Chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ: Cuộc chiến không của riêng ai

19:39' - 26/08/2016
BNEWS Cuộc chiến chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cần có sự hợp tác một cách chủ động, tích cực của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và sự tham gia của toàn xã hội.
Lực lượng chức năng đẩy mạnh công tác chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Ảnh minh họa: TTXVN

Cuộc chiến chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không thể đạt được hiệu quả như mong muốn nếu như không có sự hợp tác một cách chủ động, tích cực của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và sự tham gia của toàn xã hội.

Thông tin trên là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tại hội thảo “Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa doanh nghiệp và lực lượng thực thi trong công tác chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ” do Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) tổ chức chiều 26/8 tại Hà Nội.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ dự án “Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ nhằm nâng cao hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam” do Đại sứ quán Anh tài trợ.

Ông Andrew Holt, Bí thư thứ nhất về Kinh tế và Chính trị, Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam nhấn mạnh, quyền sở hữu trí tuệ ngày càng trở nên quan trọng cho sự thành công của các doanh nghiệp tại Việt Nam.

Bởi nó gắn kết vào chuỗi giá trị toàn cầu và thu hút sự tham gia ngày càng tăng của các doanh nghiệp nước ngoài có sản phẩm đổi mới. Do đó, thực thi hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ là cần thiết để duy trì lòng tin của doanh nghiệp vào việc bảo vệ hợp lý cho đầu tư của họ.

Đánh giá về việc chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hiện nay, ông Đỗ Thanh Lam, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, mặc dù hệ thống pháp luật Việt Nam về thực thi quyền sở hữu trí tuệ tương đối đầy đủ và phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của nước ta trong bối cảnh hội nhập, nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong công tác thực thi quyền sở hữu trí tuệ. 

Với quân số gần 6.000 người trong lực lượng quản lý thị trường từ Trung ương đến cấp quận, huyện trong khi phương thức, thủ đoạn sản xuất, buôn bán hàng giả ngày càng tinh vi phức tạp; cơ chế thực thi còn chồng chéo; sự hợp tác giữa các cơ quan chức năng chưa chặt chẽ; trình độ chuyên môn nghiệp vụ của lực lượng còn hạn chế; sự phối hợp giữa doanh nghiệp và cơ quan thực thi chưa thường xuyên, bài bản nên công tác chống hàng giả vẫn chưa mang lại hiệu quả cao. 

Kết quả xử lý hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cho thấy, năm 2011 có 12.910 vụ xử lý với số tiền phạt 35,8 tỷ đồng; năm 2013 tăng lên trên 14.000 vụ, xử phạt 62 tỷ đồng; năm 2015 xử lý 4.868 vụ, xử phạt 36,13 tỷ đồng; riêng 6 tháng đầu năm 2016 đã xử lý 2.530 vụ, xử phạt 59,7 tỷ đồng. 

Ông Đỗ Thanh Lam, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương). Ảnh: Văn Xuyên/BNEWS/TTXVN

Tại hội thảo, các bài tham luận và ý kiến của đại biểu tham dự cũng chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong công tác phối hợp. Đó là bên cạnh việc một số doanh nghiệp phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với lực lượng thực thi thì vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm tới việc bảo vệ tài sản trí tuệ của mình.

Thậm chí, một số doanh nghiệp bị làm giả lại thờ ơ, né tránh, chưa hợp tác với lực lượng chức năng, gây nhiều khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý vi phạm.

Bên cạnh đó, hiện nay chưa có cơ chế đảm bảo vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc chủ động phát hiện và phối hợp với các lực lượng thực thi. Mặt khác, việc phối hợp giữa cơ quan thực thi và doanh nghiệp còn chưa bài bản, chưa thường xuyên, chưa có kế hoạch cụ thể.

Nói về công tác phối hợp, ông Vũ Tiến Dũng, Phòng quan hệ cộng đồng Công ty Ajnomoto Việt Nam thừa nhận còn ngại va chạm với các hộ kinh doanh và chưa chủ động trong công tác chống hàng giả dù đã được tuyên truyền, huấn luyện.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn chưa nhận thức đầy đủ những tác hại to lớn của hàng giả nói chung và bột ngọt giả nói riêng; chưa chú trọng đến hành vi vi phạm mà chỉ chú trọng đến khối lượng, số lượng hàng vi phạm.

Cùng với những hạn chế, khó khăn đó, ông Dũng kiến nghị cần tăng cường công tác huấn luyện và chỉ đạo từ phía cơ quan lãnh đạo, làm cho mọi cán bộ nhận thức được hàng giả là kẻ thù của xã hội cũng như quyết tâm ngăn chặn các hành vi vi phạm, bất kể số lượng. Đặc biệt, xem hoạt động chống hàng giả là nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động của lực lượng.

Để công tác chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đạt hiệu qua cao trong thời gian tới, ông Lam và nhiều đại biểu tham dự cho rằng, doanh nghiệp cần có cán bộ chuyên trách về bảo vệ quyền lợi sở hữu trí tuệ hoặc có đại diện sở hữu trí tuệ để cung cấp cho lực lượng quản lý thị trường các thông tin về mặt hàng vi phạm, phương thức thủ đoạn vi phạm, thị trường tiêu thụ, đầu mối sản xuất, buôn bán hàng giả.

Đồng thời cần hướng dẫn về dấu hiệu phân biệt hàng thật, hàng giả; phối hợp tham gia các hội thảo, hội nghị, tọa đàm về chống hàng giả với lực lượng thực thi. Mặt khác, doanh nghiệp cũng cần đầu tư áp dụng khoa học công nghệ; nghiêm túc thực hiện các quy định về công bố chất lượng sản phẩm hàng hóa; đảm bảo chất lượng hàng hóa.

Cùng với đó, lực lượng quản lý thị trường cũng thường xuyên cập nhật chia sẻ với doanh nghiệp về các văn bản quy phạm pháp luật.

Đồng thời minh bạch hóa các quy trình, thủ tục xử lý các xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; tạo điều kiện để các doanh nghiệp tham gia vào quá trình kiểm tra, xử lý khi cần thiết để rút ngắn thời gian và tăng cường hiệu quả điều tra, xử lý các vi phạm về hàng giả, quyền sở hữu trí tuệ.

Dưới góc nhìn của chuyên gia, bà Pippa Hall, Quyền trưởng Bam sáng tạo, nhà kinh tế trưởng, Cục Sở hữu Trí tuệ Vương quốc Anh cho rằng, hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ rất phức tạp và đa dạng.

Do đó, cách thức giải quyết vấn đề phải được thực hiện theo nhiều hướng khác nhau. Quan trọng là phải tiếp tục nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng về sở hữu trí tuệ và đảm bảo hành lang pháp lý phù hợp.

Theo đó, cần giảm số lượng nội dung bất hợp pháp trên mạng trực tuyến; tăng cường khuôn khổ pháp lý, đồng thời xử lý mạnh hành vi kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Ngoài ra, Việt Nam cũng cần tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức, đề cao hơn nữa về sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp và người dân.

Đề xuất thêm giải pháp cho công tác này, ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) cho rằng, cần tăng cường thông tin, tuyên truyền, mở nhiều chiến dịch truyền thông, từng bước nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về tác hại của hàng giả.

Đồng thời kiên quyết bài trừ hàng giả, không tiếp tay cho việc kinh doanh, buôn bán, vận chuyển hàng giả. Đặc biệt, kiên quyết tuyên chiến với hạn hàng gian, hàng giả cũng như tuyên chiến với thái độ làm ăn chụp dựt, gian dối mà thay vào đó là doanh nghiệp phải đầu tư vào lao động, sáng tạo với sự kiên trì vượt khó mới đẩy lui được vấn nạn này./.

>>> Giúp tiểu thương phân biệt hàng thật, hàng giả

>>> Chống buôn lậu, hàng giả: Mặt trận không tiếng súng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục