Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng vào Nghị quyết 35

07:28' - 20/06/2016
BNEWS Hầu hết các doanh nghiệp đều hào hứng với Nghị quyết và mong đợi chính quyền các địa phương sẽ triển khai nghiêm túc và hiệu quả các quy định đã đề ra theo đó.

Cùng với Nghị quyết 19/2016/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 35/2016/NQ-CP về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.

Đây là những quyết sách được đặt nhiều kỳ vọng sẽ tạo thêm động lực đổi mới, tạo thêm niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp vào sự đồng hành, sát cánh của Nhà nước, các cấp ngành và hệ thống công chức cùng tham gia phát triển kinh tế, tạo ổn định và an sinh xã hội.
Ông Trần Ngọc Quang, Tổng thư ký, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam: Cần đề cao kỷ luật thực thi

Nghị quyết 35/2016/NQ-CP nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp bất động sản và kỳ vọng sẽ giúp tháo gỡ khó khăn, giải quyết nhiều vướng mắc mà các doanh nghiệp đang gặp phải.

Tuy nhiên, có quá nhiều nội dung được quy định trong cùng một nghị quyết, khiến không ít người quan ngại về hiệu quả thực thi.
Quan trọng nhất là cần đề cao kỷ luật thực thi nhiệm vụ của các bộ, ngành và hệ thống công chức. Có như vậy, những nỗ lực cải thiện mới có tác động mạnh mẽ tới các nhà đầu tư, các doanh nghiệp bất động sản.

Ông Trần Ngọc Quang, Tổng thư ký, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam. Ảnh: Thạch Huê/BNEWS

Trên thực thế, qua ghi nhận phản ánh từ nhiều doanh nghiệp, những vướng mắc về thủ tục hành chính, về pháp lý… vẫn luôn là rào cản, gây khó khăn cho doanh nghiệp, ảnh hưởng tới niềm tin của nhà đầu tư và tiến trình mở dự án tại Việt Nam.

Và nếu đội ngũ công chức thực thi tốt các quy định mà Nghị quyết đề ra, tôi tin là mọi việc sẽ được cải thiện, nền kinh tế sẽ có những bước chuyển mình đáng nhớ.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: Đáp ứng mong đợi của đa phần doanh nghiệp
Việc ban hành hai Nghị quyết nói trên là rất cần thiết. Đặc biệt, là Nghị quyết 35/2016/NQ-CP đã đáp ứng sự quan tâm, mong đợi của đa phần doanh nghiệp.

Qua đó, thể hiện tư duy bài bản của Chính phủ mới khi ban hành một Nghị quyết có tầm nhìn dài hạn cho cả 1 nhiệm kỳ (5 năm); thể hiện tính đồng bộ khi bao gồm nhiều giải pháp có sự tham gia của các bộ, ngành và địa phương trong đó.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Ảnh: Thạch Huê/BNEWS

Nghị quyết 35 đã cho thấy môi trường kinh doanh không đơn giản chỉ là cải cách thủ tục hành chính. Mà còn phải gồm cả những vấn đề liên quan tới an toàn hoạt động cho doanh nghiệp; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, cùng nhiều vấn đề khác liên quan tới hoạt động tư pháp…

Đó là chưa kể, qua đây, vai trò của các tổ chức bên ngoài như VCCI, như các hiệp hội ngành nghề…được đề cao khi tham gia vào quá trình giám sát, thực hiện các chương trình, đề án…của Chính phủ.
Nghị quyết bao hàm nhiều nội dung, nên đòi hỏi tổ chức thực hiện cần có sự điều phối linh hoạt để tránh nguy cơ chồng chéo với Nghị quyết 19, nếu không sẽ khó sử dụng hiệu quả các nguồn lực.
Nhìn chung, hầu hết các doanh nghiệp đều hào hứng với Nghị quyết này và mong đợi chính quyền các địa phương sẽ triển khai nghiêm túc và hiệu quả các quy định đã đề ra theo đó. Cần nhất lúc này là sự quyết tâm.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần Fortuna Việt Nam: Mong chính sách sớm đi vào đời sống
Việc cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam đáng lý cần phải thực hiện từ lâu với những quyết tâm cao của mọi cấp, ngành cơ quan quản lý Nhà nước. Điều doanh nghiệp lo sợ nhất hiện nay là sự thay đổi liên tục của chính sách.

Việc thực hiện các quy trình, thủ tục thiếu đồng bộ, nhất quán giữa các đơn vị hành chính, khiến doanh nghiệp tốn phí công sức, thời gian, tiền bạc và nhân lực.

Việc cải thiện môi trường kinh doanh là một trong những chính sách rất quan trọng. Ảnh: TTXVN

Dù là doanh nghiệp nhỏ, nhưng đôi khi cái doanh nghiệp cần hỗ trợ lúc này lại không phải là tín dụng ngân hàng hay giảm thuế. Doanh nghiệp chỉ mong sự ổn định lâu dài để yên tâm hoạt động.

Mong rằng các Nghị quyết, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sẽ không chỉ nằm trên giấy mà sẽ nhanh chóng đi vào đời sống và phát huy hiệu quả tích cực
Ông Đặng Ngọc Thanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty đầu tư tài chính Nhà nước Tp. Hồ Chí Minh: Đừng để “đánh trống bỏ dùi”
Để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, năng lực cạnh tranh cho cộng đồng doanh nghiệp đòi hỏi cần có sự trợ lực tích cực và mạnh mẽ từ Chính phủ. Cụ thể đó là những cơ chế chính sách mang tính dài hơi để doanh nghiệp yên tâm và tự tin đầu tư đổi mới công nghệ; tăng cường đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực...
Lúc này các bộ, ngành và đặc biệt đội ngũ cán bộ công chức cần đổi mới tư duy, cung cách phục vụ, thoát khỏi tâm lý "xin - cho" vốn đã để lại vô vàn hậu quả tiêu cực.
Nghị quyết 35/2016/NQ-CP thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Nhưng việc thực hiện phải là các bộ, ngành và các địa phương. Làm sao đừng để tình trạng "đánh trống, bỏ dùi" hoặc "trên bảo, dưới không nghe" thì chắc chắn tinh thần ấy, Nghị quyết ấy sẽ đi vào đời sống.
Ông Lê Minh Hải, Tổng giám đốc, Công ty cổ phần Đầu tư Đà Nẵng Miền Trung-DMT: Cần thời gian thẩm thấu

Thực sự, doanh nghiệp chưa nắm được thông tin về Nghị quyết 35/2016/NQ-CP. Bản thân doanh nghiệp trong vòng 2 tháng qua phải trải qua 3 lần thanh tra, kiểm tra từ Kiểm toán Nhà nước, cơ quan Thanh tra Thuế, Thanh tra của Bộ, Sở Tài Nguyên và Môi trường.

Có thể, ngẫu nhiên, việc thanh, kiểm tra diễn ra trùng thời điểm. Tuy nhiên, doanh nghiệp đang phải đình trệ nhiều hoạt động, tốn phí nhiều thời gian, tiền bạc để phục vụ công tác này.

Nghị quyết 35 còn rất mới và cần thời gian dài để thẩm thấu vào đời sống thực tế. Ảnh: TTXVN

Trên thực tế, theo quan điểm của doanh nghiệp, việc thanh, kiểm tra là cần thiết và nên tổ chức định kỳ, có kế hoạch. Các cơ quan quản lý Nhà nước có thể xem xét và  đối chiếu kết quả kiểm tra. Quan trọng hơn là tuyệt đối tránh tình trạng nhũng nhiễu, gây khó khăn, tốn phí và mất thời gian của doanh nghiệp.
Riêng với Nghị quyết 35 thì còn rất mới nên cần thời gian dài để quy định thẩm thấu vào đời sống thực tế. Nếu làm tốt được những gì như Nghị quyết đã quy định chắc chắn sẽ rất hữu ích cho doanh nghiệp.

Đặc biệt là liên quan tới nội dung đảm bảo an toàn cho hoạt động của doanh nghiệp; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế… đang là những điều khiến doanh nghiệp trăn trở và lo lắng.

Lúc này, doanh nghiệp cần sự ổn định; cần sự hỗ trợ bằng những chính sách ổn định và dài hạn để có thể đầu tư mở rộng sản xuất, thúc đẩy việc kinh doanh….
Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam: Có quyết liệt hướng đến doanh nghiệp

Nghị quyết 35 của Chính phủ được ban hành vừa qua rất được các doanh nghiệp quan tâm và ủng hộ. Nghị quyết này có nhiều khoản sẽ giúp cho môi trường kinh doanh "sạch" hơn cho doanh nghiệp, khích lệ các doanh nghiệp cả trong và ngoài nước.

Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam. Ảnh: Thạch Huê/BNEWS

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng lo ngại về tính thực hiện ở phía dưới, các đơn vị, bộ, ngành có quyết liệt và hướng đến doanh nghiệp không.  Nghị quyết quy định rất rõ hỗ trợ doanh nghiệp nhưng khi đến cấp thực hiện có hoàn toàn như vậy không.

Do vậy, phải giải quyết được việc này, thì doanh nghiệp mới lớn mạnh được, và Nghị quyết của Chính phủ mới đi vào thực tiễn, có lợi ích cho doanh nghiệp.
Để làm được điều này, quan trọng là các bộ, ngành, địa phương và cả doanh nghiệp phải cùng kiên quyết, bắt tay vào thực hiện.

Đặc biệt là hiện nay, khi ngành thép gặp nhiều khó khăn phải cạnh tranh với thép giá rẻ, thép gian lận thương mại và các biện pháp phòng vệ, tự vệ thương mại từ các nước, thì việc thực thi Nghị quyết một cách hiệu quả, gắn với doanh nghiệp là vô cùng quan trọng.

Bởi nếu không, doanh nghiệp sẽ mất đi cơ hội vươn lên, tăng năng lực cạnh tranh.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục