Cơ sở hạ tầng – Thách thức lớn nhất trong tiến trình phát triển kinh tế Lào

05:30' - 25/01/2018
BNEWS Bất chấp sự phục hồi chậm chạp của kinh tế toàn cầu, tốc độ tăng trưởng của Lào trong năm 2017 là 6,9% và dự kiến đạt 7% vào năm 2018 nhờ sự mở rộng trong lĩnh vực sản xuất, điện năng và nông nghiệp.

Diễn đàn Đông Á số mới ra đăng bài viết của Buavanh Vilavong, nghiên cứu sinh tại Trường Chính sách công Crawford thuộc Đại học Quốc gia Australia, với nhận định rằng Lào là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở khu vực Đông Nam Á với mức tăng trưởng kinh tế trung bình đạt 7,8% trong 10 năm trở lại đây.

Trong 10 năm qua, thương mại hàng hóa của Lào đã tăng trung bình 20%/năm. Lào sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại với hầu hết các nước láng giềng, đặc biệt Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam vốn chiếm 85% kim ngạch thương mại của Lào.

Điều này chủ yếu bởi Lào là quốc gia không có biển duy nhất trong khu vực, do đó chi phí thương mại quốc tế bị tăng lên đến 50%. Như vậy, việc cải thiện kết nối giao thông là rất quan trọng cho sự phát triển của Lào.

Ngay cả việc đặt vấn đề "không có biển" sang một bên, thì cơ sở hạ tầng giao thông yếu kém cũng là một trong những thách thức lớn nhất của Lào. Hiện nay, vận tải đường bộ vẫn chiếm ưu thế với 70% lưu lượng giao thông của nước này bởi hệ thống giao thông đường sắt và đường thủy vẫn còn thiếu.

Trước tình hình đó, Lào đã tăng cường khả năng kết nối đường bộ. Tuyến đường sắt Lào-Trung Quốc bắt đầu được xây dựng từ tháng 12/2016 với chi phí lên tới khoảng 6 tỷ USD, trong đó 70% do Trung Quốc tài trợ còn 30% do Lào đóng góp. Tuyến đường sắt dài 427 km này dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2021 và sẽ là một phần trong con đường kết nối xuyên khu vực Côn Minh-Singapore.

Mặc dù cơ sở hạ tầng giao thông sẽ cải thiện nhờ đầu tư vào đường ống dẫn dầu (bao gồm tuyến đường sắt từ Trung Quốc), theo một cuộc khảo sát gần đây, Lào vẫn nằm trong nhóm 10 nước có năng lực quốc gia về hậu cần LPI (chất lượng về cơ sở hạ tầng liên quan đến giao thông và thương mại) thấp nhất thế giới. Lào vẫn đứng sau tất cả các quốc gia thành viên ASEAN khác ở hầu hết các khía cạnh. 

Theo Tổ chức Thúc đẩy Ngoại thương Nhật Bản (JETRO), Lào có chi phí hậu cần cao nhất trong khu vực; 2.500 USD cho chuyến vận chuyển một container 40 feet từ Viêng Chăn tới Yokohama so với 1.200 USD từ Phnom Penh hoặc 1.000 USD từ Hà Nội.

Chi phí vận chuyển từ Viêng Chăn tới Bangkok là 1.700 USD, trong đó 40% thanh toán các thủ tục hải quan và các thủ tục liên quan vận chuyển tại trạm kiểm soát biên giới Lào-Thái Lan.

Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải thiện không chỉ cơ sở hạ tầng giao thông mà còn hiệu quả hành chính để kết nối tốt hơn giữa Lào với khu vực và phục hồi mức tăng trưởng trung bình lịch sử của mình. Do đó, những nỗ lực hiện đại hóa hải quan đang được tiến hành.

Sự ra đời của Hệ thống Dữ liệu Hải quan Tự động do Liên hợp quốc thiết kế để giảm bớt thời gian cho thủ tục hải quan là một ví dụ rõ nét.

Cải thiện kết nối khu vực cũng sẽ giúp Lào nâng cao khả năng cạnh tranh quốc tế. Các mạng lưới sản xuất đang trở thành một tính năng nổi bật của thương mại toàn cầu.

Việc phân tán liên quan đến sản xuất giữa các nước khác nhau để khai thác lợi thế về địa điểm sẽ là cơ hội cho Lào khai thác các phân đoạn của chuỗi cung ứng khu vực phù hợp với mức độ phát triển. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể xảy ra nếu Lào có cơ sở hạ tầng kết nối cần thiết./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục