Hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long - Bài cuối: Liên kết, lồng ghép phát triển

17:56' - 02/03/2016
BNEWS Liên kết, lồng ghép là một trong những giải pháp có tầm nhìn dài hạn giúp Đồng bằng sông Cửu Long phát triển an toàn, trù phú và bền vững trước tác động xấu của thiên tai.

Lường trước và hóa giải những khó khăn sẽ giúp vùng đất này lấy lại thế “thiên thời – địa lợi”.

* Lồng ghép phát triển

Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu – Trường Đại học Cần Thơ, hạn hán năm 2016 không còn mang ý nghĩa là năm hạn về mặt khí tượng nữa.

Năm nay lượng nước cung cấp thấp hơn trung bình nhiều năm đã thể hiện rõ cái “hạn” về nông nghiệp. Khô hạn làm giảm năng suất và sản lượng cây trồng diễn ra phổ biến.

 Nếu hạn mặn kéo dài sợ rằng nguồn nước mưa trong 25 chiếc lu cũng không đủ dùng đến mùa mưa. Ảnh minh họa: TTXVN

Ngoài ra, còn nhiều biểu hiện mang dấu ấn của “năm hạn” như: thiếu nước sinh hoạt ở mức báo động gây ngưng trệ nhiều nguồn sản xuất, sinh kế; nhiều thảm họa thiên tai phải huy động các nguồn lực cứu trợ khẩn cấp.

Trước tình hình hạn mặn năm nay, lo ngại về việc các vùng canh tác lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị thu hẹp, năng suất và sản lượng sụt giảm đáng kể đã dần hiện hữu.

Tuy nhiên, với nhiều nỗ lực, bước đầu các nhà khoa học nông nghiệp đã lai tạo ra những giống lúa mới có khả năng thích nghi tốt hơn với nước mặn. Nhiều giống lúa có khả năng kháng mặn cao đang được thử nghiệm tại nhiều vùng đất nhiễm mặn khác nhau.

Nhận thức sớm các nguy cơ tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng lên là việc làm cấp bách để có những chính sách nhằm ứng phó; bao gồm cả giảm thiểu và thích ứng với tình trạng nóng lên toàn cầu ảnh hưởng đến Việt Nam , đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đây thực sự là mối đe dọa lớn cho an ninh lương thực và sinh kế của người dân khu vực này.

Theo đó, tại khu vực này cần đánh giá mức độ tác động của biến đổi khí hậu đối với các lĩnh vực, ngành và địa phương trong từng giai đoạn; xây dựng được kế hoạch hành động có tính khả thi để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Ảnh lúa chết và thiệt hại nặng do hạn mặn ở Trần Đề, Sóc Trăng. Ảnh minh hoa: Trung Hiếu/TTXVN

Việc lồng ghép hay gắn kết, tích hợp các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu có ý nghĩa lớn nhằm đảm bảo tính phát triển bền vững trong việc hoạch định và thực thi kế hoạch.

Việc lồng ghép biến đổi khí hậu phải được thực hiện qua sự phối hợp đa ngành, đa lĩnh vực và có sự tham gia của cộng đồng và các tổ chức, ban ngành liên quan, kể cả việc rà soát các thể chế, chính sách hiện tại có phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội dưới điều kiện có biến đổi khí hậu trong tương lai hay không.

* Liên kết phát triển

Theo ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế - Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, yêu cầu cấp thiết với ngành nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long là phải tăng cường liên kết để đưa ra những cơ chế, chính sách nhằm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Tạo được liên kết vùng vững chắc sẽ nâng cao hiệu quả đầu tư, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí nhất là trong tình hình cấp bách như hiện nay.

Ông Trần Văn Sĩ - nông dân ấp Bình Hòa, xã Bình Trinh Đông, bên ruộng lúa khô cằn. Ảnh: Thanh Bình/TTXVN

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Sánh, Viện Nghiên cứu phát triển Đồng bằng sông Cửu Long cho rằng, sự phát triển thành công của khu vực này trong thời gian qua là nhờ yếu tố quan trọng là nguồn nước ngọt phù sa màu mỡ của sông Mê Kông chạy qua với trung bình khoảng 120 triệu tấn phù sa.

Tuy nhiên, việc ngăn đập, kiểm soát lũ chặt chẽ đã làm mất đi bồi đắp phù sa tự nhiên. Diện tích vùng ngập lũ bị thu hẹp, cùng đó là sạt lở bờ sông ngày một tăng.

Đặc biệt, phát triển sản xuất và thâm canh nông nghiệp trong mùa khô đã gây ra bất cập quản lý nước ngọt và nước mặn nơi đây. Cùng đó, việc sử dụng quá mức nước ngầm cũng làm trầm trọng hơn về xâm nhập mặn, sinh kế người dân sống ven biển ngày càng bị tổn thương.

Xâm nhập mặn, hạn hán, lũ lụt, mất đất nông nghiệp, giảm khả năng sản xuất nông nghiệp và thủy sản, ảnh hưởng sinh kế người dân nông thôn diễn ra ngày càng khốc liệt. Điều này đe dọa an ninh lương thực quốc gia và tiềm năng sản xuất, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản của vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong tương lai không xa.

 Huy động 21 máy bơm liên tục bơm nước chống hạn tại điểm cầu Hộ trên kệnh Champeaux, xã Tân Thành, Gò Công Đông, Tiền Giang. Ảnh minh họa: Minh Trí/TTXVN 

Do đó, các cấp cần có sự quan tâm hơn trong đầu tư cơ sở hạ tầng nói chung và sản phẩm nông nghiệp nói riêng trên ba cấp độ, nhằm góp phần tăng cơ hội sinh kế cho người dân, giúp sử dụng tài nguyên hợp lý trước tác động biến đổi khí hậu cũng như thời tiết cực đoan và tái cơ cấu nông nghiệp vùng trong giai đoạn ngắn hoặc trung hạn.

Ở cấp độ 1, đầu tư về giải pháp sinh học là tạo giống cây con thích ứng thời tiết cực đoan, có thị trường tiêu thụ. Ở cấp độ 2, cần thực hiện sâu rộng hệ thống canh tác theo vùng sinh thái gắn chuỗi giá trị ngành hàng. Cấp độ 3 chính là đẩy nhanh đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng thích ứng biến đổi khí hậu, thiên tai diễn ra trên địa bàn.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Tăng Đức Thắng, Phó giám đốc Viện khoa học thủy lợi Việt Nam, để giải quyết vấn đề hạn hán, xâm nhập mặn trước mặt, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long phải chủ động tạo nguồn nước ngọt, đặc biệt là các vùng khan hiếm nước. 

Các địa phương cần cấp bách xây dựng hồ chứa, ao chứa, đập tạm trên kênh mương để tích trữ nước ngọt bất cứ lúc nào; làm các đập tạm tích nước mưa, nước kênh rạch ngay trong mùa mặn ở vùng ven biển khi độ mặn giảm thấp, nước ngọt xuất hiện.

Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, ông Nguyễn Phong Quang cho rằng, những nơi nước mặn trực tiếp xâm nhập cần giải quyết vấn đề nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho người dân.

Về lâu dài, Chính phủ Việt Nam cần làm việc với chính phủ các nước có chung dòng Mê Kông về việc ngăn đập làm ảnh hưởng nước ở hạ lưu – ông Quang kiến nghị.

Cùng với đó, đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, các bộ, ngành liên quan cần xem xét nên ngăn đê bao có trọng điểm để phục vụ sản xuất khép kín cho từng khu vực; tránh làm đê bao tràn lan như thời gian qua./.

=>> Bài 1: Nghèo trên vựa lúa

=>> Bài 2: Khát trên vùng sông nước

=>> Bài 3: Cả hệ thống chính trị vào cuộc

=>> Bài 4: Cần sớm thay đổi kỹ thuật canh tác

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục