Đức bác bỏ những chỉ trích về thặng dư thương mại cao quá mức

18:29' - 21/03/2017
BNEWS Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ trích tình trạng thặng dư của Đức, khi số liệu cho thấy kim ngạch xuất khẩu của nước này cao hơn nhập khẩu đến 253 tỷ euro.
Đức cho rằng thặng dư thương mại cao sẽ không ảnh hưởng tới ổn định kinh tế quốc gia. Ảnh: EPA

Trong một tuyên bố mới đây, Hội đồng chuyên gia kinh tế Đức đã bác bỏ những chỉ trích rằng thặng dư thương mại của nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang cao quá mức, song cho rằng Berlin có thể thu hẹp thặng dư bằng cách thu hút nhiều nhà đầu tư nhiều hơn.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ trích tình trạng thặng dư của Đức, khi số liệu cho thấy kim ngạch xuất khẩu của nước này cao hơn nhập khẩu đến 253 tỷ euro (270 tỷ USD) trong năm 2016. Thặng dư tài khoản vãng lai, bao gồm cả dịch vụ, thậm chí còn ở mức cao hơn (266 tỷ euro).

Ông Peter Navarro, cố vấn thương mại hàng đầu của Tổng thống Trump đã cáo buộc Berlin lợi dụng đồng euro bị định giá quá thấp để thúc đẩy xuất khẩu. Đáp lại, ông Christoph Schmidt, Chủ tịch Hội đồng chuyên gia kinh tế Đức cho rằng mặc dù thặng dư tài khoản vãng lai của nước này ở mức cao song không có sự mất cân bằng kinh tế vĩ mô.

Hội đồng chuyên gia kinh tế Đức cũng nâng dự báo về tốc độ tăng trưởng năm 2017 của nền kinh tế lớn nhất châu Âu thêm 0,1 điểm phần trăm so với dự báo trước đó lên 1,4%, do thị trường việc làm vẫn "khỏe mạnh". Hội đồng trên cũng dự báo kinh tế Đức sẽ tăng trưởng 1,6% trong năm 2018, đồng thời bày tỏ sự lạc quan đối với triển vọng kinh tế toàn cầu.

Nhóm chuyên gia trên cũng tiếp tục phàn nàn về chính sách tiền tệ lỏng của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), cho rằng chính sách này có thể gia tăng những rủi ro đối với sự ổn định của thị trường tài chính, và ECB nên sớm chấm dứt chương trình này.

ECB đã mua hơn 1.000 tỷ euro trái phiếu doanh nghiệp và chính phủ trong nỗ lực nhằm bơm tiền vào hệ thống tài chính. Trong cuộc họp chính sách ngày 9/3, ngân hàng này đã quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức thấp kỷ lục do lo ngại làm tổn hại tới nền kinh tế mới chớm phục hồi.

>>> Nhật Bản, Đức bày tỏ quan điểm về thương mại tự do với Mỹ

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục