Chính sách trừng phạt Nga của EU: Điểm yếu Italy (Phần 2)

06:30' - 09/03/2018
BNEWS Theo Bloomberg, các lực lượng chính trị chủ chốt ở Italy dường như sẽ ủng hộ mạnh mẽ Kremlin, nhưng điều đó không có nghĩa các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) đối với Moskva sẽ được dỡ bỏ.

Hội đồng châu Âu với thành phần bao gồm các nhà lãnh đạo của các nước EU phải đưa ra những quyết định trừng phạt trên cơ sở tất cả đều nhất trí. Trong trường hợp của Nga, hội đồng này đã làm như vậy hơn 20 lần. Do đó, Nga cần phải có một lá phiếu “chống” trong hội đồng này để phản đối việc gia hạn các lệnh trừng phạt của EU.

Nhưng lá phiếu đó không thể là của Hungary mặc dù Thủ tướng Hungary Viktor Orban là nhân vật ngưỡng mộ ông Putin. Đó cũng không thể là Cộng hòa Cyprus, vốn đang được Nga tài trợ khá nhiều, hay Áo với đảng Tự do dân tộc chủ nghĩa là một đối tác trong liên minh cầm quyền hiện nay và đang có thỏa thuận hợp tác với đảng Nước Nga Thống nhất của ông Putin.

Đối với những nước nhỏ này, phí tổn cho một cuộc nổi loạn công khai nhằm chống lại sự đoàn kết, thống nhất của EU về một vấn đề khá rõ ràng là lớn hơn bất kỳ lợi ích kinh tế nào nhờ tăng cường thương mại với Nga. Sự tức giận của Mỹ cũng có thể khiến những nước này quan ngại.

Quốc gia “nổi loạn” mà Nga cần phải là một nước lớn, mà cụ thể là một trong số 4 nước được Moskva coi là "đối tác chiến lược" tiềm tàng của họ và đã từng được đề cập trong báo cáo năm 2007 của Hội đồng châu Âu về quan hệ đối ngoại. Đó là Pháp, Đức, Italy và Tây Ban Nha.

Những nước này đủ lớn để có thể khẳng định sự độc lập về chính sách đối ngoại với cả EU lẫn Mỹ. Nhưng giờ đây, nước Đức với nhà lãnh đạo Angela Merkel đã thúc giục các nước EU khác tiếp tục chính sách trừng phạt Nga, và Tây Ban Nha vốn có một chính phủ không thân thiện với Kremlin, đã bị loại ra khỏi danh sách này.

Trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp năm 2017, Nga đã từng có hai kênh đầy hứa hẹn – đó là ứng cử viên có quan điểm dân tộc chủ nghĩa Marine Le Pen và đối thủ thuộc phe bảo thủ Francois Fillon. Cả hai đều là những nhân vật phản đối mạnh mẽ các lệnh trừng phạt đối với Moskva. Nhưng cuối cùng người giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Pháp lại là ông Emmanuel Macron, nhân vật muốn liên kết với bà Merkel.

Như vậy, Nga hiện nay chỉ có thể dựa vào Italy. Nước này có những mối quan hệ đặc biệt với Nga kể từ thời Liên bang Xôviết, giai đoạn mà phe cánh tả trên chính trường Italy đã giúp giữ được đất nước này ở bên lề của cuộc Chiến tranh Lạnh. Trong những năm 1960, Italy đã cung cấp hơn một nửa số thiết bị công nghiệp mà Liên Xô nhập khẩu.

Tập đoàn dầu khí ENI của Italy từng là đối tác chiến lược quan trọng đối với ngành công nghiệp dầu khí của Liên Xô, và hãng sản xuất ô tô Fiat đã xây dựng nên cái mà hiện nay vẫn là nhà máy sản xuất ô tô lớn nhất của Nga tại một thành phố vừa mới được đổi tên thành Togliatti nhằm tôn vinh cố lãnh đạo Đảng Cộng sản Italy Palmiro Togliatti.

Sau khi Liên bang Xô Viết sụp đổ, mối quan hệ đặc biệt giữa hai bên lại càng nảy nở. Ngay cả các nhà lãnh đạo kỹ trị Italy vốn có quan điểm thiên về châu Âu cũng tương đối thân Nga. Romano Prodi, cựu Thủ tướng Italy và cũng là cựu Chủ tịch Ủy ban châu Âu, từng nói rằng "Nga và Italy giống như rượu vodka và trứng cá muối và đây là một sự kết hợp tuyệt vời".

Tuy nhiên, đó vẫn chưa phải là lời khen ngợi đủ để miêu tả mối quan hệ gần gũi giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin với một nhà lãnh đạo khác của Italy - cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi.

Báo Độc lập (Nga) có bài viết cho biết Bộ trưởng Ngoại giao và Các vấn đề Hợp tác Quốc tế Italy Angelino Alfano khẳng định Rome và Moskva ủng hộ một cuộc đối thoại thẳng thắn về những vấn đề gây tranh cãi nhất.

Các chuyên gia Nga cho rằng vào thời điểm mối quan hệ giữa Nga và phương Tây trở nên trầm trọng thì chính Italy đã nhận về mình trách nhiệm hòa giải. Vậy điều này có đúng không? Ông Alfano cho rằng Italy luôn nằm trong số các quốc gia tin rằng đối thoại với Nga cả về chính trị lẫn kinh tế cần phải được tiếp tục, thậm chí ngay trong hoàn cảnh nước Nga bị áp đặt các biện pháp cấm vận.

Điều này không có nghĩa là Italy đồng quan điểm với một vài quyết định chính trị của Moskva, những quyết định mà nước này vẫn coi là sai lầm hoặc trái với luật pháp quốc tế, ví dụ như việc sáp nhập trở lại Bán đảo Crimea. Điều này có nghĩa là Italy sẽ thảo luận với Moskva về các chủ đề, các vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến quan hệ song phương.

Ông Alfano cho biết Italy tin tưởng vào ý nghĩa chính trị của các biện pháp trừng phạt. Nhiệm vụ của các biện pháp trừng phạt là đưa Nga trở lại con đường hợp tác mang tính xây dựng. Các biện pháp trừng phạt của châu Âu rất linh hoạt và từng bước bởi có thể điều chỉnh tùy thuộc vào tình hình thực tế diễn ra và tại bàn đàm phán.

Chính bởi vậy, Italy nhấn mạnh rằng bất cứ khi nào nhắc tới vấn đề kéo dài lệnh trừng phạt thì tức là đã diễn ra cuộc tham vấn chính trị về tiến độ thực hiện các hiệp định Minsk. Việc thực hiện hiệp định này sẽ xác định thời hạn áp dụng các biện pháp trừng phạt chống lại Nga.

Điều khiến Nga có được sử ủng hộ ở Italy không chỉ là nhờ các lý do mang tính văn hoá và lịch sử, mà còn nhờ lý do kinh tế. Các doanh nghiệp Italy vẫn đang hiện diện ở Nga; Ngân hàng Intesa Sanpaolo của Italy từng là một bên quan trọng trong thương vụ mua bán 19,5% số cổ phần của Rosneft, tập đoàn dầu khí quốc doanh của Nga.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục