mặt Trời, xe điện và pin lithium-ion diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc. Nhưng trong bối cảnh khó khăn đó, Trung Quốc đã thể hiện được khả năng tiến về phía trước một cách xuất sắc.

Trên thực tế, có thể thấy rõ những tác động chính sách của Chính phủ Trung Quốc đã hỗ trợ ngành công nghệ nội địa đạt được bước tiến mới. Khi được hỏi chính phủ đang thực hiện những biện pháp nào để giải quyết tình trạng suy giảm, Thủ tướng Lý Cường đã dẫn chứng về các kế hoạch chi tiêu có tính toán để hỗ trợ nâng cấp thiết bị và máy móc cũ, cũng như các ưu đãi của Trung Quốc dành cho R&D.

Sự đầu tư này rất có ý nghĩa. Quỹ tài chính trị giá 500 tỷ NDT (68,79 tỷ USD), mà Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC tức ngân hàng trung ương) thành lập vào tháng 4/2024 nhằm khuyến khích người cho vay thực hiện nhiều hợp đồng hơn trong việc nâng cấp thiết bị. Bên cạnh đó là một quỹ khác trị giá 200 tỷ NDT được thành lập năm 2022 có chức năng tương tự.

Kể từ năm 2023, các công ty Trung Quốc đầu tư vào R&D cũng có thể khấu trừ gấp đôi số tiền họ đã chi từ hóa đơn thuế. Theo thống kê của chính phủ, chi tiêu cho R&D đã tăng 8,1% trong năm đó, chiếm khoảng 2,6% GDP. 

Năm 2023 Trung Quốc dành 3,3 nghìn tỷ NDT (453,99 tỷ USD) cho hoạt động R&D. Trung Quốc hiện có thể thu được lợi nhuận khổng lồ nhờ khoản chi tiêu này.

Cũng tại hội nghị ở Đại Liên, người sáng lập công ty Công nghệ Amperex đương đại, ông Zeng Yuqun, đã tự hào khi chia sẻ về các sản phẩm sắp ra mắt của nhà sản xuất pin lithium-ion lớn nhất thế giới. 

Chúng bao gồm công nghệ pin cho ô tô đi quãng đường 600km và được sạc trong 10 phút, được chế tạo mà không tốn kém nickel và cobalt. Ông Zeng cũng giới thiệu về một loại pin khác chứa năng lượng gấp đôi trong mỗi kg so với pin thông thường và có khả năng được sử dụng cho máy bay nhỏ và một loại pin dựa trên nguồn natri dồi dào thay vì nguồn lithium tương đối khan hiếm.

Tại Trung Quốc, khó có thể bỏ lỡ những tiến bộ công nghệ đã đạt được. Xe điện dường như phổ biến ở các thành phố hạng hai như Đại Liên và Thành Đô cũng như ở thành phố hạng nhất như Thượng Hải. Ngay cả những phương tiện chạy bằng xăng cũng có bóng dáng của công nghệ tương lai, thể hiện ở thiết kế và nội thất. Hơn nữa, nhu cầu và nguồn cung xe điện của nước này vẫn đang gia tăng và do đó mới hơn nhiều so với xe ở Mỹ và châu Âu. 

Trung Quốc có thể chưa hoàn toàn lọt vào “câu lạc bộ” các nước có thu nhập cao của Ngân hàng Thế giới (WB), nhưng rõ ràng là sẽ đạt được vị trí này trong tương lai gần.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục