Doanh nghiệp tư nhân vẫn "dựa dẫm" vào vốn vay

15:00' - 26/07/2017
BNEWS Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân được đánh giá là có khởi sắc trong những năm gần đây, nhưng vẫn không đạt như kỳ vọng.

Quy mô doanh nghiệp tư nhân chủ yếu là siêu nhỏ và nhỏ, dẫn đến năng lực sử dụng vốn hạn chế, nguồn lực thấp... Vì vậy, khó phát huy được hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh.

Doanh nghiệp tư nhân vẫn "dựa dẫm" vào vốn vay. Ảnh minh họa: TTXVN

Doanh nghiệp chiếm dụng vốn lẫn nhau

Theo các kết quả khảo sát và nghiên cứu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đội ngũ doanh nghiệp tư nhân Việt Nam chỉ mới thành lập nhiều và phát triển chủ yếu từ năm 2000 trở lại đây. Doanh nghiệp tư nhân chủ yếu đăng ký hoạt động ở các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, xây dựng... Đây được coi là điểm yếu của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam khi ít tham gia vào các lĩnh vực sản xuất, công nghiệp... nên những đóng góp vào nền kinh tế đất nước cũng hạn chế.

Bên cạnh đó, có hơn 50% doanh nghiệp tư nhân có vay vốn ngân hàng, trong đó doanh nghiệp càng lớn thì vay càng nhiều. Nhưng đáng chú ý là các doanh nghiệp chủ yếu vay vốn để trang trải hoạt động, chứ ít đầu tư đổi mới sáng tạo, thiết bị máy móc hay công nghệ.

TS. Nguyễn Hải An, Giám đốc Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao, nhận định, vốn là một trong những nhân tố quyết định đến sự sống còn của doanh nghiệp. Ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp tư nhân, tình trạng thiếu vốn đang là một trong những khó khăn tài chính lớn nhất.

Việc tiếp cận nguồn vốn hạn chế gây ra thực trạng phổ biến là doanh nghiệp chiếm dụng vốn lẫn nhau, làm lây nhiễm rủi ro giữa các doanh nghiệp, dẫn đến xuất hiện không ít doanh nghiệp yếu và bị động nguồn vốn.

Mặt khác, tỷ lệ sử dụng công nghệ cao rất thấp so với các nước trong khu vực, chỉ đạt 2%. Nguồn vốn mà doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp tư nhân đầy tư cho đổi mới công nghệ rất thấp, khoảng 0,2% - 0,3% tổng doanh thu. Đặc biệt, hiện nay tại Việt Nam, trình độ thiết bị công nghệ trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa khu vực tư nhân chỉ bằng 3% mức trạng bị kỹ thuật trong các doanh nghiệp lớn.

Trước yêu cầu ngày càng cao của thị trường, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp tư nhân đã quan tâm đến chất lượng sản phẩm và xây dựng chiến lược sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của khách hàng và thị trường. Tuy nhiên, các sản phẩm của doanh nghiệp tư nhân có hàm lượng tri thức và công nghệ thấp, chủ yếu dựa vào lợi thế lao động.

Đội ngũ chủ doanh nghiệp, cán bộ quản lý doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp tư nhân, rất thiếu kiến thức quản trị và kỹ năng, kinh nghiệm đổi mới sáng tạo. Từ đó, dẫn đến tình trạng chưa chấp hành tốt các quy định pháp luật về thuế; quản lý tài chính, nhân sự, chất lượng hàng hóa, sở hữu công nghiệp...

Khó khăn tìm kiếm khách hàng

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, VCCI cho biết, các điều tra kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh hàng năm của doanh nghiệp thì những vấn đề gây khó khăn và cản trở doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp tư nhân thì tìm kiếm khách hàng dẫn đầu với tỷ lệ 65%; tiếp theo là nguồn vốn (44%), nguồn nhân sự phù hợp (31%), thủ tục hành chính (25%). Bên cạnh đó, khách hàng chính của cộng đồng doanh nghiệp này chủ yếu là thị trường nội địa, còn khách hàng nước ngoài rất ít.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vẫn bên lề chuỗi cung cung ứng so với doanh nghiệp FDI tại Việt Nam và chưa tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, mặc dù Việt Nam đã hội nhập sâu rộng qua hàng loạt Hiệp định Thương mại tự do (FTA).

Một số phân tích cho thấy, nếu Việt Nam xuất khẩu 10 đồng thì trong đó có 7,4 đồng của FDI. Điều này không chỉ thể hiện sức khỏe yếu kém của doanh nghiệp tư nhân, mà còn chỉ ra sự phát triển chưa bền vững của nền kinh tế Việt Nam.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp tư nhân, hầu hết rất hạn chế trong năng lực tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế trong quản trị doanh nghiệp. Những chiến lược phân phối, truyền thông và xúc tiến thương mại chưa được đầu tư đúng mức và yếu kém như chi phí cho hoạt động xúc tiến thương mại chỉ dưới 1% doanh thu, trong khi ở các doanh nghiệp nước ngoài là 10% - 20%.

Ngoài ra, không đi sâu vào nghiên cứu thị trường nên nhiều doanh nghiệp chưa khai thác được thị trường tiềm năng đã phải chịu thu lỗ và mất thị trường.

Việt Nam là nước xuất khẩu nhiều loại nông sản có độ mở thị trường rất cao như cà phê, hồ tiêu trên 90%; lúa gạo 25%; còn một số mặt hàng khác gồm: cao su, hạt điều, chè, sắn... cũng trên 50% - 60%, nhưng nhiều mặt hàng không có thương hiệu, một số sản phẩm có thương hiệu thì quy mô quá nhỏ.

Chính vì vậy, giá trị gia tăng nhờ thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam không có, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp tư nhân càng gặp khó khăn trong việc xây dựng thương hiệu.

Kỳ vọng giải pháp hỗ trợ trọng tâm

Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam vừa được Quốc hội thông qua trong tháng 6 vừa qua, sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018, được kỳ vọng sẽ tạo thêm động lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó có doanh nghiệp tư nhân phát triển, tham gia vào cụm liên kết ngành và chuỗi giá trị. Trong đó, Luật này được đánh giá là tôn trọng quy luật thị trường, không vi phạm điều ước quốc tế Việt Nam là thành viên. Nhà nước hỗ trợ trọng tâm, có thời hạn, phù hợp với mục tiêu và khả năng cân đối nguồn lực; bảo đảm công khai, minh bạch về nội dung, đối tượng, trình tự, thủ tục, nguồn lực, mức hỗ trợ và kết quả thực hiện.

Đặc biệt, các giải pháp hỗ trợ liên quan đến tín dụng không áp đặt và can thiệp trực tiếp đến hoạt động của hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng. Ngoài ra, Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam còn hỗ trợ thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn, trong từng thời kỳ điều chỉnh, sửa đổi cụ thể nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của pháp luật thuế.

Theo phân tích của ông Lê Duy Bình, Giám đốc Công ty Tư vấn và Quản lý Kinh tế, Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam sẽ cải thiện tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp nhỏ và vừa qua chính sách thuế khi giảm tới 4.000 – 5.000 tỷ đồng mỗi năm từ giảm chi phí thuế; hỗ trợ iếp cận thêm ít nhất 397.000 tỷ đồng từ các ngân hàng thương mại và 7.560 tỷ đồng thông qua các quỹ bảo lãnh tín dụng…

Còn một số chuyên gia khác cho rằng, Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, có hiệu lực sẽ góp phần cải thiện môi trường kinh doanh hấp dẫn hơn; đồng thời khuyến khích doanh nghiệp khu vực tư nhân phát triển, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để doanh nghiệp hoạt động và sáng tạo. Luật này, không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp trong nước mà còn tạo cơ hội cho cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa nước ngoài hoạt động tại Việt Nam./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục