Bước ngoặt của ngành điện Việt Nam - Bài 6: Quản lý thống nhất lưới điện quốc gia

10:38' - 07/05/2018
BNEWS Từ năm 1980 - 1985, ngành Điện vẫn phải chịu tác động từ những khó khăn chung của nền kinh tế đất nước đang trong tình trạng khủng hoảng trầm trọng, nhất là sự trượt giá, lương, tiền cuối năm 1985.

Các khoản đầu tư vật chất của Nhà nước cho ngành Điện vì thế cũng rất eo hẹp, hạn chế, đòi hỏi toàn ngành phải cố gắng, chật vật vượt lên mọi khó khăn trong việc phát triển nguồn điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

Quang cảnh 1 trạm biến áp. Ảnh: TTXVN

Để đáp ứng và phù hợp với yêu cầu của tình hình thực tiễn, ngày 23/4/1981, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Nghị định số 170/CP thành lập Bộ Điện lực là cơ quan của Hội đồng Bộ trưởng có chức năng quản lý ngành Điện cả nước.

Cơ cấu tổ chức của Bộ Điện lực gồm 3 cấp: Bộ - Công ty (Cục hoặc Tổng cục) - Xí nghiệp và một hệ thống từ Bộ đến đơn vị sản xuất, xây dựng cơ bản.

Sau đó hơn một tháng, ngày 9/5/1981 Bộ trưởng Bộ Điện lực ký Quyết định số 15-ĐL/TCCB tiếp nhận các đơn vị, cơ quan thuộc Bộ Điện và Than trước đây chuyển về Bộ Điện lực; đồng thời đổi tên các công ty điện lực miền Bắc, miền Nam và miền Trung lần lượt là Công ty Điện lực 1, Công ty Điện lực 2, Công ty Điện lực 3.

Trước đó, ngày 1/5/1981, Bộ trưởng Bộ Điện lực đã ra quyết định thành lập Sở Truyền tải điện miền Bắc.

Các sở quản lý phân phối điện khu vực được đổi thành các Sở Điện lực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Việc ra đời các Sở Điện lực đã thống nhất mô hình hoạt động và nâng cao hiệu quả quản lý ngành Điện trên toàn quốc.

Một trong những vấn đề cần tập trung giải quyết của Bộ Điện lực lúc đó là phải nắm rõ tình hình lãng phí nhiên liệu như than, điện, xăng dầu và các nguồn năng lượng khác, để từ đó tiến hành nhiều biện pháp căn bản và cấp bách nhằm thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng năng lượng.

Trong đó việc đề ra chính sách giá điện là một giải pháp quan trọng góp phần từng bước đưa ngành Điện và người dân gần hơn với cơ chế thị trường, hạn chế sự lãng phí trong tiêu dùng điện năng.

Để góp phần tăng cường công tác quản lý lưới điện, ngày 17/9/1981, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 149-CT giao Bộ Điện lực quản lý thống nhất lưới điện quốc gia, bao gồm lưới điện từng miền, lưới điện khu vực do Bộ quản lý.

Lưới điện quốc gia bao gồm từ nguồn điện đến đồng hồ điện của các hộ dân. Thực hiện quyết định của Hội đồng Bộ trưởng, Bộ Điện lực tiếp nhận toàn bộ đường dây cao áp và trạm biến.

Các tổ chức quản lý điện trước đây phân cấp cho địa phương quản lý, nay chuyển về một đầu mối là Bộ Điện lực trực tiếp quản lý thống nhất.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng đã đặt ra mục tiêu, phương hướng phát triển trong kế hoạch 5 năm (1981 - 1985) là: Xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển điện lực trong cả nước khoảng 15 - 20 năm và vạch kế hoạch cụ thể thực hiện quy hoạch đó trong 5 năm theo hướng kết hợp thủy điện với nhiệt điện, đẩy mạnh phát triển thủy điện, kết hợp quy mô lớn, vừa và nhỏ, bảo đảm cân đối giữa phát triển sản xuất điện với mạng lưới truyền tải điện và các công trình phục vụ cho ngành Điện, giữa nguồn phát điện với các cơ sở tiêu thụ điện, để khai thác năng lượng có hiệu quả nhất. Phấn đấu đưa sản lượng điện đến năm 1985 đạt 5,5 đến 6 tỉ kWh.

Đấu nối dây tại trạm. Ảnh: TTXVN

So với Đại hội IV thì tới Đại hội V, đã có ít nhất 3 nội dung quan trọng mới được bổ sung. Đó là chỉ rõ và khẳng định phải phát triển thủy điện, kết hợp quy mô lớn, vừa và nhỏ; việc bảo đảm cân đối giữa phát triển sản xuất điện với điện dùng cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân; đặt chỉ tiêu sản lượng điện cao hơn những năm trước.

Và để thực hiện được những mục tiêu đề ra, Đại hội V cũng đã chỉ ra nhiều giải pháp khác nhau, có giải pháp mang tính định hướng, nhưng cũng có giải pháp mang tính cụ thể: “Phát huy hết năng lực sản xuất của các nhà máy nhiệt điện và thủy điện hiện có, sử dụng hợp lý nguồn điện chạy bằng dầu. Giảm mạnh lượng điện hao hụt và mất mát, điện tự dùng và giảm tiêu hao nhiên liệu trong sản xuất. Khẩn trương xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại và các công trình đồng bộ, đưa tổ máy đầu tiên phát điện đầu năm 1983, hoàn thành 3 tổ máy trong năm 1985. Bảo đảm tiến độ xây dựng Thủy điện Hòa Bình để sớm đưa tổ máy đầu tiên vào phát điện...”. 

Vấn đề tiết kiệm điện trong lúc nóng bỏng cung không đủ cầu cũng được Nghị quyết nêu ra cho ngành Điện, cho toàn dân quán triệt và thực hiện như: “Triệt để tiết kiệm điện trong sản xuất và sinh hoạt. Phân phối điện phải ưu tiên cho các mục tiêu sản xuất chủ yếu, các cơ sở trọng điểm”.

Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội V, thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ ba (1981 - 19850, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Điều lệ cung ứng và sử dụng điện theo Nghị định số 80/HĐBT, tạo cơ sở pháp lý cho kinh doanh bán điện.

Trên cơ sở Nghị định, một số tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng đã tổ chức tăng cường khâu kinh doanh điện, ký lại và ký mới hợp đồng cung cấp điện theo Nghị định này.

Các sở Điện lực tập trung quản lý khách hàng lớn và kiểm tra các chi nhánh thực hiện. Các chi nhánh điện ở các thành phố sẽ đảm nhiệm một số khâu, như: ghi chỉ số đồng hồ, thu tiền điện tại nhà, treo tháo đồng hồ điện. Công tác kinh doanh điện có nhiều chuyển biến hơn trước./.

>>> Bài 7: Lần đầu có quy hoạch phát triển điện lực

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục