Châu Âu tiếp tục đau đầu vì cuộc khủng hoảng di cư

17:10' - 19/06/2016
BNEWS Gần đây, số người di cư lựa chọn bước lên những chiếc thuyền lớn từ Ai Cập để thực hiện chuyến hành trình trong vòng 10 ngày trên biển đến Italy (I-ta-li-a) ngày càng gia tăng.
Châu Âu tiếp tục đau đầu vì cuộc khủng hoảng di cư. Ảnh:TTXVN

Trong một diễn biến như “đổ thêm dầu vào chảo lửa” mang tên khủng hoảng di cư tại châu Âu, nhiều người Syria (Xi-ri) và một số nước khác đã quay sang một lựa chọn khác đắt đỏ hơn để đến với “lục địa Già” thông qua “cửa ngõ” Ai Cập.

Gần đây, số người di cư lựa chọn bước lên những chiếc thuyền lớn từ Ai Cập để thực hiện chuyến hành trình trong vòng 10 ngày trên biển đến Italy (I-ta-li-a) ngày càng gia tăng.

Vấn đề trở nên nghiêm trọng đến mức các quan chức EU đã nhận thấy sự cần thiết phải thảo luận với giới chức Ai Cập về vấn đề này. Số liệu của Cơ quan Biên phòng châu Âu (Frontex) cho hay số người di cư cập bến Italy trong tháng trước đã tăng lên khoảng 19.000 người, và ngày càng đông trong số này là người đến từ Ai Cập.
Theo một vài chuyên gia, người di cư, phần lớn trong đó là người Syria, đã phải trả từ 3.000-5.000 USD để được lên thuyền đến châu Âu từ Ai Cập (so với con số chỉ 1.000-1.500 USD nếu họ xuất phát từ Lybia), và tất nhiên họ sẽ được hưởng những dịch vụ khác biệt về đồ ăn thức uống,...

Trong một diễn biến có liên quan, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon ngày 18/9 đã có chuyến thăm đến Hy Lạp để thảo luận về cuộc khủng hoảng người di cư với Chính phủ của Thủ tướng Alexis Tsipras, giữa bối cảnh “xứ sở các vị Thần” gặp rất nhiều khó khăn trong việc giải quyết dòng người di cư tràn vào nước này.

Tại Hy Lạp, Tổng thư ký hoan nghênh việc Athens đã thể hiện “tinh thần đoàn kết to lớn” trong quá trình giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư cùng với châu Âu. Hy Lạp, với vị trí là "tiền tuyến" của châu Âu, trong một năm rưỡi qua đã đón nhận hơn 1 triệu người tị nạn và di cư, chủ yếu đến từ Syria (Xi-ri).

Sau khi kết thúc cuộc thảo luận với Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras, Tổng thư ký Ban Ki-moon cũng đánh giá cao việc Hy Lạp cùng lúc phải giải quyết hai cuộc khủng hoảng: vừa phải kiểm soát dòng người di cư vừa phải đối phó cuộc khủng hoảng nợ đang khiến nền kinh tế nước này điêu đứng.

Ngoài ra, bằng việc khẳng định rằng “mặc dù đang gặp nhiều khó khăn về kinh tế song Hy Lạp vẫn cố gắng cứu người”, ông Ban Ki-moon cho hay Athens xứng đáng nhận được sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế. Liên quan đến chính sách “tạm giữ” người nhập cư vào châu Âu ngay tại “cửa ngõ” Hy Lạp được áp dụng từ tháng Ba, quan chức Liên hợp quốc cho rằng biện pháp này không phải là câu trả lời và cần phải được chấm dứt ngay lập tức.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục