Bước ngoặt của ngành điện Việt Nam - Bài 7: Lần đầu có quy hoạch phát triển điện lực

11:47' - 07/05/2018
BNEWS Với sự giúp đỡ tận tình của các chuyên gia Liên Xô nhiều kinh nghiệm và tài năng, ngành Điện lần đầu tiên xây dựng và thực hiện quy hoạch phát triển điện lực của cả nước.

Đó là Tổng sơ đồ phát triển điện lực giai đoạn I (1981 - 1985) – Tổng sơ đồ phát triển điện lực đầu tiên của ngành Điện, với sự tham gia của nhiều cán bộ, kỹ sư, nhà khoa học, chuyên gia am hiểu điện năng.

Nhà máy điện Vĩnh Tân. Ảnh: TTXVN

Một số nội dung liên quan đến việc xây dựng Đường dây siêu cao áp truyền tải điện năng với cấp điện áp 500kV, từ miền Bắc vào miền Trung và miền Nam cũng đã lần đầu tiên được nêu ra trong Tổng sơ đồ này.

Thêm một điều đáng chú ý là trong năm 1984, bên cạnh việc tập trung đầu tư xây dựng một số nhà máy điện có công suất và quy mô lớn, để góp phần giải quyết tình trạng thiếu điện của đất nước, nhất là ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trên cơ sở đề xuất của ngành Điện và tham khảo kinh nghiệm sản xuất điện của Liên Xô, Chính phủ đã có chủ trương linh hoạt và phù hợp với tình hình kinh tế đất nước đang gặp muôn vàn khó khăn lúc ấy.

Đó là đẩy mạnh phát triển thủy điện vừa và nhỏ, nhằm khai thác tối đa tiềm năng sông ngòi Việt Nam làm thủy điện (cả nước có khoảng 3.450 sông, suối). Báo cáo công tác của Ban Năng lượng Chính phủ tháng 8/1984, ghi rõ: “Đẩy mạnh phát triển thủy điện vừa và nhỏ: 450 công trình thủy điện vừa và nhỏ cho thấy trữ năng kinh tế - kỹ thuật lên đến 17 tỉ kWh/năm”.

Báo cáo đã nêu lên những kết quả đạt được trong việc thực hiện chủ trương của Chính phủ phát triển thủy điện vừa và nhỏ: “Hoàn thành xây lắp 114 trạm; trong đó đã đưa vào vận hành 83 trạm với tổng công suất 4.329,5kW. Hầu hết các địa phương đã lập bản đồ, sơ đồ xác định tiềm năng thủy điện. Các địa phương và các bộ, ngành cũng đã kiến nghị khoảng 50 trạm thủy điện nhỏ cần ưu tiên xây dựng trong kế hoạch 1983 - 1985 và dự kiến khoảng 280 trạm được khôi phục và xây dựng cho giai đoạn 1983 - 1990...”.

Thực tế là việc xây dựng các trạm thủy điện nhỏ và vừa ở các vùng nông thôn, phù hợp với khả năng hạn hẹp của từng đơn vị, địa phương và người dân đã đem lại lợi ích rất tốt.

Trên những địa bàn vốn nhiều năm tối tăm vì không có điện, nay đã có ánh điện bừng sáng khiến cho cuộc sống của người dân bước sang trang mới, sản xuất khấm khá hơn và đời sống tinh thần vui tươi hơn. Họ càng phấn khởi và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta. 

Cũng trong giai đoạn 1980 - 1985, hàng loạt các công trình nguồn điện đã được xây dựng mới, hoàn thành và đưa vào sử dụng: Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại được đưa vào vận hành đúng tiến độ, bảo đảm ổn định cho hệ thống, tránh được tình trạng “ăn đong” về công suất; xúc tiến xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình - Công trình thủy điện lớn nhất đất nước và vùng Đông Nam Á; củng cố các nhà máy nhiệt điện Ninh Bình, Thái Nguyên; khai thác sử dụng tối đa công suất của Nhà máy Thủy điện Thác Bà.

Về lưới điện, đưa các đường dây 220kV Thanh Hóa - Vinh, Phả Lại - Hà Đông; các trạm biến áp 110kV, 220kV Hà Đông vào vận hành vượt tiến độ.

Nhiều trạm biến áp trung gian và đường dây phân phối được lắp đặt và đưa vào vận hành kịp thời, tạo điều kiện để Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại tiếp tục đưa vào vận hành các tổ máy mới.

Bên cạnh đó, ngành Điện đã khởi công xây dựng một số nhà máy điện: Nhà máy Thủy điện Trị An trên sông Đồng Nai (440MW), Nhà máy Thủy điện Dray H’Linh trên sông Serpok (12MW).

 Tỉnh Nghệ Tĩnh (nay là tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh) xây dựng thêm Nhà máy Thủy điện Kẻ Gỗ có công suất 2.100kW với 3 máy x 700kW.

Trong 4 năm vận hành, Thủy điện Kẻ Gỗ đã phát được 8 triệu kWh điện góp phần cải thiện tình hình điện cho khu vực Nghệ Tĩnh. Tháng 8/1983 phục hồi Nhà máy Thủy điện Khuất Sao (Tràng Định - Lạng Sơn) bị địch đánh phá trong chiến tranh biên giới.

Cho đến tháng 10/1985, Nhà máy Nhiệt điện Bến Thủy (Vinh) ngừng hoạt động do nguồn điện ở phía Bắc được tăng cường sau khi Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại hòa vào lưới điện.

Việc cải tạo lưới điện, ưu tiên cung cấp điện cho các địa bàn trọng điểm, sắp xếp các xí nghiệp nghỉ luân phiên, tiết giảm định mức sử dụng điện chỉ là những biện pháp tình thế, trong khi các nguồn điện mới đang được xây dựng, chưa đưa vào vận hành và sử dụng.

Thêm nữa, do vật tư, thiết bị, phương tiện vận tải chưa đáp ứng kịp thời, nên đã gây trở ngại không ít cho việc quản lý, cải tạo lưới điện.

Vì vậy ở giai đoạn này, công suất nguồn điện tăng không đáng kể, sản lượng điện sản xuất có tăng nhưng cũng chưa đáp ứng được so với nhu cầu thực tế.

Tình trạng tổn thất điện năng cao là phổ biến kèm theo tình trạng thiếu điện ở các thành phố lớn vẫn diễn ra trầm trọng. Ngay tại thủ đô Hà Nội lúc ấy, mỗi ngày thiếu khoảng 1/2 triệu kWh, bằng 20% điện thương phẩm thực tế được cấp.

Như vậy, bước vào năm 1985 ngành Điện quản lý 470MW công suất điêzen, chiếm 34% tổng công suất nguồn điện toàn ngành. Trong đó miền Bắc là 105MW, miền Trung là 104MW và miền Nam là 261MW. Các ngành và địa phương quản lý gần 100MW công suất điêzen.

Đường dây đấu nối vào Nhà máy điện Vĩnh Tân. Ảnh: TTXVN

Với việc thực hiện Tổng sơ đồ phát triển điện giai đoạn I, tổng công suất nguồn điện cả nước thời điểm kết thúc kế hoạch 5 năm lần thứ ba (1981 - 1985) đạt 1.605,30MW, tổng sản lượng điện đạt 5.066 triệu kWh, hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đề ra của ngành Điện.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, do tác động của cả yếu tố khách quan và chủ quan, còn bộc lộ và phát sinh một số vấn đề.

Cụ thể như  Quy hoạch phải dựa hoàn toàn vào quy hoạch phát triển của các ngành kinh tế quốc dân và phục vụ cho các ngành đó. Do đó quy hoạch ngành Điện phải điều chỉnh theo cho phù hợp.

Bên cạnh đó, Quy hoạch được lập với sự giúp đỡ của Liên Xô và theo quan điểm phù hợp với khả năng cung cấp thiết bị của họ. Vì vậy, một số vấn đề ta có nhu cầu cần thiết, nhưng bạn chưa đáp ứng được.

Thêm nữa, việc lập quy hoạch, phát triển lưới điện 35kV trở xuống còn chậm, bị động và phụ thuộc nước ngoài. Ngoài ra, lưới điện còn nhiều cấp điện áp: 220kV, 110kV, 66kV, 35kV, 15kV, 6kV gây khó khăn cho vận hành, quản lý, xây dựng mới”.

Thống kê của ngành Điện cho thấy nếu như năm 1980, ngành Điện lực cả nước chỉ mới đạt tổng công suất là 1.343,6MW và tổng lượng điện sản xuất là 1.966 triệu kWh, thì đến hết năm 1985, sau 5 năm đã đạt tổng công suất là 1.696MW và tổng sản lượng điện sản xuất là 5.300 triệu kWh. Mức đạt tổng công suất của giai đoạn sau không vượt nhiều so với giai đoạn trước, nhưng lượng điện sản xuất thì có sự vượt trội, gấp hơn 2 lần.

Một điều không kém phần quan trọng là tổng lượng điện thương phẩm (điện bán cho khách hàng) của toàn ngành đạt 3.866 triệu kWh; trong đó thành phố Hà Nội đã cung ứng 683 triệu kWh điện thương phẩm, vừa từng bước đáp ứng nhu cầu của người sử dụng điện, vừa tham gia giải quyết phần nào bài toán thiếu điện triền miên đã trở thành “căn bệnh mãn tính” của đất nước trong nhiều năm qua./.

>>> Bài 8: Thực hiện Tổng sơ đồ phát triển điện giai đoạn 2

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục