Điểm nhấn của triển lãm hàng không Singapore 2018

05:30' - 13/02/2018
BNEWS Được xem là một trong ba triển lãm về hàng không vũ trụ và quốc phòng an ninh lớn nhất thế giới, diễn ra hai năm một lần, Airshow năm nay quy tụ dàn "siêu tàu bay" thế hệ mới hàng đầu hiện nay.
Điểm nhấn của triển lãm hàng không Singapore 2018. Ảnh: Kyodo

Triển lãm hàng không quốc tế lần thứ 6 (Airshow) lớn nhất ở khu vực châu Á đã chính thức khai mạc ngày 6/2 tại Trung tâm triển lãm Changi ở Singapore.
Ban tổ chức triển lãm Airshow 2018 cho biết 65 trong số 100 công ty hàng đầu thuộc các lĩnh vực sản xuất máy bay và ngành hàng không thế giới như Airbus, Boeing và Rolls-Royce... có mặt trong sự kiện Airshow lần này.
Bên cạnh việc giới thiệu những xu hướng và công nghệ mới cũng như cập nhật sự phát triển của ngành hàng không thế giới, triển lãm cũng là cơ hội để không quân các nước trong khu vực quảng bá sức mạnh.
Đặc biệt, tại triển lãm năm nay cũng có sự xuất hiện của dàn "siêu tàu bay" hàng đầu thế giới như chiếc máy bay chở khách tầm xa Airbus A350-1000 và chiếc F-35B do tập đoàn Lockheed Martin (Mỹ) sản xuất có khả năng hạ cánh theo phương thẳng đứng, đứng yên trên không và cất cánh chỉ cần đường băng ngắn.

Đây là hai trong số những chiếc máy bay thương mại và quân sự mới được trưng bày tại Singapore Airshow 2018.
Theo dự báo của các chuyên gia, trong vòng hai thập kỷ tới, khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ cần và mua nhiều máy bay hơn bất cứ khu vực nào trên thế giới, với khoảng hơn 14.000 chiếc trị giá trên 2.000 tỷ USD.
Khu vực này cũng sẽ có lưu lượng hành khách dự kiến tăng trưởng ở mức 5,6% mỗi năm, vượt xa mức trung bình toàn cầu là 4,4%. Chính vì vậy, đây cũng là thị trường "cốt lõi" của các hãng máy bay hàng đầu như Boeing và Airbus khi cả hai hãng này đều dự báo đến năm 2036, khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ chiếm từ 39%-41% lượng máy bay mới.
Nhu cầu đi lại theo đường hàng không gia tăng trong thời gian tới cũng là yếu tố hỗ trợ cho dự báo tăng trưởng của ngành hàng không. Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) dự báo năm 2018 sẽ là năm ngành hàng không đạt kỷ lục về lợi nhuận với con số 38,4 tỷ USD, trong đó khu vực châu Á-Thái Bình Dương có thể đạt đến 9 tỷ USD. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp tích cực đưa ra những giải pháp, công nghệ mới trong lĩnh vực hàng không.
Triển lãm hàng không Singapore lần đầu tiên tổ chức vào năm 1981, bao gồm hai phần “Triển lãm công nghệ quốc phòng châu Á” và “Triển lãm thiết bị và công nghệ sân bay châu Á” - qua nhiều năm phát triển, triển lãm hàng không Singapore đã trở thành triển lãm hàng không lớn thứ ba trên thế giới sau triển lãm hàng không Paris và triển lãm hàng không Farnborough.
Đối với công chúng, đặc biệt là những người hâm mộ hàng không, điểm nhấn lớn nhất của triển lãm hàng không lần này là các màn biểu diễn bay tuyệt vời. Không quân Singapore đã chuẩn bị một màn biểu diễn bay cho triển lãm hàng không do một chiếc máy bay chiến đấu F-15SG và hai chiếc máy bay chiến đấu F-16C cùng hoàn thành, đây là lần đầu tiên không quân Singapore sử dụng hai loại máy bay này vào biểu diễn bay.
Ngoài ra, máy bay của Mỹ, Thái Lan, Malaysia và Indonesia cũng sẽ biểu diễn bay trong thời gian triển lãm hàng không.
Một điểm nhấn nữa của sự kiện lần này là trưng bày thiết bị bay hàng không của rất nhiều hãng hàng không quốc tế. So với sự trưng bày của máy bay dân dụng, thiết bị bay quân sự thu hút được nhiều sự quan tâm hơn. Ngoài trưng bày máy bay chiến đấu tàng hình F-22, đây sẽ là lần đầu tiên không quân Mỹ trưng bày hệ thống máy bay không người lái Global Hawk và máy bay chiến đấu F-35B mới nhất.
Theo thông tin của nhà tổ chức, các doanh nghiệp hàng không đến từ Trung Quốc sẽ trưng bày máy bay dân dụng và quân sự tại triển lãm lần này, các chuyên gia đào tạo công nghệ hàng không đến từ Trung Quốc cũng sẽ tham dự diễn đàn công nghệ tổ chức trong thời gian diễn ra sự kiện.
Theo đài Sputnik, doanh nghiệp Nga đã mang máy bay chiến đấu, máy bay lên thẳng cùng hệ thống vệ tinh thăm dò mới nhất đến tham dự triển lãm. Trong đó, công ty “Trực thăng Nga” sẽ giới thiệu các sản phẩm mới nhất về công nghệ máy bay trực thăng dùng cho dân dụng và quân sự tại Singapore Airshow lần này.
Tại gian hàng của công ty, khách thăm quan có thể làm quen với các mẫu mới nhất như Mi-171A2 dùng trong tìm kiếm và cứu hộ, máy bay lên thẳng hạng nhẹ đa chức năng “Ansat”, cũng như trực thăng trinh sát - tấn công Ka-52 “Alligator”.
Tổng Giám đốc Tổng công ty cổ phần "Trực thăng Nga" Andrey Boginsky nhận thấy nhu cầu thị trường châu Á-Thái Bình Dương tăng trưởng rất tích cực. Trong 5 năm qua, công ty đã cung cấp hơn 250 máy bay ở khu vực này, và ngày nay tổng số máy bay trực thăng do Nga sản xuất đang hoạt động tại châu Á-Thái Bình Dương lên tới hơn 1200 chiếc.
Cuối tháng 12/2017, công ty đã ký thỏa thuận với Progression Ltd. của Singapore về quan hệ đối tác, điều này cho phép “Trực thăng Nga” tăng cường hơn nữa các nỗ lực để đưa sản phẩm và đầu tư vào thị trường các nước châu Á-Thái Bình Dương.
Công ty cổ phần “Trực thăng Nga” (thành viên của Tổng công ty nhà nước Rostec) được thành lập vào năm 2007, có trụ sở chính tại Moskva. Công ty bao gồm năm nhà máy sản xuất trực thăng, hai phòng thiết kế, các doanh nghiệp sản xuất bảo trì phụ tùng chi tiết, các nhà máy sửa chữa máy bay và công ty dịch vụ cung cấp hỗ trợ sau bán hàng tại Nga và nước ngoài.
Khách hàng của công ty bao gồm các cơ quan thực thi pháp luật Nga, các quốc gia, hãng hàng không “Gazprom Avia” và UTair, các công ty lớn của Nga và nước ngoài.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục