Vụ khủng bố ở Jakarta: Một người nước ngoài tử vong - Starbucks đóng cửa toàn bộ

17:31' - 14/01/2016
BNEWS Người phát ngôn Cảnh sát Jakarta, Muhammad Iqbal cho biết có 10 người bị thương gồm 5 cảnh sát và 5 dân thường trong vụ khủng bố ở Jakarta. Trong số này có một người nước ngoài.
Một người nước ngoài đã bị thiệt mạng do vụ đánh bom Vụ khủng bố ở Jakarta trưa ngày 14/1. Ảnh: TTXVN

Theo Phó Cảnh sát trưởng quốc gia Indonesia ông Budi Gunawan, đã xác định có 2 dân thường thiệt mạng, trong đó có 1 người nước ngoài, trong vụ khủng bố ở thủ đô Jakarta của Indonesia trưa 14/1.

Phát biểu với các phóng viên, ông Gunawan cũng cho biết có 4 đối tượng nghi là thủ phạm tham gia vụ tấn công đã chết, trong đó 2 đối tượng bị cảnh sát tiêu diệt trong cuộc đấu súng và 2 đối tượng là phần tử đánh bom liều chết.

Cùng thời điểm, hãng cà phê Starbucks thông báo quyết định đóng cửa toàn bộ chuỗi cửa hàng tại Jakarta chờ theo dõi diễn biến tình hình sau vụ tấn công.

Starbucks đã quyết định đóng cửa toàn bộ hệ thống cửa hàng tại Jakarta. Ảnh: TTXVN

Vụ khủng bố xảy ra trưa 14/1, trong đó 7 vụ đánh bom liên hoàn tại trung tâm thương mại Sarinah và một cuộc đọ súng bên ngoài một quán cà phê Starbucks đối diện với trung tâm thương mại này. Kênh truyền hình Metro TV phát hình một số vụ nổ ngay trước trung tâm thương mại.

Trong một đoạn ghi hình khác cũng phát trên kênh này, hai đối tượng mặc đồ trắng chĩa súng ra phố và chỉ huy các đồng phạm theo sau. Metro TV ch biết có ít nhất 14 tay súng đối đầu với cảnh sát.

Phát biểu với báo giới tại hiện trường, Chuẩn tướng Anton Charliyan cho biết các vụ tấn công xảy ra sau khi cảnh sát nhận được tin báo tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng sẽ tiến hành các vụ tấn công tại Indonesia. Tuy nhiên, hiện chưa có tổ chức nào thừa nhận đứng sau các vụ tấn công trên.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã lên án "hành động khủng bố" trên, đồng thời ra lệnh cho Cảnh sát trưởng quốc gia và Bộ trưởng An ninh truy bắt các thủ phạm cũng như mạng lưới đứng sau vụ tấn công. Ông cũng đã quyết định rút ngắn chuyến làm việc tại thị trấn Cirebon ở Tây Java (Gia-va).

Vụ tấn công trên xảy ra sau 6 năm thủ đô Jakarta của Indonesia tương đối yên bình và lực lượng an ninh trấn áp hiệu quả các mạng lưới Hồi giáo cực đoan nguy hiểm nhất ở nước này. Đứng đầu trong số này là nhóm Jemaah Islamiyah (JI), một phong trào Hồi giáo cực đoan từng tiến hành vụ đánh bom đẫm máu tại Bali (Ba-li) năm 2002.

Các đầu sỏ của nhóm này hầu hết đã bị tiêu diệt hoặc đang ngồi tù. Những năm gần đây, nhà chức trách Indonesia cũng đã bắt giữ một số tay súng có liên hệ với IS, điều này làm dấy lên lo ngại rằng các đối tượng cực đoan người Indonesia trở về từ các "điểm nóng" ở Trung Đông có thể tiến hành các vụ tấn công trong nước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục