Hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long - Bài 3: Cả hệ thống chính trị vào cuộc

15:19' - 02/03/2016
BNEWS Khi những đợt hạn, mặn khốc liệt diễn ra tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng là lúc ghi nhận sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị cùng người dân đối phó với tình trạng khó khăn này.

No Title

Cả hệ thống chính trị vào cuộc nhằm đối phó với tình trạng khó khăn này. Ảnh: Đức Ánh-TTXVN

* Quan cũng lội ruộng

Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Trần Công Chánh cho biết, từ trước Tết Nguyên đán 2016 đến nay, chính quyền và ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang đứng ngồi không yên.

Thông thường, Hậu Giang chỉ chịu mặn xâm nhập từ hướng biển Tây nhưng năm nay mặn ở biển Đông lại xâm nhập sâu hơn. Bí thư Tỉnh ủy cũng phải trực tiếp lặn lội cùng các sở, ngành kiểm tra hệ thống cống, đập; thậm chí đo nồng độ mặn trên nhiều cửa sông thuộc địa bàn tỉnh Hậu Giang.

Tại Hậu Giang, từ giữa tháng Chạp âm lịch năm 2015, độ mặn tại biển Tây xâm nhập vào địa bàn huyện Long Mỹ và thành phố Vị Thanh đã cao hơn so với cùng kỳ.

Ngày 29 và mồng 1 Tết Bính Thân 2016, mặn ở hướng biển Đông xâm nhập sâu vào địa bàn huyện Châu Thành, thị xã Ngã Bảy.

Nồng độ mặn cao nhất mà tỉnh quan sát, kiểm tra xuyên suốt có lúc lên đến 10 – 12 ‰; tại cửa sông và nội đồng khoảng 2 – 3 ‰ . Cây trồng, vật nuôi ở những vùng bị mặn xâm nhập bị ảnh hưởng hoàn toàn. Mặn xâm nhập vào Hậu Giang năm nay sớm hơn 1 tháng.

Theo ông Trần Công Chánh, hạn hán thì chờ có nước sẽ được cải thiện nhưng vùng sản xuất mới bị xâm mặn thì cả 10 năm sau kinh tế không phát triển được.

Do đó, tỉnh đã chỉ đạo cả hệ thống chính trị, các sở, ngành chuyên môn cùng địa phương phải thường xuyên theo dõi, cảnh báo kịp thời người dân về tình hình hạn mặn.

Tại huyện Vị Thủy, trong những ngày Tết Nguyên đán, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Vui cũng phải cùng phòng, ban thường xuyên xuống các xã Vĩnh Thuận Tây, Vị Thủy để kiểm tra nồng độ mặn. Hàng tuần Vị Thủy đều duy trì công tác kiểm tra sát sao.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cũng đã yêu cầu Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam có thông báo tình hạn, mặn hàng tuần gửi đến các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để cơ sở và nhân dân nắm bắt đầy đủ thông tin và chủ động trong sản xuất, sinh hoạt.

* Trực cống 24/24 giờ

Ông Nguyễn Thanh Nhanh, Trưởng phòng Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng cho biết, đến nay toàn bộ hệ thống cống ngăn mặn trên địa bàn tỉnh đã được đóng hết nhằm ngăn mặn, trữ ngọt.

Lực lượng bố trí trực 24/24 giờ tại các cống để kiểm tra. Nếu có nước ngọt sẽ mở cống lấy ngay vào nội đồng, cũng như đáp ứng nhu cầu vận chuyển bằng đường thủy qua lại các cống.

Tỉnh Sóc Trăng cũng tăng cường công tác kiểm tra, nạo vét kênh mương nội đồng nhằm đảm bảo tích trữ nước ngọt hiệu quả, góp phần giảm thiểu thiệt hại do hạn, mặn; đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân không xuống giống lúa Xuân Hè năm nay.

Cuối tháng 2/2016, huyện Trần Đề là một nơi có diện tích lúa Đông Xuân bị ảnh hưởng nặng nề nhất của đợt hạn, mặn. Toàn huyện có tổng diện tích xuống giống gần 3.000 ha và chịu thiệt hại gần như toàn bộ; trong đó, hơn 200 ha thiệt hại từ 10- 30%, gần 1.400 ha thiệt hại từ 30 – 70% và trên 1.000 ha thiệt hại hơn 70%.

Những vùng không chủ động về nguồn nước kiên quyết không gieo sạ khi chưa bắt đầu mùa mưa. Ảnh: Thanh Bình-TTXVN

Trưởng trạm Thủy nông huyện Trần Đề - ông Trần Văn Cứ cho biết, mấy năm trước, qua Tết Nguyên đán vẫn còn nước ngọt nhưng năm nay cách tết chừng 1 tháng thì nhiều sông đã nhiễm mặn.

Toàn bộ hệ thống 26 cống ngăn mặn, trữ ngọt với 16 cống phục vụ sản xuất lúa trên địa bàn được cán bộ túc trực thường xuyên và đóng, mở liên tục để lấy nước ngọt hoặc ngăn nước mặn xâm nhập nội đồng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã cảnh báo các địa phương không xuống giống lúa Xuân Hè vì lượng nước phục vụ cho sản xuất lúa khan hiếm.

Đối các vụ lúa Hè Thu 2016 và vụ Mùa 2016, các địa phương tập trung chỉ đạo bố trí thời vụ xuống giống nhanh, gọn và hợp lý cho từng tiểu vùng nhằm tránh hạn mặn.

Đối với những vùng không chủ động về nguồn nước kiên quyết không gieo sạ khi chưa bắt đầu mùa mưa, nhằm tránh thiệt hại không đáng có.

Theo ông Hoàng Văn Cường, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chịu tác động mạnh của hai chế độ thủy triều khác nhau ở biển Đông và biển Tây. Ven biển Đông từ Long An đến mũi Cà Mau là bán nhật triều không đều, biên độ khoảng 3 – 4m.

Ven biển Tây, từ mũi Cà Mau đến Hà Tiên là nhật triều không đều, biên độ 0,8 – 1,2m. Trong những ngày triều cường nếu xuất hiện gió, nhất là gió chướng phía biển Đông sẽ làm gia tăng phạm vi xâm nhập mặn trên dòng chính và kênh rạch nội đồng.

Mùa khô năm nay, khả năng xâm nhập mặn vùng cửa sông Nam Bộ tiếp tục sâu hơn và cao hơn cùng kỳ mùa khô năm 2015 và trung bình nhiều năm. Từ cuối tháng 2, mặn có khả năng duy trì ở mức cao, nghiêm trọng.

Trên sông Tiền, sông Hậu độ mặn trên 4g/l có thể xâm nhập sâu khoảng 50 – 70km tính từ cửa sông, có thời kỳ trên 70km. Độ mặn sẽ tăng cao và kéo dài đến đầu tháng 5.

Các địa phương cần thường xuyên cập nhật các bản tin dự báo mặn và tập trung các nguồn lực nhằm phòng chống đợt hạn, mặn đang ngày một khốc liệt.

Bài 4: Đắp đê bao, chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Bài 1: Nghèo trên vựa lúa

Bài 2: Khát trên vùng sông nước

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục